RAU MUỐNG - MỘT VỊ THUỐC "CÔNG BỔ KIÊM THI"
Lương y HUYÊN THẢO
Rau muống là thứ rau "chủ lực" trong mùa hè. Mặc dù là thứ rau "bình dân", song nếu khéo chế biến, từ rau muống có thể chế ra những món ăn rất ngon và bổ. Không những thế, rau muống còn là một vị thuốc quý: vừa có tác dụng bổ dưỡng, vừa có tác dụng trị bệnh ("công bổ kiêm thi"). Trong dân gian và trong YHCT đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng thứ rau thông dụng này để phòng trị bệnh tật.
TÁC DỤNG BỒ DƯỠNG
Thành phần các chất dinh dưỡng trong rau muống rất đa dạng và phong phú. Trong rau muống có tất cả 8 acid amin "không thay thế được", tức là những amin cơ thể không thể tự tổng hợp mà phải hấp thụ từ các loại thức ăn. Trong 100g rau muống có: 1,9-3,2g protein; 1,9-3,5 caroten (gấp 8 lần trong cà chua); 7-28mg vitamin C (cũng nhiều hơn trong cà chua); 0,1mg vitamin B1; 0,09mg vitamin B2; khoảng 0,7mg vitamin PP; 100mg canxi, 37mg phôtpho, 1,4mg sắt... Chất xơ trong rau muống có tác dụng tăng cường nhu động ruột tăng lương phân bài tiết ra ngoài. Chất lignin trong xơ rau muống có tác dụng nâng cao chức năng của các đại thực bào, do đó có thể phòng ngừa được ung thư trực tràng.
TÁC DỤNG CHỮA BỆNH
Theo YHCT: rau muống có tính chất mát, vị ngọt, nhạt. Có tác dụng: giải độc, sinh da thịt. Ắn nhiều thì da thịt nở nang, đại tiểu tiện thông lợi, khỏi chứng táo bón và đái dắt. Cụ thể, có thể dùng rau muống để chữa trị một số chứng bệnh như sau:
- Chữa ho ra máu: Rau muống và củ cải tươi, hai thứ bằng nhau, giã nát vắt lấy 1 bát nước cốt, thêm chút mật ong vào uống.
- Chữa chảy máu cam: Rau muống là một vị thuốc chỉ huyết rất hiệu nghiệm. Nếu mũi bị ra máu liên tục (chảy máu cam), có thể lấy cọng rau muống giã nát, thêm chút đường hoặc mật ong, hòa thêm nước sôi vào uống, một lát sau máu cam sẽ cầm lại.
- Chữa đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu: Lấy lá rau muống hoặc cọng non giã nát rồi trộn với mật ong uống dần.
- Chữa táo bón: Rau muống có tác dụng nhuận tràng, trong một số trường hợp, uống nước luộc rau muống có thể chữa khỏi chứng táo bón.
- Trị bệnh đái tháo đường: Các nghiên cứu gần đây cho biết, trong loại rau muống tía có chứa một hợp chất có tác dụng tương tự như insulin, cho nên đây là món ăn rất tốt đối với người bị bệnh tiểu đường.
Có thể nấu món cháo như sau: Lấy 100g rau muống rửa sạch và thái nhỏ; 100g củ năn (củ mã thầy) gọt bỏ vỏ và rửa sạch; thịt lợn nạc 100g băm nhỏ. Dùng 100g gạo nấu thành cháo, khi cháo chín thì cho thịt, rau muống và củ năn vào nấu tiếp đến khi thịt chín là được. Khi ăn cho thêm muối và các thứ gia vị như hành, gừng...
Thứ cháo này là món ăn rất tốt đối với người bị đái tháo đường. Ngoài ra, nó còn có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc và cầm máu.
Nếu không có điều kiện để nấu loại cháo trên, người mắc bệnh tiểu đường có thể làm như sau: lấy cọng rau muống 100g, râu ngô 50g, đem sắc lên, uống thay nước hàng ngày, cũng có tác dụng hỗ trợ nhất định.
- Viêm lưỡi, viêm khoang miệng, viêm môi do thiếu vitamin B2: Rau muống tươi 100g, hành tươi 50g, hai thứ đem nấu thành canh ăn với cơm hàng ngày. Trường hợp chỉ bị viêm nhẹ, sau 3-5 ngày là khỏi (kinh nghiệm của các thầy thuốc ở Thượng Hải, TQ, theo "Quả sơ thực liệu").
- Sinh da thịt: Khi bị mụn nhọt lở loét, miệng lõm sâu, ăn rau muống có thể làm cho mụn chóng lành và mau sinh đầy da thịt.
- Giải độc
+ Ắn phải nấm độc, ngộ độc lá ngón (đoạn trường thảo), trúng độc thủy ngân: trong lúc chờ đưa đến bệnh viện, tạm thời có thể lấy rau muống tươi (khoảng 1kg), giã nát vắt lấy nước, uống một lượng lớn sẽ có tác dụng giải độc nhất định. Đối với trường hợp thần kinh rối loạn, cuồng táo tác dụng tương đối tốt. Đối với trường hợp bị hôn mê thì tác dụng kém hơn. Nếu sắc 120g cam thảo, 30g kim ngân hoa, chắt lấy nước, hòa với nước cốt rau muống mà uống thì tác dụng mạnh hơn (kinh nghiệm dân gian tỉnh Phúc Kiến, TQ).
+ Nếu không may bị ngộ độc hoặc say sắn, có thể lấy rau muống giã nát vắt lấy nước, uống nhiều có thể giải độc và khỏi say (kinh nghiệm dân gian VN).