Tác dụng chữa bệnh của hạt tiêu
Tiêu, thứ gia vị không thể thiếu. |
Theo y học cổ truyền, tiêu có vị cay, tính nóng, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ấm bụng, giảm đau, chống nôn. Hạt tiêu đen được dùng chữa cảm hàn do nó làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài và làm ấm bụng, tăng sức nóng ở trong. Còn tiêu sọ (tiêu trắng) chuyên trị tiêu chảy, thổ tả, có tác dụng sát vi khuẩn.
Ở Trung Quốc, hạt tiêu được chế thành cao dán để chữa hen. Người Ấn Độ dùng tiêu để chữa dịch tả, tăng cường sức khỏe cho cơ thể yếu mệt sau khi sốt và phòng tái phát bệnh sốt rét. Người Indonesia dùng tiêu làm thành phần của một số loại thuốc bổ, thuốc giảm đau cho phụ nữ sau đẻ. Còn ở Nepan, tiêu được phối hợp với nhiều vị khác để làm thuốc chữa cảm lạnh, cảm cúm, khó tiêu, viêm khớp.
Để chữa tê thấp, có thể ngâm hồ tiêu, đại hồi, phèn chua với rượu, dùng xoa bóp ngoài. Còn nếu bị đau răng, sâu răng, việc xát bột tiêu vào chân răng có thể giúp làm giảm cơn đau và diệt khuẩn.
- Chữa tiêu chảy, thổ tả bằng hạt tiêu sọ
- Tiêu sọ 20 g giã nát, củ riềng già 50 g tán bột, vỏ quýt khô 30 g cắt nhỏ, tất cả ngâm với nửa lít rượu trắng trong 15-20 ngày. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 ml.
- Tiêu sọ 50 g, bán hạ chế 50 g, 2 thứ tán nhỏ trộn với nước gừng, làm thành viên bằng hạt đỗ xanh, ngày uống 15-20 viên, chiêu với nước gừng.
- Tiêu sọ, đại hồi, nhục quế, bạch đậu khấu, cao khương, mỗi thứ 40 g, chích cam thảo 20 g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây kỹ, ngâm với 1 lít rượu 70 độ ít nhất trong 3 ngày đêm (ngâm càng lâu càng tốt). Cách 2 giờ lại uống 1 lần cho đến khi giảm bệnh.
Liều dùng:
- Người lớn mỗi ngày uống 1-3 thìa cà phê.
- Trẻ em dưới 10 tuổi mỗi lần uống 1/2-1 thìa.
- 10-15 tuổi uống 1-2 thìa.
Có thể uống thêm nước gạo rang pha với đường. Bài thuốc này đã đẩy lùi bệnh dịch tả ở Nam Bộ vào năm 1945, 1954.
Khoa học & Đời sống