PHẤT THỦ LIỆU PHÁP
Tác giả : Lương y VÕ HÀ
(Tiếp theo và hết)
Phất thủ liệu pháp (PTLP) cân bằng âm dương, thuận khí, giáng hư hỏa
Theo y học cổ truyền, khí dương thường thừa mà khí âm thường thiếu. Âm hư có thể do tiên thiên, do phòng lao quá độ hoặc quá căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Sự mất cân bằng âm dương là đầu mối của nhiều bệnh tật khác nhau mà y học cổ truyền gọi chung là những chứng Âm hư Hỏa vượng như hay nóng sốt về chiều, mờ mắt, mắt đỏ, khô cổ, ù tai, đau lưng, hay lở miệng, hay ho, suyễn, viêm họng, viêm xoang mãn... Đối với những chứng này, PTLP ngoài việc kích thích các đường kinh âm để sinh âm, bồi bổ âm khí, thì chính tư thế của phương pháp nhằm bảo đảm nguyên tắc thượng hư hạ thực (như thư giãn phần vai, cứng chắc phần hạ bộ, nhíu hậu môn, bám các đầu ngón chân…) cũng là các biện pháp đối trị hữu hiệu với những chứng hư hỏa. Nguyên tắc này đòi hỏi người tập luôn giữ cho phần trên của cơ thể được thư giãn về hình, hư linh về ý. Ngược lại, phần dưới phải đầy đặn, cứng chắc nhằm đưa trung tâm lực của cơ thể dồn xuống hạ tiêu. Điều này khí công gọi là khí trầm Đan điền, đạo gia gọi là qui căn. Đối với y học cổ truyền, đó là thuận khí, giáng hư hỏa hoặc dẫn hỏa quy nguyên.
PTLP giúp điều hòa thần kinh giao cảm.
Khoa học hiện đại đã cho biết có trên 50% bệnh tật của con người là do những cảm xúc âm tính gây ra. Chính tâm lý căng thẳng do tình chí uất ức hoặc nhịp sống quá nhanh trong một thời gian dài dễ làm thần kinh quá tải, suy nhược và rối loạn. Sự rối loạn này làm cơ thể mệt nhọc, ăn ngủ kém ngon, giảm sức đề kháng, dễ sinh bệnh tật hoặc làm trầm trọng thêm những chứng bệnh đã có. Đối với những trường hợp này, khi tập trung tư tưởng vào nhịp lắc tay, người tập sẽ mất đi những cảm xúc khó chịu thường ngày. Đó là nguyên tắc dùng một niệm để chế vạn niệm.
Theo học thuyết Paplov, khi ta gây hưng phấn ở một điểm và một vùng nhỏ thì những phần còn lại của vỏ não sẽ rơi vào trạng thái ức chế, nghỉ ngơi. Áp dụng những nguyên tắc này, tập trung vào việc lắc tay sẽ điều hòa được thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh, tự hoàn thiện vốn có của hệ thần kinh trung ương, thông qua cơ chế tương tác thần kinh - thể dịch - nội tạng để hồi phục sức khỏe.
Tập PTLP có gây phản ứng nguy hiểm gì không?
Nói chung, PTLP là một môn khí công nên những phản ứng xảy ra và việc giải quyết cũng tương tự như đối với những môn khí công khác. Tuy nhiên, độ an toàn của PTLP rất cao.
- PTLP có tác dụng kích thích, xúc tiến để cơ thể tự khai thông, tự chỉnh lý, không vận khí, không cưỡng cầu nên hiếm khi xảy ra sai lệch. Quá trình tập có thể gây đau, tức, ngứa ngáy, co giật do việc khai mở một số huyệt vị trên đường kinh hoặc công phá một tổ chức bệnh trước khi những chỗ bế tắc này bị thải trừ hết. Thông thường, những phản ứng trên sẽ tự chấm dứt sau một vài ngày.
- Không rơi vào nhập tĩnh nên khó xảy ra trường hợp bị ảo giác làm rối loạn tâm lý người tập.
- PTLP tác động kích thích đồng thời các huyệt bách hội, hội âm và trường cường. Do đó bách hội và hội âm tạo ra những van an toàn để trung hòa với chân hỏa phát sinh từ trường cường, khó xảy ra trường hợp chênh lệch thái quá giữa âm và dương gây nguy hiểm cho người tập.
- Tuân thủ nguyên tắc thượng hư hạ thực và tâm ý quán chiếu Đan điền cũng là một cách an toàn để năng lượng của cơ thể không chạy lên đầu gây tổn thương cho não, không xảy ra những chứng trạng mà người ta thường gọi là tẩu hỏa nhập ma.
- Trong cơ thể một người bình thường, hai mạch Nhâm, Đốc thường tách rời nhau. Ở người luyện khí công, vòm họng trên và hậu môn có khả năng trở thành những cầu nối hai mạch lại nên được gọi là Thượng thước kiều và Hạ thước kiều.
Việc đầu lưỡi chạm nướu răng trên và nhíu hậu môn vừa là một yêu cầu luyện công để tăng nội lực, vừa là một biện pháp an toàn do những động tác này nối liền hai mạch Nhâm, Đốc, tạo ra thế bình thông nhau giữa hai bể khí âm và dương. Sự tương thông này giúp nội khí luân lưu tuần hoàn thành vòng Tiểu châu thiên trong thân người, điều hòa âm dương và thông qua hai đại mạch này tăng cường điều hòa sinh lực giữa lục phủ ngũ tạng.