DỨA CŨNG CHỐNG BÉO
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
Nước ta và các nơi thuộc vùng nhiệt đới đều thấy có dứa - riêng ở châu Âu thì lại hiếm. Do vậy vào trước thế kỷ 17 chỉ có những người thuộc tầng lớp thượng lưu, giai cấp thống trị mới được ăn nên dứa đã có tên là "trái cây của vua". Khi Christopher Colombar khám phá ra châu Mỹ đã tìm thấy tại vùng sông Amazone (Nam Mỹ) có rất nhiều dứa và người dân bản xứ (dân da đỏ) gọi là ananas có nghĩa là "quả cây tuyệt hảo". Trên thế giới những nơi trồng nhiều dứa là Hawaii, úc, đài loan, philippin, Thái Lan, Nam Phi, Brazil, Mexico vv....
Ở Việt Nam dứa được trồng rải rác khắp mọi miền đất nước, đặc biệt như Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, đồng Giao - Ninh Bình, Kiên Giang, Minh Hải v.v...
Dứa là loài cây khỏe dễ trồng nên mọc được ở cả những vùng đồi núi khô cằn, đất chua phèn v.v...
Dứa có tên khoa học là Ananas - có ba loại dứa khác nhau - loài queen, loài cayenne và spanish.
Với dứa thuộc loài queen thì lá ngắn, dày, màu xanh ửng tím và gai nhiều; quả nhỏ hai đầu thuỗn, vỏ dày, mắt nhỏ, hố sâu, khi chín có màu vàng tươi, ruột vàng đẹp, thơm ngon. Loại này trồng nhiều ở Minh Hải, kiên giang.
Loài cayenne có lá xanh to, quả lớn hình trụ, vỏ mỏng, mắt to, khi chín màu cam tươi hơi xanh, ruột màu vàng nhạt, mềm, nhiều nước hơi chua còn có tên gọi là dứa Tây. Loại này trồng nhiều ở Đà Lạt, không ngon bằng loài queen.
Riêng loài spanish lá xanh nhạt, hơi ửng đỏ, còn gọi là dứa ta. Quả cũng hình trụ, mắt to, hố mắt sâu, vỏ dày, quả chín có màu vàng cam, thịt vàng nhạt có nhiều xơ , lắm nước, ngọt ít. Trồng ở mọi miền đất nước kể cả vùng đất khô cằn, đất phèn chua...
Theo đông y dứa có tính giải khát, sinh tân dịch và tiêu thực nhờ có chất Bromelin - một enzym thủy phân protid rất mạnh. Chỉ cần một phần Bromelin đã có khả năng thủy phân 1.000 phần thịt. Nó có tác dụng tương tự như Papain và Pepsin. Ngoài tác dụng làm mềm thịt Bromelin còn có tính tiêu viêm, giảm phù nề và tụ huyết... Người ta đã xác định rằng trong thân cây dứa chứa lượng Bromelin gấp tới 20 lần quả.
Nước dứa có tính tẩy xổ mạnh nên ăn nhiều dễ làm tiêu chảy, hoặc khi ăn phải quả còn chưa chín hẳn.
Ắn dứa cần chú ý vì có thể ngộ độc nọc rắn do rắn cắn cuống dứa để lại nọc độc. Tuy ít xảy ra song cần thận trọng để phòng ngừa điều đáng tiếc.
Người ta nhận thấy ăn dứa làm cơ thể bớt béo phì, cơ chế tác dụng còn chưa rõ nhưng nhiều vùng đã thấy trong thực tế.
Ắn dứa nhiều có tác dụng giải khát và làm người ta không tăng thêm glucid. Rễ cây dứa còn có tác dụng lợi niệu cao nên đã dùng trong dân gian chữa bệnh sỏi đường tiết niệu. Người ta lấy phèn chua cho vào quả dứa đã khoét sẵn một lỗ, bịt lại rồi đem nướng ăn theo dân gian, thì kết quả tiểu ra sỏi là có thật.
Dứa còn là thực phẩm dùng để chế biến, xào nấu trong các bữa ăn cũng ngon, nhất là các món chua ngọt.
Đây là nguồn thực phẩm sẵn ở nước ta, khi hiểu về nó thì việc sử dụng chắc sẽ cho chúng ta nhiều hiệu quả hơn.