Chế độ ăn uống trong bệnh thận
Tác giả : Thạc sĩ NGUYỄN VĨNH HƯNG (Khoa Thận - BV. Bạch Mai, Hà Nội)
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị bệnh thận. Họ cần hiểu biết và thực hiện đúng chế độ ăn phù hợp với từng loại bệnh thận thì vấn đề điều trị thuốc mới đạt hiệu quả tốt nhất. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số chế độ ăn uống thường áp dụng trong chuyên khoa thận.
1. Trong bệnh viêm cầu thận cấp
Những thực phẩm nên dùng:
- Chất bột đường: Có nguồn gốc từ các loại đường, mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây.
- Chất béo: Nên sử dụng 30-35g/ngày.
- Chất đạm: Giảm đạm, số lượng tùy thuộc vào cân nặng. Nên sử dụng đạm có nguồn gốc từ động vật như thịt nạc, cá, sữa, trứng.
- Các loại rau quả: Trong giai đoạn vô niệu thì không được ăn rau quả. Nếu tiểu được nhiều thì ăn rau quả như bình thường.
Những thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế:
- Chất bột đường: Không nên sử dụng loại ngũ cốc nhiều đạm như gạo, mì. Chỉ nên ăn dưới 150g/ngày.
- Chất béo: Không nên sử dụng các loại có nguồn gốc động vật.
- Chất đạm: Không nên sử dụng nhiều các chất đạm có nguồn gốc thực vật.
- Các loại rau quả: Theo dõi lượng nước tiểu để sử dụng số lượng rau quả hợp lý. Nếu vô niệu hoặc thiểu niệu thì không ăn rau quả.
Số lượng thực phẩm nên dùng trong một ngày:
- Gạo tẻ: 100-150g.
- Khoai sọ, khoai lang: 200-300g.
- Thịt nạc hoặc cá: 50-100g.
- Trứng vịt, gà: 1 quả, tuần ăn 2-3 lần.
- Dầu ăn: 20-30g.
- Rau: 200-300g.
- Quả: 200-300.
- Nước: bằng số lượng nước tiểu hàng ngày cộng thêm 300-500ml.
Nếu ăn số lượng như trên thì giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn sẽ là:
- Năng lượng: 1.600-1.700kcal.
- Ðạm có nguồn gốc động vật: 20-25g.
- Ðạm có nguồn gốc thực vật: 10-15g.
- Tổng số đạm: 30-40g.
- Chất béo động vật: 7-10g.
- Chất béo thực vật: 20-30g.
- Tổng số chất béo: 30-40g.
Chú ý trong giai đoạn phù phải ăn nhạt hoàn toàn, hết phù có thể ăn hai thìa cà phê nước mắm mỗi ngày.
2. Trong bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư, chưa suy thận:
Những thực phẩm nên dùng:
- Chất bột đường: Các loại gạo, mì, khoai sắn đều được.
- Chất béo: Chỉ nên sử dụng 20-25g/ngày, 2/3 là dầu thực vật.
- Chất đạm: Ăn thịt nạc, cá, sữa, trứng, đậu đỗ; Lượng đạm 1,5-2g/kg/ngày. Nên sử dụng sữa bột tách bơ để tăng cường đạm và calci.
- Các loại rau quả: Ăn rau quả như bình thường. Nếu tiểu ít thì cần hạn chế.
Những thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế:
- Chất bột đường: Không phải kiêng.
- Chất béo: Không nên sử dụng các loại có nguồn gốc động vật. Giảm số lượng.
- Chất đạm: Không nên sử dụng các phủ tạng động vật như tim, óc, thận. Hạn chế trứng, chỉ ăn 1-2 quả/tuần.
- Các loại rau quả: Nếu vô niệu hoặc thiểu niệu thì không ăn rau quả.
Số lượng thực phẩm nên dùng trong một ngày:
- Gạo tẻ: 300-350g.
- Thịt nạc hoặc cá: 200g hoặc 300g đậu phụ.
- Dầu ăn: 10-15g.
- Rau: 300-400g.
- Quả: 200-300g.
- Muối: 2g.
Nếu ăn số lượng như trên thì giá trị dinh dưỡng của khẩu phần sẽ là:
- Năng lượng: 1.800-2.000kcal.
- Ðạm có nguồn gốc động vật: 20-25g.
- Ðạm có nguồn gốc thực vật: 30-35g.
- Tổng số đạm: 50-60g.
- Chất béo động vật: 7-10g.
- Chất béo thực vật: 15-20g.
- Tổng số chất béo: 20-25g.
Chú ý trong giai đoạn phù phải ăn nhạt hoàn toàn, hết phù có thể ăn hai thìa cà phê nước mắm mỗi ngày.
3. Trong suy thận:
Những thực phẩm nên dùng:
- Chất bột đường: Các loại đường, mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây.
- Chất béo: Dầu, mỡ, bơ. Nên sử dụng 35-40g/ngày, 2/3 là thực vật.
- Chất đạm: Giảm đạm; Thịt nạc, cá 50g/ngày; Sữa 100-200ml/ngày; Trứng gà, vịt: 2-3 quả/tuần.
- Các loại rau quả: Ăn loại ít đạm, nên dùng loại ngọt, hàm lượng kali thấp.
Những thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế:
- Chất bột đường: Hạn chế gạo, mì. Chỉ nên ăn dưới 150g/ngày.
- Chất béo: Ăn ít mỡ, tránh các loại phủ tạng động vật.
- Chất đạm: Không nên ăn đậu, đỗ, lạc, vừng.
- Các loại rau quả: Tránh các loại có vị chua: Rau ngót, mồng tơi, đay.
Số lượng thực phẩm nên dùng trong một ngày:
- Gạo tẻ: 50-100g.
- Khoai sọ, khoai lang: 200-300g.
- Miến dong: 100-120g.
- Bột sắn, bột đao: 20g.
- Ðường kính: 30-50g.
- Sữa tươi: 100-200ml.
- Thịt nạc hoặc cá: 50g.
- Trứng vịt, gà 1 quả, tuần ăn: 2-3 lần.
- Dầu ăn: 20-30g.
- Rau: 200-300g.
- Quả chín: 200-300g.
Nếu ăn số lượng như trên thì giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn sẽ là:
- Năng lượng: 1.600-1.700kcal.
- Ðạm có nguồn gốc động vật: 16-18g.
- Ðạm có nguồn gốc thực vật: 11-13g.
- Tổng số đạm: 27-29g.
- Chất béo động vật: 10-12g.
- Chất béo thực vật: 30-32g.
- Tổng số chất béo: 40-45g.
Chú ý ăn nhạt hoàn toàn, hết phù có thể ăn 2 thìa cà phê nước mắm mỗi ngày.
Chú thích ảnh: Hình ảnh thận qua X-quang.