Phẫu thuật cho bệnh nhân cách xa... 7.500 cây số
Tác giả : DS. TRƯƠNG TẤT THỌ
Ðiều kỳ diệu đã diễn ra trong lĩnh vực y học hiện đại, nữ bệnh nhân nằm viện ở Strasbourg (Pháp) đã được một chuyên viên ở mãi tận New York (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật. Chuyện khó tin nhưng có thật này đang mở ra một ngành mới trong y học, tạm gọi là y học viễn thông (télé-medecine).
Sau sự thành công của ca phẫu thuật xuyên Ðại Tây Dương trên, vấn đề trị bệnh "bắc cầu" qua hàng ngàn cây số đã không còn là chuyện khoa học viễn tưởng.
CA MỔ XUYÊN ÐẠI DƯƠNG
Với tên gọi "Opération Lindbergh", lần đầu tiên một cuộc can thiệp phẫu thuật đã được thực hiện xuyên Ðại Tây Dương với khoảng cách 7.500km nhờ các tiến bộ khoa học và tài năng của Viện nghiên cứu chống Ung thư đường tiêu hóa Pháp và France Telecom. Tác giả ca mổ, Giáo sư Marescaux tuyên bố rằng đây là cuộc cách mạng phẫu thuật lần thứ ba trong vòng 10 năm.
Tại New York, Giáo sư Jacques Marescaux chỉ huy robot phẫu thuật bằng mạng viễn thông và được chia làm hai phần, một tại Pháp và một tại Mỹ, sử dụng remote control để điều khiển robot mổ lấy túi mật cho bệnh nhân tại Pháp. Phần robot ở Strasbourg gồm 3 tay được chỉ huy từ xa: hai tay trang bị các vật dụng để mổ, tay thứ ba trang bị camera ghi hình. Cả 3 tay được đưa vào bụng bệnh nhân thông qua một kênh dẫn truyền. Nhà phẫu thuật ngồi tại New York với hai cần điều khiển, mỗi cần ra lệnh cho một tay mổ xẻ tại... Strasbourg. Ông dùng lời nói để chỉ huy máy ghi hình (giống như gọi điện thoại di động bằng lời nói thay vì bấm số). Và trên màn hình là hình ảnh rõ nét các cơ quan bên trong ổ bụng bệnh nhân với không gian 3 chiều.
Các robot sẽ tuân theo y lệnh mà làm việc. Những cánh tay máy đưa vào bụng bệnh nhân một ống thăm dò nhỏ gọi là laparoscope có trang bị một camera cáp quang, dao mổ và nhíp.
Cuộc phẫu thuật được thực hiện cách xa hàng ngàn cây số đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử y học. Khoảng cách giữa thầy thuốc với bệnh nhân không còn là vấn đề trở ngại. Mọi mệnh lệnh của nhà phẫu thuật hầu như được truyền đi và thực hiện tức khắc. Những phẫu thuật viên cũng phải được huấn luyện để hành động thật nhanh nếu xảy ra tai biến. Sự thành công của ca mổ hoàn toàn tùy thuộc vào các đầu kết nối của hệ thống nối mạng viễn thông với đường truyền dẫn cao bằng mạng cáp quang được hỗ trợ bởi mạng vệ tinh viễn thông.
Cụm từ chữa bệnh từ xa không mới mẻ, nhưng trước đó chỉ thực hiện được trong vòng vài trăm km do hạn chế của lĩnh vực truyền thông. Nếu việc truyền các dữ liệu không tương khớp sẽ làm hình ảnh truyền qua mạng viễn thông không đồng bộ và có thể làm mất sự cảm nhận của phẫu thuật viên. Sự ra đời của mạng cáp quang cao tốc giúp gia tăng tốc độ truyền dữ liệu, nhờ đó việc cắt bỏ túi mật đã thành công. Các dữ liệu đã truyền qua lại giữa người mổ và bệnh nhân ở khoảng cách 15.000km với thời gian trễ cho phép là 155 miligiây (tức 155 phần ngàn giây) giữa chuyển động của bàn tay nhà giải phẫu và tay robot. Thời gian trễ tối đa chấp nhận được là 330 miligiây.
