HÚNG CHANH
Lương y TRẨN KHIẾT
Giảng viên Đại học Y dược TPHCM
Người xưa trong quá trình tìm kiếm thức ăn bằng cây cỏ, hoa quả, đã phát hiện dần dần công dụng chẳng những làm thức ăn ngon, no bụng mà còn có tác dụng tốt trong chăm sóc sức khỏe, trong phòng bệnh và trị bệnh. Qua kinh nghiệm dân gian cây cỏ nào có tác dụng bổ ích thì trồng làm thức ăn hàng ngày, lại có những loại cây cỏ vừa làm thức ăn lại vừa có công dụng trị bệnh thì trồng nhiều để làm thuốc.
Xin giới thiệu đến các bạn cây húng chanh, còn gọi là rau tần dày lá; rau thơm lông; dương tử tô.
* Tên khoa học: Coleus amboinicus Lour. Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
* Thành phần hóa học: Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%). Trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất Phenolic trong đó có Salicylat, Thymol - Carvacrol, Eugenol và Chavicol, còn có một chất màu đỏ là Colem.
Đông y: Tính vị quy kinh: Vị the cay và hơi chua, tính ấm không độc.
* Công dụng và chủ trị:
- Bổ phế trừ đàm, giải cảm, phát hãn, thông khí, giải độc.
- Trị các chứng ho: Ho, viêm hầu họng, nghẹt mũi miệng, đường ruột, sốt không ra mồ hôi, ho ra máu, chảy máu mũi, cổ họng khô rát, mất tiếng, nói khàn...
KINH NGHIỆM DÂN GIAN
- Lá húng chanh thái nhỏ ướp thịt cá làm gia vị và để nguyên lá chấm xì dầu ăn cơm, hoặc trộn chung với các loại rau thường dùng trong bữa ăn.
- Lá tươi đâm nhỏ cho vào ít giấm hoặc rượu thoa khắp mình trẻ em khi bị sốt cao do bị cảm nắng hay nhiễm nước.
- Viêm họng, tắc tiếng, nôn ói, ăn khó tiêu bụng đầy chướng... lấy lá tươi rửa sạch nhai nhuyễn nuốt cả nước lẫn xác.
- Trùng thú cắn (ong đốt, bò cạp, rết...), lấy lá tươi nhai nuốt lấy nước, xác đắp lên chỗ vết thương.
- Đau bụng, ói mữa, dùng lá tươi 40g (hoặc lá khô 20g) sắc uống.
CÁC BÀI THUỐC KINH NGHIỆM:
Ho nhiệt, ho ra máu, ho lâu ngày, viêm họng, tắc tiếng.
Bài thuốc: Lá húng chanh tươi 20g rửa sạch thái nhỏ.
Đường phèn 20g.
Cho 2 thứ vào bát, chưng cách thủy; xong chắt lấy nước, cho uống từ từ. Xác có thể ăn được hoặc ngậm nút lấy nước. Mỗi ngày làm 1 lần, liên tục 3-5 ngày.
Cách thứ 2: Dược liệu và cách chế biến như trên, nhưng không chưng cách thủy, chỉ để nguyên bát thuốc, tối đem ra lấy sương ngoài trời, khoảng 2-3 giờ khuya người nhà ra lấy vào cho bệnh nhân uống từ từ (bệnh nhân nằm tại chỗ).
Ho lâu ngày, lî ra máu
Bài thuốc: Húng chanh lá tươi 20-40g rửa sạch thái nhỏ.
Trứng gà 1-2 quả, đập lấy tròng đỏ.
Cho 2 thứ vào bát trộn đều, chưng cách thủy.
Người lớn ăn 2 lần trong ngày. Trẻ em tùy tuổi chia cho ăn nhiều lần.
Cảm, ho, đau đầu, vai gáy đau, chảy nước mũi, miệng đắng, sốt không có mồ hôi...
Bài thuốc: Húng chanh lá tươi 40-60g, rửa sạch bầm nhỏ, cho rượu trắng vào vừa xấp, trộn đều, đậy kín.
Nấu nồi nước xông cho thật sôi, khi nước sôi độ 2 phút mới cho bát húng chanh vào, đậy kín nắp nồi, nấu lại độ 2 phút (nước bắt đầu sôi lại) đem cho bệnh nhân xông, khi xông phải phủ chăn kín, mồ hôi ra phải lau sạch, thay đồ khác phải khô sạch.
Chú ý: Không nên mặc lại đồ đã bị thắm mồ hôi và khi thay đồ phải nơi kín gió.
Nồi xông chỉ dùng cho người lớn; Dùng cho trẻ em dễ bị bỏng.
NUÔI TRỒNG
Cây húng chanh là vị thuốc nên trồng. Ở nông thôn nhà nhà đều trồng. Là loại cây rất dễ trồng, trồng bằng cành cắm vào đất thì sống ngay, phát triển rất nhanh.
Cây húng chanh cao từ 20-50cm, lá mọc đối mọng nước có lông mịn nhám, hình bầu dục, dày, cứng, giòn màu xanh lục nhạt, có hoa nhỏ màu tím hồng xen quả tròn màu nâu trông đẹp mắt, mùi thơm dịu như mùi chanh. Đất trồng có pha cát, cây sống lâu. Mùa hoa quả vào tháng 3-6. Loại cây trồng vừa chơi kiểng vừa thuốc trị và rau ăn.
Húng chanh cây đẹp quá chừng,
Món ăn gia vị xin đừng lãng quên.
Lá xanh hoa nhỏ tím hồng,
Vừa trồng chơi kiểng, vừa làm rau ăn.
Phải chăng chữa lî rất hay,
Trừ ho, giải cảm, xưa nay thường dùng.
Tham khảo "Từ điển Bách khoa Dược học"