Đôi điều cần biết khi dùng quế
Tác giả : DS. TRẦN XUÂN THUYẾT
Y học phương Đông xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Còn y học phương Tây trước đây chỉ quan tâm đến tinh dầu quế và dùng quế làm hương liệu. Gần đây, người ta đã phát hiện trong bột quế còn có một chất có tác dụng hạ đường huyết - là một chứng minh kinh nghiệm của y học phương Đông dùng quế chữa tiêu khát.
Việt Nam là một trong những nước trồng rất nhiều quế, hàng năm xuất khẩu đến hàng trăm tấn quế vỏ và hàng chục tấn tinh dầu quế (cả cành quế nhỏ cắt phiến). Thời phong kiến, quế tốt nhất là ở vùng Thanh Hóa, gọi là “Ngọc quan” dành để tiến vua và triều cống các vương triều Trung Hoa
.CÁC LOÀI QUẾ Ở VIỆT NAM
Đều thuộc chi Cinnamomum. Họ Long não (Lauraceae). Có 3 loài được trồng từ lâu đời là:
C. loureirii Nees: gọi là quế Thanh, mọc hoang và được trồng ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nổi tiếng nhất là quế khai thác từ cây 30-50 tuổi ở Thường Xuân - Thanh Hóa, Quỳ Châu - Nghệ An, Trà My - Quảng Nam.
C. cassia Nees et Bl: Gọi là quế Quảng (1). Được trồng nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Là nguồn quế xuất khẩu chủ lực, có nơi gọi là quế Trung Quốc.
C. zeylanicum Nees gọi là quế Xây-lan (Xrilanca) hay quế Quảng được trồng rải rác ở nhiều nơi như Bái Thượng - Thanh Hóa, Cổ Bạ - Nghệ An, các tỉnh Nam Trung bộ, miền Nam như Bà Rịa, Tây Ninh.
Ngoài ra có nhiều loài mọc hoang, được khai thác tinh dầu và vỏ để bán quế giả.
Sơ bộ định tên khoa học được 3 loài:
C. tetragonum A Cheva gọi là quế đỏ, quế nâu. Vỏ của loài quế này thường thấy bán ở các chợ tỉnh Hòa Bình, có vị chát, cay, mùi thơm nhẹ.
C. miobtusifobru Nees gọi là quế lợn, cây to thẳng, còn được trồng để lấy gỗ ở Nghĩa Lộ, Yên Bái. Bóc vỏ để bán giả quế, đặc biệt có nhiều chất nhầy, mùi hắc; vị cay nhẹ, hơi ngọt.
C. caryophyllus Moore: Mọc hoang rải rác ở các khu rừng nước ta. Dùng khai thác gỗ là chính. Vỏ được đem bán giả quế, gọi là quế re.
Tinh dầu 3 loại quế trên có hàm lượng aldehyd cinamic thấp (dưới 60%), để lâu mau hóa nhựa, mùi vị kém thơm.
BỘ PHẬN DÙNG LÀM THUỐC
Vỏ: Thân, cành (quế nhục); Cành nhỏ (quế chi).
Cành con: (quế chi); Ngọn cành con (quế chi tiên).
Quế nhục cạo bỏ lớp bần, còn lớp dầu gọi là quế tâm (chỉ làm khi dùng).
Cất tinh dầu: vỏ quế vụn, cành con, lá quế.
MÙA THU HÁI
Tốt nhất là tháng 4, 5 dương lịch vì bóc vỏ cây dễ, hàm lượng tinh dầu cao cả trong vỏ và trong lá. Các loại thứ phẩm (như vỏ vụn, cành con, lá) đem cất tinh dầu đều có chất lượng tốt. Kinh tế nhất là khai thác ở cây 15 tuổi (hàm lượng tinh dầu đạt 95% so với cây 30 tuổi).
Cách sơ chế quế nhục: Quế Thanh có cách sơ chế riêng (ủ rồi mới phơi khô). Các loại quế khác đều phơi khô (tránh nắng gắt).
BẢO QUẢN
Để nơi khô, mát, nhiệt độ không quá 250C.