Cuộc phẫu thuật được đặt tên là Operation Lindbergh để tưởng nhớ chuyến bay đầu tiên xuyên Ðại Tây Dương của phi công Lindbergh vào năm 1927. Công nghệ được sử dụng là công nghệ "y học viễn thông" (telemedicine). Cuộc phẫu thuật được diễn ra với 3 phẫu thuật viên người Pháp ngồi cạnh bàn điều khiển có màn hình liên kết với người máy qua sợi nối mạng cáp quang cao tốc. Các chuyển động tế nhị của nhà phẫu thuật tại New York đã được chuyển ngay cho robot tại Strasbourg, vượt qua quãng đường 7.500 km. Ca phẫu thuật kéo dài 54 phút và đã thành công mỹ mãn. Bệnh nhân lành bệnh và xuất viện chỉ trong vòng 48 giờ.
Kỹ thuật trên là phát minh chung giữa các nhà khoa học Pháp và Mỹ, do Giáo sư Jacques Marescaux, Chủ tịch hội phẫu thuật viễn thông (Telesurgery) châu Âu thuộc viện Ðại học Pasteur ở Strasbourg thực hiện. Kết quả cuộc phẫu thuật đã được đăng tải trên báo Nature Internet và báo cáo trong nhiều hội nghị khoa học.
GS. Marescaux cho biết cuộc phẫu thuật đã chứng minh tính khả thi của một phương pháp an toàn tuy ở khoảng cách rất xa - xuyên Ðại Tây Dương - và là cuộc cách mạng thứ ba trên lĩnh vực phẫu thuật trong vòng 10 năm nay, qua đó trí tuệ nhân tạo đã tăng cường thêm tính chính xác cho các hoạt động của đôi tay phẫu thuật viên. Ðây sẽ là nền tảng căn bản cho việc triển khai các ca phẫu thuật mang tính toàn cầu để từng bước cải thiện nền y học thế giới: Xóa bỏ hàng rào về không gian và khoảng cách, giúp người thầy thuốc có thể mổ cho bệnh nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
SIÊU ÂM VIỄN THÔNG ROBOT HÓA
Từ phẫu thuật viễn thông, một ngành khoa học hiện đại khác cũng phát triển song hành, đó là siêu âm viễn thông robot hóa (télé-échographie robotisée = TER). Tuy không tạo tiếng vang như cuộc phẫu thuật xuyên đại dương, nhưng đây cũng là ngành không thể thiếu để tạo nên những ca mổ kỳ diệu cách xa hàng vạn dặm. Nhờ TER mà các dữ liệu được truyền về đầy đủ cho phẫu thuật viên để họ có thể cân nhắc từng đường mổ.
Nguyên tắc của TER là phải thật nhạy. Người thầy thuốc kiểm soát khoảng cách siêu âm để thực hiện các thử nghiệm bằng những hình ảnh ảo dựa vào một hệ thống định vị thích hợp. Ở đầu kia, cánh tay nhân tạo với hình ảnh siêu âm cũng chuyển động theo dựa vào các mệnh lệnh của nhà phẫu thuật, và từ đó cho các tín hiệu phản hồi như cảm giác thật trên cơ thể bệnh nhân.
Trong tương lai, các kỹ thuật này có thể giúp người thầy thuốc thực hiện các ca mổ cấp cứu ở những vùng chiến sự hoặc không an toàn. Tại những quốc gia đang phát triển, tiến bộ trên có thể mang lại giải pháp tạm thời trong tình trạng thiếu phẫu thuật viên có kinh nghiệm chuyên sâu trong các lĩnh vực bệnh học ngoại khoa. Tuy nhiên giá thành các trang thiết bị hiện nay vẫn còn cao, chưa cho phép phổ biến đại trà kỹ thuật, nhất là lĩnh vực truyền thông cáp quang với băng tần rộng. Tuy nhiên với đà tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai không xa, kỹ thuật tiên tiến trên sẽ được thực hiện một cách phổ cập và dễ dàng.
MỐC SỰ KIỆN
- 8/1/1998: Robot sẵn sàng được dùng cho phẫu thuật.
- 28/5/1998: Mổ tim sử dụng robot nhỏ
- 17/11/2000: Khỉ được mổ bằng robot điều khiển từ xa.