Tác dụng chữa bệnh của nước đá
Việc chườm đá có thể giúp giảm đau và cầm máu. |
Khi bị côn trùng cắn hoặc bị nấm chân tay, gây ngứa ngáy khó chịu, thay vì dùng móng tay gãi (một việc rất dễ gây nhiễm trùng và tăng cảm giác ngứa), bạn hãy lấy nước đá chườm ngoài da; cơn ngứa sẽ giảm ngay tức khắc.
Sau đây là một số công dụng khác của nước đá:
- Chữa bỏng: Khi bị bỏng ở phạm vi nhỏ, hãy lập tức dùng đá ăn làm lạnh vùng bị bỏng. Việc này không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn ngăn ngừa tấy đỏ, mọng nước.
- Chống nhiễm khuẩn: Miệng các vết thương ngoài da rất dễ bị nhiễm trùng. Bạn có thể tránh tình trạng đó bằng cách dùng nước đá làm lạnh phía ngoài da hoặc vùng xung quanh vết thương. Nhiệt độ thấp sẽ khống chế sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, chống nhiễm trùng vết thương.
- Cầm máu: Nếu vết thương không lớn, có thể dùng nước đá xoa lên bờ mặt, thành mạch máu tại vùng da bị thương sẽ co lại, giúp cầm máu. Nếu bị chảy máu dưới da, việc chườm đá bên ngoài cũng giúp cầm máu.
- Giảm đau: Nước đá có thể giúp giảm đau tại vùng bị thương. Chẳng hạn, khi bị gai đâm vào ngón tay, hãy dùng nước đá chườm ngoài để làm tê lạnh chỗ bị thương, sau đó mới khêu gai ra, bạn sẽ không hề bị đau.
- Giảm sốt: Trong trường hợp sốt cao, trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, hãy cho nước đá vào túi chườm và gối dưới đầu bệnh nhân để giảm sốt và tránh tổn thương tới não.
Lưu ý: Thời gian mỗi lần đặt đá trực tiếp trên da không được quá 30 phút, nếu không da sẽ bị tổn thương.
Khoa học & Đời sống