Ðan sâm trong điều trị bệnh tim mạch
Tác giả : GS. ÐOÀN THỊ NHU
Cây đan sâm có tên khoa học Salvia miltiorrhiza Bunge, thuộc họ hoa môi. Ðan sâm là loại cỏ sống lâu năm, thân vuông, trên có các gân dọc mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Rễ nhỏ dài hình trụ, màu đỏ nâu. Lá kép mọc đối, có 3-5 lá chét. Mép lá chét có răng cưa, mặt lá chét phủ lông mềm màu trắng. Hoa tự mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá. Hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa, có tràng màu xanh tím nhạt. Quả nhỏ.
Ðan sâm được nhập giống từ Trung Quốc và di thực thuần hóa vào nước ta ở vùng núi cao khí hậu mát. Bộ phận dùng là rễ.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Ðan sâm có những tác dụng dược lý giúp ích cho điều trị các rối loạn tuần hoàn tim, tuần hoàn não và ngoại biên. Trong nghiên cứu thực nghiệm, nhận xét thấy các tác dụng:
- Làm giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch và tĩnh mạch nhỏ, mao mạch, làm tăng tuần hoàn vi mạch.
- Làm giảm mức độ nhồi máu cơ tim. Khi tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat (tanshinon II là một hoạt chất của đan sâm) vào động mạch vành đã làm giảm nhồi máu cơ tim cấp tính. Kích thước vùng thiếu máu giảm đáng kể hoặc mất đi.
- Dẫn chất trên có tác dụng ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu đối với sự tan máu gây bởi một số yếu tố gây tan máu.
- Làm tăng tính biến dạng của hồng cầu. Hồng cầu ủ với cao đan sâm đã tăng khả năng kéo giãn và phục hồi hình dạng nhanh hơn so với hồng cầu không ủ với thuốc.
- Hoạt chất khác là acid dihydroxyphenyl lactic gây giãn động mạch cô lập của động vật; Ðối kháng với tác dụng gây co mạch vành của một số chất và môi trường có nồng độ cao kali.
- Các hoạt chất miltiron và salvinon của đan sâm có tác dụng ức chế sự kết hợp tiểu cầu, chống huyết khối.
- Ðan sâm có tác dụng bảo vệ cơ tim, chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây ra bởi thiếu hụt oxy.
- Có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do có hại cho cơ thể.
Những nghiên cứu lâm sàng của các nhà khoa học cho thấy có mối liên quan giữa tác dụng hoạt huyết, trị ứ máu của đan sâm theo quan niệm của y học cổ truyền và sự chẩn đoán của y học hiện đại về tác dụng điều trị bệnh tim mạch, viêm mạch tạo huyết khối nghẽn và huyết khối tắc mạch não.
Ðã áp dụng liệu pháp ion-hóa với nước sắc đan sâm và huyền hồ ở vùng trước tim cùng với dung dịch acid nicotinic trong điều trị chứng đau vùng trước tim trên bệnh nhân. Kết quả điều trị tốt hơn so với bệnh nhân dùng thuốc giãn mạch và hạ lipid máu dạng uống thông thường.
Ðã điều trị bệnh nhân rối loạn thần kinh ngoại biên do đái tháo đường với thuốc tiêm bào chế từ đan sâm và sinh địa. Sau điều trị, những triệu chứng của bệnh được cải thiện rõ rệt, thời gian điều trị tương đối ngắn. Cơ chế tác dụng có thể do sự cải thiện vi tuần hoàn.
CÔNG DỤNG
Ðan sâm được dùng làm thuốc hoạt huyết, tăng cường tuần hoàn máu, làm hết ứ máu. Chữa bệnh tim, tâm hư, hồi hộp, đau nhói ở ngực, đau thắt ngực. Chữa mất ngủ.
Ngoài ra còn dùng chữa vàng da, chảy máu tử cung, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau kinh, có tác dụng an thai và chữa viêm đau khớp cấp. Ngày dùng 8-15g rễ đan sâm dạng thuốc sắc.
BÀI THUỐC CÓ ÐAN SÂM
1. Chữa đau tức ngực, đau nhói vùng tim:
a. Ðan sâm 32g; Xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g; Hồng hoa 16g; Xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g; Ðương quy vĩ 10g. Sắc uống ngày một thang.
b. Ðan sâm 32g; Xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim, mỗi vị 20g; Ðảng sâm, toàn đương quy, trầm hương, mỗi vị 16g; Mạch môn, hương phụ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
2. Chữa suy tim:
a. Ðan sâm 16g, đảng sâm 20g; Bạch truật, ý dĩ, xuyên khung, ngưu tất, trạch tả, mã đề, mộc thông, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.
b. Ðan sâm, bạch truật, bạch thược, mỗi vị 16g; Thục linh, đương quy, mã đề, mỗi vị 12g; Cam thảo, can khương, nhục quế, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
3. Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai:
Ðan sâm, sa sâm, thiên môn, mạch môn, thục địa, long nhãn, đảng sâm, mỗi vị 12g; Toan táo nhân, viễn chí, bá tử nhân, mỗi vị 8g; Ngũ vị tử 6g. Sắc uống ngày một thang.
4. Chữa viêm tắc động mạch chi:
a. Ðan sâm, hoàng kỳ, mỗi vị 20g; Ðương quy vĩ 16g; Xích thược, quế chi, bạch chỉ, nghệ, nhũ hương, một dược, hồng hoa, đào nhân, tô mộc, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
b. Ðan sâm, huyền sâm, kim ngân hoa, bồ công anh, mỗi vị 20g; sinh địa, đương quy, hoàng kỳ, mỗi vị 16g; Hồng hoa, diên hồ sách, mỗi vị 12g; Nhũ hương, một dược, mỗi vị 8g; Cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
5. Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ:
a. Ðan sâm, bạch thược, đại táo, hạt muồng sao, mạch môn, ngưu tất, huyền sâm, mỗi vị 16g; Dành dành, toan táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
b. Ðan sâm, liên tâm, táo nhân sao, quả trắc bá, mỗi vị 8g, viễn chí 4g. Sắc uống ngày một thang.
6. Chữa viêm khớp cấp kèm theo tổn thương ở tim:
a. Ðan sâm, kim ngân hoa, mỗi vị 20g; Ðảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, mỗi vị 16g; Ðương quy, long nhãn, liên kiều, hoàng cầm, hoàng bá, mỗi vị 12g; Táo nhân, phục linh, mỗi vị 8g; Mộc hương, viễn chí, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
b. Khi có loạn nhịp: Ðan sâm 16g; Sinh địa, kim ngân, mỗi vị 20g; Ðảng sâm 16g; Chích cam thảo, a giao, mạch môn, hạt vừng, đại táo, liên kiều, mỗi vị 12g; Quế chi 6g, gừng sống 4g. Sắc uống ngày một thang.