Hải sâm - thực phẩm và vị thuốc quý
Hải sâm. |
Để chữa tiểu đường, dùng hải sâm 2 con, trứng gà 1 quả, tụy lợn 1 cái, ba thứ đem hấp chín rồi ăn, cách 1 ngày dùng 1 lần.
Hải sâm (tên
khoa học là Stichopus japonicus selenka) là một loại động vật không
xương sống, sống ở biển, trên đáy cát hoặc san hô chết, tập trung
nhiều nhất ở độ sâu 2-5 m, hay gặp ở vùng vịnh và những nơi có nhiều
đá ngầm. Tại Việt Nam, hải sâm có khá nhiều ở vùng biển Khánh Hòa,
đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu...
Theo y học cổ
truyền, hải sâm vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh,
dưỡng huyết nhuận táo, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như
tinh huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu
tiện nhiều lần, táo bón... Hải sâm có công dụng khá phong phú:
- Bổ ích cường tráng, đặc biệt tốt đối với các trường hợp tinh huyết hư tổn.
- Bổ thận điền tinh, thích hợp với các trường hợp di tinh, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần về đêm.
- Tư âm nhuận táo, dùng rất tốt cho những người bị táo bón, tiêu khát (tiểu đường).
- Lợi niệu thoái hoàng, thích hợp cho những trường hợp bị phù thũng nguyên nhân do thận và bệnh lý vàng da do các nguyên nhân khác nhau.
- Bổ huyết, thường dùng cho các trường hợp thiếu máu.
- Kháng ung, thường dùng để điều trị hỗ trợ cho các trường hợp ung
thư.
Bởi vậy, từ xa xưa, hải sâm đã được coi là một trong “tứ
đại danh thái” (bốn loại thực phẩm nổi tiếng) cùng với óc khỉ, tay
gấu và yến sào của ẩm thực cổ truyền phương Đông và được mệnh danh
là “nhân sâm của biển cả”. Về mặt thực phẩm, nhiều y gia coi thịt
hải sâm là một trong tám món ăn “cao lương mỹ vị” nổi tiếng (bát
trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá...
Theo kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học hiện đại, hải sâm là một
trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng hết sức phong phú.
Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính cứ 100 g hải sâm khô có chứa 76
g protein, cao gấp 5 lần so với thịt lợn nạc và 3,5 lần so với thịt
bò. Hải sâm còn có hàm lượng cao các acid amin quý như lysine,
proline... và nhiều nguyên tố vi lượng như P, Cu, Fe..., đặc biệt là
Se - một chất giải độc kỳ diệu, làm vô hiệu hóa các kim loại nặng đi
vào cơ thể qua đường ăn uống (như Pb, Hg) để thải ra nước tiểu.
Ngoài ra, trong thành phần hải sâm còn có nhiều loại vitamin, hoóc
môn, các chất có hoạt tính sinh học trong đó có 2 loại saponin là Rg
(gây hưng phấn thần kinh, chống mỏi mệt và tăng cường thể lực) và Rh
(có tác dụng ức chế tế bào ung thư).
Kết quả nghiên cứu dược
lý học hiện đại cho thấy, hải sâm có tác dụng tăng cường sức đề
kháng và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế quá trình
sinh trưởng và di căn của các tế bào ung thư; chống mệt mỏi cơ bắp,
duy trì trạng thái hoạt động cao; chống lão hóa; tăng cường hoạt
động của thần kinh và tăng phản xạ, ổn định tâm lý; bổ sung các yếu
tố tạo máu, tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng hấp thu ôxy và
chống mệt mỏi cơ tim. Nó cũng xúc tác các phản ứng enzyme, thúc đẩy
quá trình chuyển hóa và hấp thu, tăng sinh tổng hợp protein. Hơn
nữa, do chứa rất ít lipid và hầu như không có cholesterol nên hải
sâm là loại thực phẩm bồi bổ lý tưởng cho những người bị rối loạn
lipid máu và bị các bệnh lý động mạch vành.
Để đạt được mục
đích vừa làm thực phẩm bổ dưỡng, vừa làm thuốc chữa bệnh, người ta
thường phối hợp dùng hải sâm với một số thực phẩm hoặc vị thuốc khác
chế biến thành các món ăn - bài thuốc rất độc đáo:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Dùng ruột hải sâm để trên ngói đất, sấy thật khô rồi nghiền thành bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 0,5-1 g.
- Thiếu máu: Dùng hải sâm và đại táo (bỏ hạt) lượng bằng nhau, đem sấy khô rồi tán thành bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 9 g với nước ấm; hoặc dùng hải sâm 1 con đem hầm với mộc nhĩ lượng vừa đủ và một chút đường phèn, ăn trong ngày.
- Ho ra máu do lao phổi: Hải sâm 500 g, bạch cập 250 g, quy bản 120 g, ba thứ sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 g với nước ấm.
- Suy nhược thần kinh do thận hư (đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, mất ngủ, di tinh, xuất tinh sớm): Dùng hải sâm 30 g ninh với gạo nếp 100 g thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
- Cao huyết áp và vữa xơ động mạch: Dùng hải sâm 50 g hầm nhừ, chế thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.
- Táo bón do âm hư: Hải sâm 30 g, đại tràng lợn 120 g làm sạch, mộc nhĩ đen 15 g, ba thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn liên tục trong nhiều ngày.
- Đau lưng và suy giảm trí nhớ do thận hư: Hải sâm 30 g, xương sống lợn 60 g, hạch đào nhân 15 g, ba thứ làm sạch, hầm nhừ, chế đủ gia vị, ăn trong nhiều ngày.
- Liệt dương: Hải sâm 20 g hầm với thịt dê 100 g, ăn trong ngày.
- Liệt dương, di tinh, tinh lạnh do thận hư: Hải sâm 480 g (sao thơm), hạch đào nhân 100 hạt, thận dê 4-6 đôi, đỗ trọng 240 g, thỏ ti tử 240 g, ba kích 124 g (sao với nước cam thảo), kỷ tử 120 g, lộc giác giao 120 g, bổ cốt chi 120 g (sao muối), đương quy 120 g, ngưu tất 120 g (sao dấm), quy bản 120 g (sao dấm), tất cả sấy khô, tán thành bột rồi luyện với mật ong làm thành viên hoàn, mỗi viên nặng chừng 9 g, mỗi ngày ăn 3 lần, mỗi lần 3 viên.
- Động kinh: Nội tạng hải sâm sấy khô, nghiền thành bột, mỗi lần uống 12 g với rượu vang, liên tục trong nhiều ngày.
- Trĩ xuất huyết: Dùng hải sâm lượng vừa đủ đem đốt tồn tính, mỗi lần dùng 1,5 g hòa với a giao 6 g trong nước sôi cho tan rồi uống, mỗi ngày uống 3 lần.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)