Vị thuốc từ cây mía
Để chữa nứt nẻ chân, lấy ngọn mía và bèo cái mỗi thứ khoảng 100 g, giã nát, thêm vào một bát nước tiểu (trẻ em càng tốt), nấu sôi. Để nước ấm rồi ngâm chỗ nứt nẻ khoảng 30 phút.
Nước mía vị ngọt mát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, tiểu tiện nước đỏ và rất bổ dưỡng. Một số bài thuốc cụ thể:
- Chữa chín mé: Lấy lõi trắng ở ngọn cây mía giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà rồi đắp và băng lại.
- Chữa ngộ độc: Thân mía 80 g, thục địa, ý dĩ, cam thảo bắc mỗi thứ 30 g, lá tre, kim ngân, rễ cỏ tranh, rễ ngưu tất mỗi thứ 20 g. Cho vào 1 lít nước, nấu sôi rồi đun lửa nhỏ 15-20 phút, uống nóng hoặc để nguội tùy theo sở thích mỗi người. Cũng có thể chữa ngộ độc bằng cách lấy thân cây mía giã nát cùng với rễ cỏ tranh, ép lấy nước đun sôi trộn với nước dừa mà uống.
- Chữa khí hư: Lá cây mía tím 30 g, lá huyết dụ 30 g, hoa mò đỏ 20 g, rễ mò trắng 80 g. Tất cả các vị trên thái nhỏ, sao vàng rồi sắc lên uống hàng ngày.
- Làm thuốc an thai: Mầm mía 30 g, củ gai 30 g, ích mẫu 20 g, củ gấu 80 g, sa nhân 2 g. Tất cả các vị thái nhỏ, phơi khô sắc với 400 ml nước, còn 100 ml uống trong ngày, chia làm 2 lần.
Lưu ý: Trong bữa ăn có cua thì không nên ăn mật mía, dễ sinh độc.
BS Nguyễn Bích, Sức Khỏe & Đời Sống