ĐINH HƯƠNG
Tác giả : GS. ĐỖ TẤT LỢI
Hỏi: Vừa qua tôi được người bạn biếu một chai rượu ngâm đinh hương, cho biết có tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh về tiêu hóa. Xin bác sĩ cho biết thêm về loại cây này, ở nước ta có trồng được đinh hương không?
(Nguyễn Thị Thu Dung - An Giang)
Trả lời: Đinh hương còn gọi là cống đinh hương, đinh tử, đinh tử hương.
Tên khoa học Syzygium aromaticum (L.) Merr.et Perry, Eugenia caryophyllata Thunb., Eygenia caryophillus (Sprengel) Bullock et. Hariss.
Thuộc họ sim Myrtaceae.
Vị thuốc giống như chiếc đinh, lại có mùi thơm nên đặt tên đinh hương. Tên caryophyllata do chữ caryo có nghĩa là quả dẻ, phyllus là lá, sau khi lá đài rụng hết, vị đinh hương giống như một quả hạt dẻ nhỏ được bao bọc bởi một vòng lá.
a. Mô tả cây
Đinh hương cao 12-15m. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, phiến lá dài. Hoa mọc thành xim nhỏ chi chít và phân nhánh ở đầu cành. Hoa gồm 4 lá đài dày, khi chín có màu đỏ tươi, 4 cánh tràng màu trắng hồng, khi nở thì rụng sớm, rất nhiều nhị. Quả mọng dài, quanh có các lá đài, thường chỉ chứa một hạt.
b. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây đinh hương vốn có nguồn gốc ở đảo Mô-lúc (Indonesia). Được đưa đi trồng tại nhiều nước nhiệt đới châu Phi và châu Á vào thế kỷ 18. Nhiều nhất ở các đảo Zanziba và Penba (Ấn Độ Dương), bờ biển phía đông châu Phi, Mangat, Braxin, Malaysia, Sumatra.
Cây ưa khí hậu nóng và ẩm, độ cao dưới 200-300m. Năm thứ 5 và 6 ra hoa, nhưng thu hoạch cao nhất vào năm thứ 20. Tùy theo vùng, mỗi năm thu hoạch 1-2 lần, khi nụ bắt đầu đỏ. Hái hoa bằng tay khi còn ở giai đoạn nụ, ngắt bỏ cuống (griffe), nhưng cuống cũng được sử dụng. Phơi sấy cho đến khi ngả màu nâu. Mỗi cây cho khoảng 2-3kg nụ đinh hương. Đừng để đến khi thành quả (anthofles) mới hái vì khi ấy chất lượng kém. 1kg đinh hương gồm khoảng 10.000 nụ.
Nước ta trước đây hoàn toàn nhập đinh hương. Sau đó có thử di thực nhưng không phát triển. Hiện đã mất giống.
c. Công dụng và liều dùng
Công dụng của đinh hương đã được người châu Á biết đến từ trước dương lịch. Những quan lại phong kiến Trung Quốc đã dùng đinh hương và xem đây là một loại gia vị rất quý. Công dụng phổ biến là để chế bột cary. Tại Indonesia, người ta còn thái mỏng đinh hương để trộn với thuốc lá.
Làm thuốc, theo tài liệu cổ đinh hương có vị cay, tính ôn, vào các kinh phế, tỳ, vị, dùng chữa các chứng cam răng, nôn mửa, tiêu lỏng, đau bụng.
Trong y học hiện đại, người ta dùng đinh hương chế rượu, làm thuốc kích thích tiêu hóa và làm chất sát trùng mạnh: Trong những vụ dịch người ta nhai đinh hương để phòng bệnh.
Nhưng công dụng phổ biến là dùng làm nguyên liệu cất lấy tinh dầu đinh hương, có tác dụng sát khuẩn và diệt sâu bọ mạnh. Thường tinh dầu đinh hương được dùng trong nha khoa để làm thuốc tê và diệt tủy răng.