QUẢ DỨA VÀ CHỨNG NGỘ ĐỘC DỨA
BS. HƯƠNG LIÊN
ĐÂU PHẢI DO NỌC RẰN!
Dứa là một loại quả ngon của nhân dân ta trong mùa hè. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cả hai loại dứa ta và dứa tây. Dứa của nước ta có nhiều chất dinh dưỡng, muối khoáng và vitamin, cung cấp cho cơ thể nhiều chất quý, đặc biệt là glucid, canxi, photpho và vitamin C.
Về thành phần hóa học, trong 100g dứa ta có 90,5g nước, 0,8g protid, 1g axit hữu cơ, 6,5 glucid, 15mg canxi, 17mg photpho, 0,5mg sắt, 24mg vitamin C và các loại vitamin khác như vitamin B1, B2, PP, caroten, v.v...
Trong 100g dứa tây có 89g nước, 0,5g protid, 0,7g axit hữu cơ, 8,9g glucid, 32mg canxi, 11mg photpho, 0,3mg sắt, khoảng 26mg vitamin C và nhiều vitamin khác.
Như vậy, dứa là loại quả ngon, có nhiều chất bổ, dùng ăn tươi, pha chế nước giải khát, hoặc xào nấu ăn đều tốt. Tuy nhiên khi ăn dứa, chúng ta cần chú ý đề phòng một căn bệnh rất thường gặp trong mùa dứa chín: ngộ độc dứa. Nguyên nhân không phải do bản thân quả dứa có chất độc hoặc do rắn nhả nọc độc vào quả dứa như một số người đã suy luận vì thấy loài rắn rất ưa dứa chín, ra các vườn dứa lúc quả chín thơm, bà con thường gặp rắn quấn trên những quả dứa nên cho rằng chúng ăn dứa rồi nhả nọc độc vào, người nào không may ăn phải sẽ bị bệnh.
Sự thật đâu phải thế, triệu chứng của bệnh này hoàn toàn khác với triệu chứng do nọc rắn gây ra. Nhân dân ta vẫn quen gọi bệnh này là "say dứa" hoặc "ngộ độc dứa". Triệu chứng của bệnh qua nghiên cứu, cho thấy sau khi ăn dứa xong khoảng từ 30 phút đến 1 giờ, người bệnh thấy mệt mỏi, khó chịu, ngứa dữ dội khắp người và gãi đến sướt da chảy máu vẫn không đỡ. Ngay sau đó bệnh nhân cảm thấy nóng bừng và nổi mẩn khắp người.
Về tiêu hóa, người bệnh có các triệu chứng thường gặp trong ngộ độc thức ăn như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy...
Về tuần hoàn và hô hấp, có thể thấy mạch nhanh và nhỏ, huyết áp hạ, khó thở như hen.
Trường hợp nhẹ, sau 2-3 giờ bệnh có thể tự nhiên khỏi. Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể diễn biến nguy kịch, có bệnh cảnh sốc dị ứng: mạch nhanh, huyết áp hạ, chân tay lạnh, v.v...
Theo nhiều tác giả thì thủ phạm gây ra bệnh này là một loại nấm độc Candida tropicalis thường gặp trên mặt đất ẩm. Loại nấm này phát triển mạnh về mùa hè trùng với mùa dứa chín. Cây dứa mọc thấp, từ khi ra hoa, kết trái đến lúc chín, quả dứa luôn luôn có điều kiện gần gũi với loại nấm trên, một thuận lợi nữa là vỏ dứa xù xì, mắt dứa ăn sâu vào thân quả nên nấm càng dễ bám. Trong quá trình thu hái, vận chuyển, quả dứa cũng thường được đánh đống dưới đất, nếu quả nào bị dập, ung, thối, nấm Candida có thể xâm nhập và phát triển bên trong làm một số người ăn phải sẽ mắc bệnh.
PHÒNG NGỪA VÀ CHỮA NGỘ ĐỘC DỨA
Cơ chế ngộ độc dứa là do phản ứng dị ứng với nấm Candida tropicalis, do đó về Tây y người ta điều trị chứng này bằng các thuốc chống dị ứng kết hợp với trợ tim mạch. Trường hợp nặng phải được đưa ngay đến bệnh viện để điều trị cấp cứu, truyền dịch, chống sốc...
Trường hợp nhẹ, các bạn có thể dùng những bài thuốc chữa say dứa mà người dân địa phương vẫn dùng. Chúng tôi xin giới thiệu một bài thuốc kinh nghiệm chữa say dứa đơn giản và có kết quả tốt, sau khi ăn dứa, nếu thấy người khó chịu, nổi mẩn ngứa ngoài da, không được rửa nước lạnh mà phải ủ ấm, tránh gãi làm xây xướt da. Dùng vải hơ nóng chườm lên những chỗ mẩn ngứa. Uống bài thuốc sau:
- Vỏ dứa (lấy ngay vỏ quả dứa gây ngộ độc): 100g.
- Cam thảo hoặc mộc nhĩ: 20g.
Cho cả hai vị vào ấm, đổ 600ml nước, sắc lấy 300ml, nước uống (sắc 2-3 lần).
Để đề phòng ngộ đôïc dứa, chúng ta cần chú ý:
- Chỉ ăn những quả dứa tươi, còn lành lặn nguyên vẹn; không ăn những quả bị dập nát, ủng thối.
- Khi ngọt dứa phải gọt vỏ sâu, cắt hết mắt dứa, chú ý đến những mắt ăn sâu vào thân quả. Dứa gọt xong ăn ngay tốt hơn, không nên ăn những miếng dứa gọt saün từ lâu bày bán ở dọc đường.
- Đối với những người đã bị say dứa một lần rồi càng phải thận trọng khi ăn dứa, tốt nhất là ăn ít thôi để thăm dò dần dần đề phòng cơ thể "không chịu" loại thức ăn này chăng, vì trong thực tế đã có những người có một thể tạng riêng, không thích ứng đối với một số thức ăn nào đó, mỗi khi ăn vào lại xảy ra hiện tượng dị ứng gần giống như trên.