THUỐC CHỮA BỆNH TỪ QUẢ LÊ
HUYÊN THẢO
(Theo Thực vật dược dụng chỉ nam)
Sách y sử còn ghi lại một sự tích về tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của trái lê: Tương truyền thời xưa có một lần vua Đường Huyền Tông bên Trung Hoa bị ho rất nặng: họng đau rát, miệng khô, khát nước, ngực đầy tức, nói không ra tiếng... Các vị ngự y đã thay nhau chữa trị, mà bệnh của vua vẫn không sao khỏi được. Huyền Tông nổi trận lôi đình, hẹn trong 7 ngày mà không chữa khỏi bệnh, thì tất cả các quan ngự y sẽ bị đem trị tội. Các thầy thuốc trong cung sợ hãi đến mất ăn mất ngủ. Một vị ngự y già đã vì quá lo sợ mà ngã bệnh liệt giường. Một đệ tử mang theo một giỏ lê to đến thăm thầy; biết rõ nguyên nhân làm thầy ốm, anh học trò hết sức tức giận, âm thầm định bụng dùng thuốc độc giết vua để báo thù cho thầy. Vốn là một người thông minh lanh lợi, nhân tiện có giỏ lê, anh ta liền nhờ sư nương cắt nhỏ những trái lê để nấu thành cao và nói rằng chế thuốc để chữa bệnh cho vua. Trong lúc người học trò đến các hiệu thuốc tìm mua thuốc độc, thì ở nhà cao đã nấu xong. Khi mang thuốc độc về, thì sư nương đã bảo con mang thuốc vào cung... Ai ngờ, sau khi uống thứ cao nấu từ những trái lê đó, Đường Huyền Tông liền khỏi bệnh. Hai thầy trò đều được trọng thưởng, và từ đó tác dụng chữa ho của quả lê được lưu truyền khắp nơi cho tới ngày nay.
Thực ra tác dụng chữa ho, tiêu đờm (chỉ khái hóa đàm) và nhiều tác dụng khác của quả lê đã được YHCT biết đến từ lâu. Theo YHCT, quả lê có vị ngọt, hơi chua, tính lạnh, không độc, vào các kinh phế và kinh vị; có tác dụng bổ phế, thanh tâm, chỉ khái (làm hết ho), hóa đàm (tiêu đờm)... Tuy nhiên, cũng theo YHCT, người vị hàn (lạnh bụng) hay đi tiêu chảy không nên ăn lê. Còn dưới đây là một số ứng dụng cụ thể:
Chữa viêm chi khí quản, ho nhiều đờm: Trái lê tươi 100g, cắt thành miếng nhỏ, nấu cho nhừ, bỏ bã, nước cốt cô thành cao, thêm đường phèn vào cho đủ ngọt, trộn đều; chia thành 3-4 phần uống trong ngày, khi uống hòa cao với nước sôi.
Tại Trung Quốc người ta chế trái lê nhiều loại "cao lê" như: "thu lê cao", "lê cao đường"... có tác dụng chữa ho, tiêu đờm và bổ phế rất tốt. Thí dụ, thứ cao lê có tên "thu lê đường" được chế như sau: quả lê mùa thu 20 trái, hồng táo (táo tàu) 1.000g, ngó sen 1.500g, gừng tươi 200g; các thứ trên đem nấu thành cao, thêm 250g đường phèn, rồi trộn thêm mật ong chế thành cao lỏng.
Điều hòa huyết áp, bổ gan: Trái lê còn có tác dụng hạ huyết áp và bổ gan. Trong trái lê có khá nhiều các loại glycoside, tannin và các vitamin, vì vậy đối với những người bị tăng huyết áp, bị các bệnh tim phổi, viêm gan, xơ gan, hay váng đầu, ù tai, chóng mặt, tim hồi hộp... thường xuyên ăn lê là rất có lợi. Những người bị viêm gan hoặc xơ gan, trong quá trình điều trị bằng thuốc, hàng ngày nếu có điều kiện nên ăn thêm 2-3 trái lê.
Chữa nôn, nấc, nuốt không trôi: Trái lê tươi 1 quả, gọt vỏ, khoét bỏ lõi cho 15 hạt đinh hương vào trong, dùng lá rau bọc kín đem nướng hoặc hấp chín, khi ăn bỏ đinh hương đi, chỉ ăn lê.
Kích thích tiêu hóa, chữa vàng da, giải rượu độc: Lấy lê cho vào hũ ngâm với giấm ăn, sau 1 tuần sẽ được món "lê dấm". Hàng ngày ăn khoảng nửa trái lê dấm, sẽ có tác dụng tăng cường tiêu hóa và chữa chứng vàng da do viêm gan; khi bị say rượu ăn lê dấm có tác dụng làm người tỉnh táo và giải rượu độc.
Trẻ ho khi bị lên sởi: Lê tươi 1 quả, qua lâu bì 1 quả (vỏ của trái "qua lâu", nhân dân vùng Cao Bằng gọi là "thao ca"). Trái lê khoét bỏ lõi, qua lâu bì sao vàng, tán mịn rồi nhét vào ruột quả lê; bọc bột mì chung quanh rồi đem nướng chín; chia ra hai lần ăn trong ngày; trẻ nhỏ dưới 2 tuổi giảm bớt liều: hai ngày chỉ ăn 1 quả.