RAU NGÓT
DS. BẢO HOA
Rau ngót là loại rau ăn vào mùa hè như rau muống, rau đay, rau mồng tơi. Vào những ngày nóng nực được một bát canh rau ngót dù là nấu suông vẫn đem lại cảm giác mát ruột và dễ ăn. Rau ngót nấu với thịt nạc hoặc giò sống vẫn là món ăn vị thuốc để bồi dưỡng sức khỏe cho những người đang chữa bệnh, người mới ốm khỏi, người già yếu và phụ nữ mới sinh.
Thành phần hóa học của rau ngót gồm 5,3% protid, 3,4% glucid, nhiều acid amin cần thiết như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, valin, leucin... các vitamin, đặc biệt là vitamin C với hàm lượng 185mg%.
Về mặt thuốc, lá rau ngót có vị ngọt, mát tính bình, có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giảm độc, lợi tiểu. Dùng riêng, lá rau ngót tươi (40g) rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội, khuấy đều, để lắng, gạn uống làm hai lần cách nhau khoảng 10 phút, chữa sót nhau, dị ứng, trẻ em đái dầm; nếu nấu uống với đường lại là thuốc giải độc. Rau ngót tươi giã lấy nước, bôi đều lên lưỡi chữa tưa lưỡi.
Dùng phối hợp, lá rau ngót (30g), rau bầu đất (30g), nấu canh với bầu dục lợn cho trẻ ăn để chữa cơ thể nóng hầm hập, đổ mồ hôi trộm, đái dầm, chán cơm, táo bón (kinh nghiệm của Lương y Lê Trần Đức, Viện Y học cổ truyền). Phụ nữ sắp sinh hàng ngày nên ăn canh rau ngót nấu với rau mồng tơi để tăng sức cho các bắp thịt ở bụng làm dễ sinh.
Để chữa rắn độc cắn, lấy rau ngót (30g) giã nát với nõn cây dứa ăn quả (20g), rệp (7-9 con) thêm nước, gạn uống, bã đắp.
Rễ rau ngót có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, đôi khi cũng được dùng, thái nhỏ, tẩm mật, sao, rồi sắc uống với rau trai, rễ cây quao, rễ hà thủ ô để chữa sỏi thận; với rễ thầu dầu tía, rễ cau, rễ chỉ thiên, rễ cây xấu hổ, rễ chua me đất, sắc uống làm thuốc gây sẩy thai.
Chú ý: Có người dùng rễ rau ngót thay vị hoàng cầm và gọi là hoàng cầm nam. Tránh nhầm lẫn.
Theo tài liệu nước ngoài, người Ần Độ coi rau ngót là loại rau đa sinh tố (poly vitamin), rễ được dùng chữa sốt dưới dạng nước sắc, lá và rễ tươi giã nát, đắp chữa loét mũi.