Công dụng chữa bệnh của mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ đen 60 g một nửa sao cháy, một nửa sao khô; vừng đen 15 g sao thơm. Tất cả tán vụn, trộn đều, mỗi ngày lấy 6 g hãm với 120 ml nước sôi, uống thay trà. Thuốc có tác dụng bổ gan thận, kiện não, ích trí, dùng lâu rất có lợi cho cả thể chất lẫn tinh thần.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng làm mát và cầm máu, rất tốt cho khí huyết, phổi, dạ dày, lại giúp nhuận tràng. Nó thường được dùng làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị xuất huyết (đại tiện ra máu do trĩ, kiết lỵ, tiểu ra máu, xuất huyết đáy mắt, rong kinh, băng lậu, ho ra máu...), táo bón, viêm dạ dày mạn tính thể vị âm bất túc, thiếu máu...
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, mộc nhĩ chứa nhiều protid, chất khoáng và vitamin. Hàm lượng chất béo tuy không cao nhưng chủng loại khá phong phú. Lượng sắt trong mộc nhĩ vượt xa rau cần, vừng, gan lợn... Mộc nhĩ đen có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống huyết khối gây tắc mạch, ngăn cản sự hình thành mảng xơ vữa. Vì thế, đối với những người bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành..., mộc nhĩ là một thực phẩm lý tưởng.
Mặt khác,
chất keo thực vật vốn trong mộc nhĩ có tác dụng thu gom chất còn
đọng trong đường tiêu hóa để đào thải ra ngoài dễ dàng, làm sạch dạ
dày và ruột. Mộc nhĩ cũng có tác dụng chống lão hóa, kháng khuẩn,
chống phóng xạ và ức chế một số chủng tế bào ung thư. Bởi thế, nhiều
chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mộc nhĩ là một trong những thực phẩm
có công năng trường thọ.
Một số
cách dùng cụ thể:
- Táo bón: Mỗi ngày ăn thường xuyên từ 10-20 g mộc nhĩ đen.
- Phòng chống cao huyết áp: Mộc nhĩ 5 g, đậu phụ 200 g, hai thứ nấu thành canh ăn thường xuyên; hoặc mộc nhĩ 6 g nấu với đường phèn lấy nước uống trước khi đi ngủ.
- Đi tiểu nhiều lần: Mộc nhĩ 30 g, dạ dày lợn 1 cái. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; dạ dày lợn làm sạch; hai thứ đem nấu chín, chế thêm gia vị, ăn trong ngày, dùng liên tục 3-5 ngày.
- Phòng chống các chứng xuất huyết: Mộc nhĩ 15-30 g, ngâm nước ấm cho nở hết cỡ rồi rửa sạch, hầm nhừ, chế thêm chút đường trắng, ăn trong ngày.
- Phụ nữ bị băng lậu (băng là băng huyết, băng kinh; lậu là rong huyết, rong kinh): Mộc nhĩ 60 g, huyết dư thán 10 g. Mộc nhĩ sao tới khi bốc khói là được, hai thứ tán bột, trộn đều, mỗi ngày uống 6-10 g với nước ấm hoặc có pha một chút dấm thanh.
- Ho lâu ngày khiến cơ thể suy nhược, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, cao huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, ung thư: Mộc nhĩ 5 g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100 g, đường phèn vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; đại táo bỏ hạt. Hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
- Thiếu máu, băng lậu, khí hư: Mộc nhĩ 15 g, hồng táo 30 quả. Hai thứ đem hầm nhừ, ăn trong ngày.
- Xuất huyết tử cung cơ năng và cao huyết áp: Mộc nhĩ 30 g, đường đỏ 20 g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu nhừ rồi cho đường đỏ vào, đánh nhuyễn, chia ăn 2 lần trong ngày.
- Phòng chống bệnh tiểu đường: Mộc nhĩ và biển đậu lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 9 g.
- Tiểu ra máu: Mộc nhĩ 30 g, hoa hiên 120 g, đường trắng vừa đủ. Hai thứ rửa sạch, nấu thành canh, chế thêm đường, ăn nóng.
- Bệnh động mạch vành: Mộc nhĩ 6 g, thịt lợn nạc 50 g, phật thủ 9 g, ý dĩ 20 g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; thịt lợn thái miếng; phật thủ thái phiến. Tất cả đem nấu thành canh ăn trong ngày.
- Xuất huyết tử cung cơ năng: Mộc nhĩ sấy khô nghiền thành bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10 g với đường đỏ.
- Phòng chống viêm phế quản mạn và giảm bạch cầu ngoại vi:
Mộc nhĩ 20 g ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu với 20 g đường phèn lấy
nước uống trong ngày, hoặc nấu cháo với gạo nếp và hạt sen ăn.
Chú ý: Những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng hay viêm dạ dày mạn tính không nên ăn mộc nhĩ đen.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khoẻ & Đời Sống