Thuốc từ dưa bở
Dưa bở nhập ngoại cũng có thể dùng làm thuốc. |
Người bị chứng rụng tóc, hói đầu có thể áp dụng một bài thuốc đơn giản từ lá dưa bở: Lấy lá này đem giã nát, vắt lấy nước, bôi lên chỗ đầu hói. Vài ngày sau tóc sẽ mọc lên. Bài thuốc này còn có tác dụng chữa ngứa đầu.
Tất cả các bộ phận của cây dưa bở như dây, lá, cuống, thịt quả và hạt đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận hay được sử dụng nhất là cuống và hạt dưa. Theo y học cổ truyền, cuống dưa vị đắng, tính lạnh, có độc, thường dùng để gây nôn, thông đại tiện. Thịt quả vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng trừ phiền nhiệt, lợi tiểu tiện, phòng trúng nắng trong mùa hè. Hạt dưa bở vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị các chứng kết tụ sinh máu mủ ở tràng vị. Dây cây dưa bở đem phơi khô trong bóng mát có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, dùng để chữa chứng bế kinh ở phụ nữ.
Ngoài loại dưa bở mà ta thường ăn, gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại nhập ngoại, loại vỏ dày và vỏ mỏng. Tất cả các loại dưa này đều có thể dùng làm thuốc.
Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể:
- Chữa hôi miệng: Lấy hạt dưa bở bóc bỏ vỏ, nghiền mịn, trộn đều với mật ong. Sau khi đánh răng và súc miệng, xúc một thìa con thuốc ngậm cho tan dần. Làm như vậy vài ngày miệng sẽ hết hôi.
- Chữa đau lưng, mỏi gối: Hạt dưa bở 150 g, tẩm rượu trong 10 ngày, sau đó đem sấy khô, nghiền mịn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 g.
- Giải độc thức ăn: Cuống dưa 1 g, đậu đỏ nhỏ hạt 3 g, tất cả đem tán nhỏ để uống. Chiêu thuốc bằng nước sôi, nếu có điều kiện thì chiêu bằng nước sắc đậu sị (vị thuốc có từ đậu đen) để có tác dụng mạnh hơn. Sau khi uống thuốc này, bệnh nhân sẽ nôn ra chất độc. Nếu vẫn chưa nôn, có thể tăng thêm liều một chút.
- Thông đại tiện: Lấy 7 cái cuống dưa đem tán nhỏ, bọc vào bông, nhét vào hậu môn. Một lúc sau, đại tiện sẽ thông.
Lương y Huyên Thảo, NNVN