ÐỒ ĂN, THỨC UỐNG VÀ... THUỐC
Tác giả : BS. LÊ QUYÊN
Ngày xuân nói chuyện ăn uống thật không có gì thú vị bằng, và cũng không có gì chán hơn nếu 3 ngày Tết lại đi nói chuyện thuốc men. Thế nhưng dịp Tết ăn uống nhiều rất dễ gây bệnh và cần dùng thuốc, khiến bao tử phải chịu tác động qua lại giữa thuốc và thức ăn. Một số hiểu biết cơ bản sau đây có thể giúp chúng ta dùng thuốc hiệu quả và an toàn hơn khi có sự hiện diện của đồ ăn thức uống.
Thức ăn tác động lên dược động học của thuốc
93% các thuốc được thử nghiệm đều bị thức ăn tác động vào các mặt dược động học (hấp thu, chuyển hóa và bài tiết).
1. Sự hấp thu:
Ða số thức ăn tác động lên thuốc trong sự hấp thu thuốc ở vùng dạ dày - ruột non, nhất là vào thời điểm dạ dày trống rỗng (Stomach empty time - SET). Tác động của thức ăn ở thời điểm dạ dày trống rỗng (SET) phụ thuộc vào thành phần bữa ăn. Thức ăn càng rắn, khối lượng càng lớn, càng có nhiều chất béo càng có khuynh hướng trì hoãn SET.
Do phần lớn thuốc được hấp thu từ ruột non (chỉ một số rất ít hấp thu ở dạ dày) nên sự trì hoãn SET sẽ có một tác động ghi nhận được trên tỷ lệ thuốc đến được hệ tuần hoàn. Tuy nhiên có một số thuốc không thay đổi khối lượng được hấp thu và do đó không ảnh hưởng đến hiệu quả lâm sàng. Ví dụ các kháng sinh nhóm beta Lactam. Những loại thuốc sau đây khi dùng chung với thức ăn sẽ làm giảm nồng độ tối đa trong huyết tương và do vậy sẽ làm giảm hiệu quả lâm sàng như Furosemide, Levodopa, Paracetamol, các NSAID, Astemizole, Erythromycine, Lincomycine, Flucloxacillin, Tetracyclin, D-penicilamin, Ioniazid, Rifampicin, Methotrexate, Sucralfate, Bismuth, Captopril, Perindopril, Zidovudine...
Các dạng bào chế khác nhau sẽ có sự hấp thu khác nhau. Kiểu công thức "viên bao chỉ tan ở ruột" (enteric - coated) thường áp dụng cho các viên nang và viên nén - được thiết kế để không hòa tan và phóng thích dược chất tại dạ dày. Do đó, sự phóng thích dược chất tại dạ dày có thể được trì hoãn từ 30 phút đến 1 giờ khi đói hoặc từ vài giờ lên tới 12 giờ nếu dùng chung với thức ăn. Ðể có hiệu quả nhanh chóng, người bệnh thường được khuyên nên uống liều đầu tiên với thật nhiều nước khi dạ dày rỗng, các liều tiếp theo nên dùng chung với thức ăn (cả trong trường hợp dùng NSAID). Sự hấp thu của vài loại thuốc ưa mỡ (lipophillic drugs) có thể được tăng cường khi dùng chung với thức ăn, đặc biệt bữa ăn giàu chất béo, gồm: Cefuroxime, Erythromycin, Hydralazine, Itraconazole, Meben-dazol, Phenytoin, Propranolol, Cholorothiazid, Griseofulvin, Nitrofurantoin, Spironolactone...
Một vài loại thuốc khác như nhóm chẹn beta lại được chuyển hóa phụ thuộc vào lưu lượng máu đến gan. Những bữa ăn ngày Tết thường có nhiều chất đạm. Chính chất đạm sẽ làm tăng lưu lượng máu đến dạ dày và ruột non, đồng thời cũng làm tăng lượng máu đến gan. Do đó, những người có bệnh cao huyết áp nếu đang được chỉ định dùng thuốc nhóm chẹn beta (ví dụ Propranolol) nên uống thuốc lúc đang ăn hoặc ngay sau khi ăn. Ngoài ra, sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày lại kích thích sự bài tiết dạ dày và phóng thích các enzym chuyển hóa. Có lẽ điều này giúp cho sự tan rã hoặc gia tăng sự phân hủy của thuốc.
2. Sự chuyển hóa:
Những chế độ ăn khác nhau có tác động tới sự thay đổi trong chuyển hóa thuốc. Bữa ăn giàu đạm, các thức ăn nướng hoặc có chứa hợp chất Indol (ví dụ bông cải, cải bắp.) đều làm tăng các enzym chuyển hóa, giúp làm tăng độ thanh thải của một số thuốc, ví dụ các thuốc thuộc nhóm Theophylline. Tuy nhiên, các chế độ ăn này cần phải được duy trì trong nhiều tuần mới có thể tạo ra một sự thay đổi có ý nghĩa.
3. Sự bài tiết:
Ðã có những báo cáo về kết quả của vấn đề thay đổi chế độ ăn lên độ pH - niệu, dẫn đến kết quả tăng hoặc giảm sự thanh thải của một vài loại thuốc, mặc dù điều này ít khi có ý nghĩa lâm sàng. Ngày Tết, chúng ta cũng thường tiêu thụ nhiều loại nước giải khát có gas hơn ngày thường, góp phần làm tăng độ pH - niệu. Do đó, các thuốc có tính acid (ví dụ Aspirin) thường tăng độ thanh thải, ngược lại các thuốc có tính kiềm lại giảm độ thanh thải (ví dụ Quinidine, Methadone, Amphetamin...).
