Những thực phẩm giúp giã rượu
Khi bị say rượu, có thể ăn 2 lòng trắng trứng gà còn tươi. Chất cồn chưa bị hấp thu trong dạ dày khi gặp protein trong lòng trắng trứng sẽ bị kết tủa. Điều này không chỉ giảm bớt lượng rượu được hấp thu mà còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.
Sau đây là một số cách giã rượu khác bằng đồ ăn thức uống:
- Giấm 60 g, đường đỏ 15 g, gừng 3 lát giã nát, hòa lẫn rồi cho uống.
- Búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, cho đường và giấm để ăn, một lát sau sẽ giã rượu.
- Củ cải sống giã nát, vắt lấy nước, thêm chút đường đỏ cho dễ uống, uống liên tục nhiều lần sẽ tỉnh ra.
- Củ mã thầy rửa sạch, gọt vỏ, ăn sống hoặc giã lấy nước uống.
- Mía rửa sạch, róc vỏ, ép hoặc nghiền nát, chắt lấy nước cho người say uống dần, vài lần sẽ tỉnh.
- Đậu xanh 100 g, cam thảo 12 g ninh nhừ, ăn cả nước lẫn cái.
- Mứt hồng ăn 2-4 quả một lần, uống nước nóng. Cũng có thể giã nát hồng cho ăn hoặc cho ăn cả quả.
- Đậu chao (đậu phụ để chua) 30 g, hành khô 5 củ, nấu canh ăn cả nước lẫn cái.
- Cà phê đặc cho uống nhiều lần, dùng khi người say có hiện tượng thiếp đi.
- Trà đặc uống nhiều lần. Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính, chữa trị các hiện tượng hôn mê, ức chế hô hấp.
- Uống nước cơm: Cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó có thể giảm bớt lượng cồn bị hấp thu.
- Củ sắn dây 25-50 g (hoặc hoa sắn dây 10-15 g) nấu nước uống.
- Giã một ít khoai lang sống, trộn với một ít đường để ăn.
- Ngó sen tươi thái thành sợi, thành miếng, trộn với đường và giấm để ăn. Cũng có thể giã ngó sen, vắt lấy nước uống.
- Rau cần vắt lấy nước uống, không những có thể giã rượu mà còn giúp người say không bị choáng váng khi tỉnh rượu.
- Cam hoặc quýt 5 quả vắt lấy nước uống.
- Trứng muối một quả, ăn từ từ với giấm.
- Ăn các loại quả chua như vải, táo tây, cam, quýt hoặc dâu tươi. Nếu không có quả tươi, có thể lấy quả khô đun với nước, cho đường vào uống.
Không nên uống nước có ga
Một số người cho rằng loại nước này cũng có thể hoá giải rượu tốt. Đây là quan niệm rất sai lầm vì ga có thể làm cho cồn nhanh chóng lan toả khắp người và sinh ra một lượng lớn CO2, rất có hại cho dạ dày, ruột, gan, thận. Ngoài ra, chất này còn ảnh hưởng đến tim và hệ thống thần kinh trung ương, gây nên tình trạng hưng phấn quá mức hoặc hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi say rượu, tuyệt đối không được uống nước có ga.
Lao Động, Khoa Học & Phát Triển