THUỐC KINH NGHIỆM TỪ RAU SAM
Rau sam là thứ cây mà dân thành phố vẫn coi là "cỏ dại", vì nó xuất hiện ở khắp những nơi ẩm ướt - từ trong ngõ hẻm đến các vỉa hè bên các đường phố lớn. Rau sam cũng có mặt ở nhiều nước khác, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ần Độ... Tại nhiều nước châu Âu, người ta trồng nó để chế món rau có vị chua dễ chịu, gọi tên là pourpier. Hiện nay ở nước ta chưa thấy có ai trồng rau sam để hái đem bán. Vào các tháng mùa hè và mùa thu, người ta thu hái rau sam hoàn toàn từ những nơi mọc hoang.
Rau sam còn gọi là mã xỉ hiện; Mã là con ngựa, xỉ là răng, hiện là một thứ rau, vì cây rau sam có lá giống hình răng con ngựa. Tên khoa học protulaca oleracea L. Thuộc họ rau sam (Portulacaceae). Trong rau sam có nhiều hoạt chất sinh học như hydrat cacbon, chất béo, protid, vitamin A, vitamin B, vitamin C... Theo Viện vệ sinh Hà Nội (1972) rau sam Việt Nam có 1,4% protid, 3% gluxit, 1,3% tro, 85mg% canxi , 5,6mg% P, 1,5mg% sắt, 26mg% vitamin C, 0,32mg% caroten, 0,03mg% vitamin B1, 0,11mg% vitamin B2 và 0,7mg% vitamin PP. Tại Đài Loan, người ta thấy trong rau sam có chất axit hữu cơ, kali nitrat, kali sunfat và muối kali khác, cây tươi chứa chừng 1% muối kali, cây khô chứa 10% muối kali.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy: rau sam có tác dụng ức chế sự phát dục và tiêu diệt vi trùng lî, vi trùng thương hàn. Dịch chiết rau sam bằng cồn etylic có tác dụng rõ rệt trên trực khuẩn coli, trực trùng lî và trực trùng thương hàn. Đối với vi trùng bệnh ngoài da, nước rau sam 1:6 có tác dụng ức chế khác nhau với những vi trùng gây bệnh khác nhau. Ngoài ra còn có tác dụng chữa ho lâu ngày, ho lao. Nhân dân Đài Loan dùng rau sam chữa bệnh cước khí thủy thũng, tiểu tiện khó khăn, giải độc; là vì trong rau sam có muối kali oxalat, axit làm thông tiểu cho nên tác dụng giải độc.
Khi nghiên cứu về thói quen ăn uống ở vùng Địa Trung Hải, các nhà khoa học phát hiện thấy rau sam là món ăn rất được ưa chuộng và thường xuyên sử dụng ở vùng này. Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện thấy, trong rau sam có nhiều acid béo chưa bão hòa. Những acid đó có khả năng ức chế sự hình thành cholesterol và triglycerin trong huyết thanh máu, tăng cường sự hình thành các tiền liệt tuyến tốt, có tác dụng làm giảm độ dính của máu và phòng chỉ sự tụ tập tiểu cầu - một trong những nguyên nhân tạo thành các khối tắc nghẽn, do đó có tác dụng phòng trị bệnh mạch vành tim.
Theo Đông y học: Rau sam vị chua, tính hàn (lạnh), không có độc, vào ba kinh: tâm, can và đại tràng. Trị huyết lî (lî ra máu), tiểu tiện đục, tiểu tiện khó khăn (lâm bệnh), trừ giun sán, dùng ngoài trị ác thương, đơn độc. Tuy nhiên, người tỳ vị hư hàn, ỉa lỏng chớ nên dùng.
Liều dùng của rau sam từ 6-12g khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Sau đây là một số đơn thuốc có vị rau sam.
