Văcxin 'khoai tây' phòng viêm gan B
Củ khoai tây. |
Chỉ cần ăn vài khoanh khoai tây đã qua biến đổi gene, con người có thể miễn dịch với căn bệnh viêm gan B mà không cần phải tiêm.
Hiện nay, văcxin phòng bệnh viêm gan B được sử dụng dưới dạng tiêm. Điểm yếu của dược phẩm này là rất đắt và phải được bảo quản trong tủ lạnh. Chúng gây trở ngại cho các nước nghèo trong việc thực hiện những chương trình tiêm chủng trên diện rộng.
Ý tưởng về một loại văcxin phòng bệnh viêm gan B từ khoai tây đang thu hút giới khoa học. Nó hứa hẹn đem lại giá thành rẻ và cách sử dụng đơn giản - những tiêu chí hàng đầu của các chương trình tiêm chủng toàn cầu. Người ta sẽ biến đổi gene của những cây khoai tây bình thường, đính vào chúng một loại protein đơn của virus gây bệnh viêm gan B. Khi vào cơ thể, protein này sẽ kích hoạt hệ miễn dịch, giúp nó nhận dạng và chống lại virus gây bệnh trong tương lai.
Các nhà khoa học thuộc Viện ung thư Roswell Park, New York, Mỹ, đã thử nghiệm văcxin "khoai tây" trên 42 tình nguyện viên. Tất cả ngẫu nhiên ăn những miếng khoai tây sống bình thường hoặc đã qua biến đổi gene. Kết quả là kháng thể chống virus viêm gan B xuất hiện ở 60% số người ăn 3 miếng khoai tây đặc biệt, và khoảng 50% số người ăn 2 miếng. Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn hiện tượng trên, đồng thời tìm cách phát triển văcxin ở một số loại rau quả như chuối, cà chua và thuốc lá.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu ca tử vong vì căn bệnh viêm gan B. Virus gây bệnh chủ yếu lây lan qua đường máu. Một số người nhiễm bệnh có khả năng phục hồi nhanh chóng mà không bị tổn thương gan, song cũng có trường hợp bị mạn tính trong khoảng 6 tháng với các triệu chứng "lúc ẩn lúc hiện". Nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan ở những bệnh nhân này rất cao.
Mỹ Linh (theo BBC)