TAM THẤT
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Hỏi: Chồng và con trai tôi rất thích ăn tam thất hấp với thịt nạc. Xin bác sĩ cho biết sở thích đó có tốt không? Tôi nghe nói ăn tam thất sẽ làm cơ thể nóng và tinh dịch bị loãng? Vậy nên ăn như thế nào cho hợp lý?
(Thanh Tân - Hà Nội)
Trả lời: Theo y học cổ truyền, tam thất là một vị thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng tán ứ chỉ huyết (làm tan huyết ứ và cầm máu), tiêu thũng định thống (làm hết phù nề do ứ trệ và giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như xuất huyết, sưng nề tụ máu do trật đả, hung tý giảo thống (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), bế kinh do huyết ứ, thống kinh (hành kinh đau bụng), sản hậu phúc thống do ứ trở (đau bụng sau khi sinh con), sưng nề do viêm nhiễm...
Như vậy, có thể thấy về cơ bản tam thất là một vị thuốc trị bệnh với công năng chủ yếu là tán ứ, hoạt huyết, chỉ huyết. Tuy nhiên, các y thư cổ đều cho rằng, tam thất “năng khứ ứ sinh tân” hay “hoạt huyết nhi sinh huyết”, nghĩa là bản thân tam thất không phải là thuốc bổ huyết, nhưng trong các trường hợp khí huyết suy hư mà có ứ trệ thì công dụng hoạt huyết hóa ứ của nó cũng có ý nghĩa bổ huyết, sinh huyết một cách gián tiếp. Cũng có sách cho rằng tam thất “sinh dụng chỉ huyết tán ứ, tiêu thũng chỉ thống; thục dụng bổ huyết ích khí, tráng dương tán hàn” (dùng sống thì hoạt huyết cầm máu, giảm đau tiêu thũng; dùng chín thì bổ khí huyết, làm mạnh dương khí và trừ hàn). Kinh nghiệm dân gian thường hầm cách thủy tam thất với gà choai, cũng là nhằm mục đích lấy công năng hoạt huyết sinh huyết của tam thất, phối hợp với tác dụng bổ ích khí huyết của thịt gà để thu được hiệu quả bồi bổ khí huyết cao nhất. Với ý nghĩa đó, người ta còn coi tam thất bổ không kém gì sâm và gọi nó là Sâm tam thất hoặc Nhân sâm tam thất.
Trên thực tế, nếu thỉnh thoảng bạn dùng tam thất hấp với thịt nạc cho chồng và con trai ăn thì hoàn toàn không có hại, và chắc chắn cũng không sợ loãng tinh dịch như nhiều người nghĩ, vì kết quả nghiên cứu hiện đại đã cho thấy tam thất còn có tác dụng tương tự như nộâi tiết tố sinh dục, nên góp phần thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể, đúng như cổ nhân coi tam thất có công năng “tráng dương”. Tuy nhiên, nếu dùng thường xuyên thì e không ổn, nhất là lại dùng tam thất sống, vì không chắc cơ thể chồng và con bạn có bị hội chứng huyết ứ hay không? Vả lại, cổ nhân có câu “nam khí, nữ huyết”, nghĩa là nam giới nên trọng thuốc bổ khí, nữ giới nên trọng thuốc bổ huyết. Bởi vậy, khi dùng tam thất thường xuyên, tốt nhất chồng và con bạn nên đến khám và được tư vấn trực tiếp bởi thầy thuốc chuyên khoa.