Quế vỏ: thân, cành to phải đựng trong túi PE (mỗi túi 5kg).
Quế loại I phải bôi sáp trong lòng thanh quế, bọc sáp ong 2 đầu thanh quế, đựng trong túi PE (mỗi túi 1kg) đặt trong hòm kín.
Loại đặc biệt có cách bảo quản riêng từng thanh quế trong hộp kín.
CHẤT LƯỢNG QUẾ
Thị trường thế giới: Đánh giá chất lượng quế vỏ căn cứ chủ yếu vào hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế và hàm lượng aldehyd cinamic trong tinh dầu.
Kinh nghiệm của Đông y: Muốn xác định được giá trị của quế cao hay thấp phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Địa phương cây mọc, loài quế, tuổi cây khi thu hoạch, vị trí vỏ trên cây, độ dày của vỏ.
Địa phương cây mọc: Xã Trịnh Vạn, huyện Thường Xuân, Thanh hóa; Kế đến là Quỳ Châu, còn gọi là Phủ Quỳ, Nghệ An; Trà My, Quảng Nam.
Loài quế: C.loureirii Nees rồi đến C. zeylanicum Nees.
Tuổi cây khi thu hoạch: trên 15 năm là quế tốt, trên 30 năm là đặc biệt.
Vị trí vỏ trên cây: vỏ thân từ vị trí 1,2m đến cành đầu tiên (gọi là quế Thượng châu) là tốt nhất, hướng đông là đặc biệt; Cách mặt đất 20cm đến 1,2 mét gọi là quế Hạ căn (kém Thượng Châu).
Vỏ cành to gọi là quế Thượng biểu; Vỏ cành nhỏ gọi là quế chi.
Độ dày của vỏ: Nhục quế (vỏ thân, vỏ cành to), có 4 loại:
- Loại đặc biệt: dày trên 6mm, có khi tới 10mm, có 2 lớp dầu gọi là lưỡng chỉ phân du, màu nâu đen, dày trên 2mm.
- Loại 1: dày 4,5-6mm, có lớp dầu dày trên 1,5-2mm, màu nâu đen.
- Loại 2: dày 3 đến dưới 4,5mm. Lớp dầu dày trên 1 - 1,5mm, màu nâu đen.
- Loại 3: dày 2 đến dưới 3mm. Lớp dầu dày 1mm màu nâu đen.
CHỨNG MINH KHOA HỌC VỀ “QUẾ CÀNG GIÀ CÀNG TỐT”
Lê Tùng Châu và cộng sự đã định lượng tinh dầu trong lá và cành con của quế trồng ở Yên Bái vào các tháng thu hoạch vỏ quế trong năm ở các cây có độ tuổi từ 8-30 năm (C. Cassia Nees et Bl). Kết quả cho thấy: Cây 30 năm cho tỷ lệ tinh dầu cao nhất. Tinh dầu ở lá cây 30 năm tới 2,1%, vỏ cành con 2,47%; trong khi cây 8 năm là 0,8% ở lá và 2,37% ở vỏ cành con. Tuổi cây khai thác kinh tế nhất với loài C. Cassia Nees et Bl là 14 năm. Tỷ lệ tinh dầu ở vỏ cành con đạt 99% so với cây 30 năm. Tinh dầu ở lá đạt 71% (tính theo nguyên liệu khô kiệt).
Lâm trường Thường Xuân - Thanh Hóa định lượng tinh dầu trong vỏ quế tươi có độ tuổi từ 2-12 năm: Cây 12 năm đạt tỷ lệ 4,5% tinh dầu, trong khi cây 5 năm chỉ đạt 3,35% (= 74%). Quế ở đây thuộc loại C. loureirii Nees (không rõ độ ẩm của vỏ bằng bao nhiêu %).
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
(Xem tiếp kỳ sau)
(1) Trung Quốc trồng loài quế này nhiều nhất ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. 3 tỉnh ở Việt Nam có tên đầu là Quảng vì vậy Trung Quốc cũng gọi là quế Quảng.
Chú thích ảnh:
- Quế thanh
Ảnh: Trần Xuân Thuyết