CÁI "CHỘT NƯA" TRONG THƠ TỐ HỮU còn là một vị thuốc quý
Tác giả : BS. TRANG XUÂN CHI
Sau đợt công tác ở Hội chữ thập đỏ Thành phố Huế, chúng tôi được về thăm, dâng hương tưởng niệm cố Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh - một vị tướng văn võ song toàn, vị tướng "Ở đâu nghèo đói anh có mặt. Tay xách mo cơm chạy khắp đồng" (Thơ Tố Hữu).
Tại đền thờ nhà Ðại tướng, làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền, Thừa Thiên Huế, anh Trần Xuân Phác nguyên là giáo viên cấp 3 dạy môn toán, hiện là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Thành phố Huế cho biết: Ðất này, bên kia phía bắc là thôn Tân Xuân Lai, Quảng Thọ, Quảng Ðiền, vùng đất màu mỡ với con sông Bồ lịch sử. Ngoài trồng lúa, nhân dân xã Quảng Thọ còn trồng cây chột nưa, xem đây như một loại cây đặc sản và kinh tế vườn. Những lời anh Phác làm tôi liên tưởng về hình ảnh cái chột nưa trong bài thơ nổi tiếng "Con cá, chột nưa" của nhà thơ Tố Hữu.
Chị Lê Thị Hoài ở thôn Tân Xuân Lai, một nông dân chuyên trồng cây chột nưa, nói:
- Cây chột nưa, sau khi thu hái chột, sau 3 tháng lại mọc ra chột mới, một năm thu 3 lần chột. Chột nưa được cạo sạch vỏ, xắt phơi khô, để ráo nước, đưa lên chợ Ðông Ba bán với giá 4.000đ/kg. Nếu phơi khô hơn sẽ cao giá hơn.
Chột nưa nấu canh với cá đồng, tôm, cua là món ăn rất ngon miệng. Ngoài ra người ta còn dùng muối dưa chua, khi ăn cho thêm lá hành, lá kiệu... Người dân Quảng Thọ xa quê không thể nào quên món dưa muối chột nưa, canh cá chột nưa...
Và chột nưa đã đi vào thơ Tố Hữu trong những ngày cùng bạn tù tuyệt thực ở nhà tù Lao Bảo vào tháng 11/1940. Không ai bảo ai, anh Phác và tôi cùng đọc nho nhỏ mấy câu trong bài thơ ấy.
"... Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết, ai ngờ
Thế vẫn tròn danh dự...".
Tuy chỉ "vài con cá" và "năm bảy cái chột nưa", nhưng những chiến sĩ Cách mạng vẫn giữ vững khí tiết của mình...
Cây chột nưa: Còn có tên khoai nưa (Amorphophallus rivieri Dur). Tên khác: khoai na, củ nưa, củ nhược, quý cậu, ma vu..., họ cây ráy (Araceae).
Cây thảo, có thân củ to, hình củ dẹt, đường kính 15-20cm. Lá có cuống dài 40-80cm, màu lục nâu có những đốm trắng chia làm 3 nhánh, các nhánh lại phân đôi, phiến lá xẻ thùy hình lông chim. Cụm hoa là một bông mo bao bọc bởi mo có phiến rộng, mép lượn sóng, mặt trong màu tím nâu thẫm. Trục cụm hoa dài gấp đôi mo, mang hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới đều không có bao hoa. Quả mọng, mùa ra hoa tháng 3 và tháng 5.
Cây mọc hoang ở rừng thưa, thung lũng, ven suối, ven sông, chỗ ẩm mốc, đất nhiều mùn. Có nơi trồng lấy củ để ăn và nuôi lợn.
Trong chột nưa có tinh bột, một chất gây ngứa chưa xác định được. Trong loại chột nưa Amorpho-phalus Konjac K. Koch, đã nghiên cứu có tinh bột riêng, thành phần chủ yếu là Konjac-man nan hàm lượng 50%, khi thủy phân sẽ được Laevidulin, Laevidulinoza.
Thân củ nưa thu hoạch vào mùa thu đông, cạo sạch vỏ ngoài phơi hay sấy khô. Khi dùng, nấu chín nhừ, thái mỏng, ngâm nước vo gạo 24 giờ, sau ngâm nước phèn chua 12 giờ, phơi khô nấu với gừng (cứ 1kg củ nưa cho 100g gừng) rồi sao thơm. Dược liệu có vị cay và ngứa, tính ấm, tác dụng diệt khuẩn tiêu viêm, hạ sốt, giải độc. Dùng củ nưa tươi giã nát đắp lên chỗ viêm, mụn nhọt, sưng tấy, nơi rắn cắn. Củ nưa phơi khô 4-12g sắc uống chữa sốt rét, ăn chậm tiêu. Người Nhật dùng tinh bột chột nưa để ăn và nấu rượu nưa.
Ðơn thuốc có củ nưa
Ðơn thuốc chữa liệt nửa người: Như sau tai biến mạch máu não, chấn thương nặng vùng thắt lưng trở xuống. Củ chột nưa sống 10g, ô đầu 1g, phụ tử 1g, nước 600ml sắc bằng ấm đất với lửa than còn lại 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày, tốt nhất uống sau khi ăn no, khi dùng cần phải theo dõi.
Chú thích ảnh: Chị Lê Thị Hoài ở thôn Tân Xuân Lai đang chăm vườn cây chột nưa. Ảnh: Trang Xuân Chi.