Thức ăn tác động lên dược lực học của thuốc
Một trong những tương tác dược lực giữa thuốc và thức ăn quan trọng nhất là giữa các thức uống có cồn và các loại thuốc làm dịu thần kinh trung ương. Ðiều này sẽ được nói rõ ở phần sau.
Ngoài ra, còn những tương tác dược lực có ý nghĩa khác liên quan đến vitamin K và chất Warfarin, giữa Glycyrrhizic acid và các thuốc hạ huyết áp. Hãy xem trường hợp giữa Glycyrrhizic và thuốc hạ huyết áp. Glycyrrhizic acid là một hợp chất giống steroid có trong cây cam thảo. Nó có hoạt động giống Mineralocorticoid trong việc giữ muối và nước. Do đó, những bệnh nhân đang sử dụng thuốc hạ huyết áp cần được khuyên nên thận trọng trong việc dùng cây cam thảo hoặc các chế phẩm có chứa trích tinh cam thảo. Nhưng một trong những thứ mứt thường có mặt trong các đồ ăn ngày Tết là kẹo ô mai cam thảo, được làm từ nguyên liệu chính là me trộn đều với khoai lang nấu chín, xay nhuyễn, vo thành viên rồi lăn qua một lớp áo được làm từ bột cam thảo, lại được nhiều người nhấm nháp liên tục vì nó có vị chua chua, ngọt ngọt và bùi bùi, ăn hoài không biết chán(!)
Nên uống thuốc với nước gì?
Lâu nay, đa số chúng ta thường không quan tâm lắm đến việc chọn nước để uống thuốc. Ðơn giản cứ có một chất lỏng nào đó giúp nuốt trôi viên thuốc là được. Ðây là một quan niệm không đúng, vì nhiều loại nước có ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của thuốc.
Rượu: Làm tăng hấp thu các thuốc Nitroglycerin, các benzodiazepin vì những chất này hòa tan trong rượu và vì lưu lượng máu ở ruột tăng lên sau khi uống rượu.
Rượu gây kích ứng đường tiêu hóa, làm tăng tính thấm của các thuốc (mà lúc bình thường khó thấm) như những kháng sinh nhóm Aminoglycosid, thuốc giun sán...
Rượu còn làm thay đổi tính thấm của màng tế bào, giúp một số thuốc dễ khuếch tán, đặc biệt là các thuốc tác động lên thần kinh trung ương như Diazepam, Levodopa, Barbiturate... và có thể gây rối loạn tâm thần, dẫn đến rối loạn giấc ngủ, hạ huyết áp thế đứng, mất tự chủ về hành vi và phối hợp động tác, giảm trương lực cơ... Tương tự, rượu làm tăng tác dụng trầm cảm thần kinh trung ương của Morphine, Propoxyphen, Pentazocine và các dẫn xuất của thuốc phiện.
Rượu làm tăng tính kích ứng dạ dày và kéo dài thời gian chảy máu dạ dày của các thuốc Aspirin, các NSAID... Ngoài ra, còn làm tăng độc tính của Paracetamol đối với gan... Tóm lại, tuyệt đối không được uống thuốc chung với rượu.
Sữa: Làm giảm tác dụng của nhiều loại thuốc do có chứa Calci caséinate tạo được phức không tan. Những loại thuốc này là các Tetracyclin, muối sắt, Atenolol, Lincomycine, Clindamycine...
Tuy sữa có chứa nhiều lipid giúp các thuốc ưa chất béo dễ tan nhưng lại làm chậm hấp thu các Penicillin V, các Cephalosporin, Theophyllin,...
Nước trà, cà-phê, ca-cao, chocolate: Chất caféin kích thích thần kinh trung ương nên sẽ hiệp đồng với các thuốc khác cũng có tác dụng kích thích thần kinh, hoặc đối kháng với các thuốc ức chế thần kinh.
Mặt khác, nhiều thuốc làm tăng độc tính của caféin như Cimetidin, thuốc ngừa thai... Các thuốc này kìm hãm sự chuyển hóa của caféin nên làm tăng độc tính của nước trà, café (gây mất ngủ, bồn chồn...).
Nước: Là dung môi tốt nhất để uống thuốc với điều kiện là nước lọc, hoặc "sang" hơn là nước tinh khiết. Hoàn toàn không thể thay thế bằng các loại nước ngọt, nước giải khát có gas, nước tăng lực...
Nước làm thuốc mau chóng tới được tá tràng, là nơi thuốc dễ hấp thu nhất. Ðồng thời làm tan rã thuốc viên, làm tăng độ hòa tan của dược chất, thúc đẩy hấp thu thuốc. Nước còn là một phần không thể thiếu trong điều trị một số bệnh như Goutte, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, giúp tăng thải thuốc qua đường tiết niệu như các loại Sulfamide, Cyclophosphamide...
Ðiều cần nhớ là bạn nên uống thuốc với nhiều nước, vì nếu uống ít nước, thuốc sẽ lưu lại lâu trong thực quản và chậm hòa tan để phóng thích dược chất.