Chữa lî cho trẻ em
Rau sam tươi 250g (hay 50g rau sam khô), nước 600ml, sắc còn 100ml (1ml tương đương với 2,5g rau sam tươi 0,50g rau sam khô). Đơn thuốc này chỉ dùng trong ngày. Nếu muốn sắc 1 lần dùng nhiều ngày thì phải thêm vào 0,5 natri benzonat hay 0,3 nipagin để bảo quản. Có thể sắc như trên rồi đóng ống, mỗi ống 5ml (không cần thêm thuốc bảo quản), chỉ cần hàn ngay và hấp tiệt trùng ngay.
Trẻ em dưới nửa tuổi: ngày uống 4 lần, mỗi lần 5ml; nửa tuổi đến 1 tuổi mỗi ngày uống 4 lần, 10ml; 2 tuổi trở lên mỗi tuổi thêm 5ml. Ví dụ trẻ em từ 1-3 tuổi, ngày uống 4 lần, mỗi lần 15ml: trẻ 3-5 tuổi, ngày uống 4 lần, mỗi lần 20ml; 5-7 tuổi ngày uống 4 lần, mỗi lần 25ml (kinh nghiệm Trung Quốc, 1960).
Cũng có thể phối hợp rau sam và cỏ sữa như sau:
Rau sam tươi 100g, cỏ sữa tươi 100g. Nếu đi ngoài ra máu thêm 20g cỏ nhọ nồi và 20g rau má. Cho 3 bát nước (600ml), sắc còn 1 bát (200ml). Người lớn uống cả liều; ngày uống 2 liều nói trên. Trẻ em tùy theo tuổi: 2 tháng tuổi uống 5-10 thìa cà phê; 3 tuổi ngày uống 3 thìa to; 10 tuổi ngày uống 5 thìa to; 15 tuổi ngày uống 150ml (kinh nghiệm của Viện nghiên cứu đông y, 1960). Thường thời gian điều trị là 5-7 ngày.
Thuốc trừ giun kim
Rau sam tươi 50g, rửa sạch, thêm ít muối giã nát, vắt lấy nước, thêm ít đường vào cho dễ uống. Uống liên tiếp 3-5 ngày.
Chữa chứng khí hư, bạch đới ở phụ nữ
Giã nát rau sam vắt lấy nước, hòa với lòng trắng trứng gà, hấp chín, ăn trong vài ngày. Mỗi ngày dùng 100g rau sam tươi.
Lao phổi
Rau sam 400g nhúng nhanh vào nước sôi rồi lấy ra ngay, tỏi 20g bóc vỏ giã nát, thêm muối và dầu vừng trộn thành món rau sống thường ăn hàng ngày. Có tác dụng đối với bệnh ho và lao phổi. Cũng có thể lấy rau sam khô 50g, tươi 150g, gạo tẻ 200g nấu cháo ăn hàng ngày (kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc).
Phòng ngừa chống ung thư thực quản và dạ dày
Dùng trong thời kỳ đầu, giai đoạn khôi phục và phòng ngừa tái phát: Rau sam và đại táo mỗi thứ 30g cho vào nồi đun sôi kỹ. Cho thêm bột gạo hoặc bột ngô, bột mì và ngoáy đều cho khỏi vón cục là được. Chờ cho bớt nóng thêm chút mật ong vào trộn đều. Ngày ăn hai lần.
Chữa trẻ em chốc đầu
Giã nát rau sam tươi, thêm nước, sắc đặc bôi lên hay đốt ra than, hòa với mỡ lợn, bôi vào.
Chữa mụn nhọt
Rau sam tươi, giã nhỏ đắp lên mụn nhọt, ngòi mụn dễ ra.
Chân bị lở loét
Lấy rau sam tươi trộn với giấm, giã nát đắp lên những chỗ bị bệnh.
Đái ra máu
Lấy rau sam và ngó sen, mỗi thứ 60g, ép lấy nước cốt rồi hòa với nước cơm, chia 2 lần uống trong ngày. Hoặc rau sam, cây mã đề mỗi thứ 100g, sắc nước uống. Cũng có thể dùng: Rau sam nấu canh ăn hàng ngày, liên tục 3-7 hôm.