Ngũ gia bì vừa làm cảnh, vừa làm thuốc
Cây ngũ gia bì. |
Ngũ gia bì còn có tên là cây chân chim, sâm non, thuộc loại cây cảnh đắt tiền. Trong Đông y, nó được dùng chữa đau nhức xương khớp, đau bụng, suy nhược...
Ngũ gia bì có 2 loại
(chân chim và nhiều gai), đều là cây thuốc quí thuộc họ Nhân sâm.
Bài viết này chỉ đề cập đến cây Ngũ gia bì chân chim, tên khoa học
Scheffera octophylla (Lour) Harms. Cây cao 2-8 m. Lá kép hình chân
vịt, mọc so le, có 6-8 lá chét hình trứng. Cụm hoa mọc thành chùm
tán, hoa nhỏ màu trắng. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4 mm, khi
chín có màu tím đen, trong có 6-8 hạt.
Cây mọc nhiều ở các
tỉnh phía Bắc, miền Trung và có nhiều ở dãy Nam Trường Sơn. Ngay cả
vùng đồng bằng cũng trồng tốt. Gần đây, ngũ gia bì chân chim được
xem là cây cảnh đẹp thuộc loại “cao cấp”, đắt tiền.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy ngũ gia bì có những tác dụng tốt
trong điều trị các bệnh về nội khoa. Trong Đông y, nó là một vị
thuốc quý có tác dụng làm mạnh gân cốt, trừ phong, đau nhức xương
khớp, đau bụng, trẻ em vận động cơ bắp yếu, hạn chế đi lại, chống
suy nhược thần kinh, tăng trí nhớ, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt...
Ngũ gia bì có tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh mạn tính ở
người cao tuổi, tăng sức đề kháng, bồi dưỡng sức khỏe, trị đau nhức
khớp ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Nó có tác dụng tốt với bệnh nhân
suy giảm chức năng gan, rối loạn nhẹ bilirubin máu toàn phần. Ngũ
gia bì còn có tác dụng hạ đường máu ở những bệnh nhân đái tháo đường
tụy, điều trị sau phẫu thuật. Không được dùng cho những bệnh nhân
đường máu thấp.
Rượu ngũ gia bì:
Ngũ gia bì cạo sạch lớp bẩn dính bên ngoài vỏ; rửa sạch, thái nhỏ,
phơi khô, sao vàng, xay tán thành bột. Cứ 100 g bột ngũ gia bì, cho
1 lít rượu gạo 45 độ ngâm trong 10 ngày, lắc đều trước khi uống,
uống 1 cốc con trước mỗi bữa cơm chiều. Tác dụng: Chữa đau nhức khớp
xương, giúp ăn ngủ ngon.
Đơn thuốc cho phụ nữ: Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40 g, sao vàng tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 g. Bài này rất tốt cho phụ nữ tuổi cao, người lao động nặng, mỏi mệt toàn thân, hơi thở ngắn (thường thở ra, xây sẩm mặt mày), cảm sốt ra nhiều mồ hôi, ăn uống kém, ngủ ít.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)