Thuốc từ cây lô hội
Lá lô lội chữa nhiều bệnh. |
Khi bị bỏng nhẹ, lấy lá lô hội cắt từng đoạn rồi xẻ mỏng, áp vào da để nhựa cây tiếp xúc với chỗ bỏng, da sẽ mát và lành ngay. Còn nếu bị mẩn ngứa, dị ứng, có thể lấy nhựa lô hội bôi trên tổn thương sau khi rửa bằng nước nóng, làm 3-4 lần.
Lô hội còn có tên là nha đam, du thông, tượng tỵ thảo, la vi hoa,
long miệt thảo, lưỡi hổ.... Đây là cây thảo sống nhiều năm, lá màu
xanh lục, không cuống, mọc sít nhau, dày, mẫm, hình 3 cạnh, mép dày,
có răng cưa thô. Hoa nở vào mùa thu và hè, mọc thành chùm dài màu
vàng lục, phớt hồng. Quả nang có hình bầu dục, lúc đầu có màu xanh,
sau chuyển sang vàng. Ở Việt Nam, lô hội thường được trồng làm cảnh;
lá, hoa và rễ được dùng làm thuốc.
Hoạt chất chủ yếu của lô hội
là aloin, có tác dụng nhuận tẩy, chiếm tỷ lệ 16-20%. Cây cũng chứa
tinh dầu màu vàng có mùi đặc biệt, nhựa chiếm tỷ lệ 12-13%, cũng có
tác dụng tẩy.
Theo y học cổ truyền, lô hội vị đắng, tính mát, có
tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, cầm máu, nhuận tràng;
thường dùng chữa một số bệnh như đau đầu, chóng mặt, đại tiện bí,
viêm dạ dày, tiêu hóa kém, viêm mũi, kinh bế, cam tích, kinh giản
(co giật) ở trẻ em, đái tháo đường...
Một số ứng dụng của lô hội
- Tiểu đường: Lá lô hội 20 g. Sắc uống ngày một thang (có thể uống sống).
- Tiểu đục: Lô hội tươi 20 g giã nát, thêm đạm qua tử nhân 30 hạt, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. Có thể dùng hoa lô hội 20 g nấu với thịt lợn ăn.
- Nôn ra máu: Hoa lô hội 20 g, sắc với rượu.
- Ho đờm: Lô hội 20 g bỏ vỏ ngoài, lấy nước rửa sạch chất dính. Sắc uống ngày một thang.
- Ho khạc ra máu: Hoa lô hội 12-20 g khô, sắc uống ngày một thang.
- Đau đầu, chóng mặt: Lô hội 20 g, hoa đại 12 g, lá dâu 20 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
- Tiêu hóa kém: Lô hội 20 g, bạch truật 12 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
- Viêm loét tá tràng: Lô hội 20 g, dạ cẩm 20 g, nghệ vàng 12 g (tán bột mịn), cam thảo 6 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Nếu ợ chua nhiều, thêm mai mực tán bột 10 g, chiêu với nước thuốc trên. 15-20 ngày là một liệu trình.
- Bế kinh, đau bụng kinh: Lô hội 20 g, nghệ đen 12 g, rễ củ gai 20 g, tô mộc 12 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
- Eczema: Lá lô hội xẻ mỏng, bôi nhựa vào như chữa bỏng. Hằng ngày bôi phủ lên nhưng không được kỳ rửa, khi nhựa này khô đóng vảy bong ra thì có thể đã lên da non. Nếu chàm chảy nước nhiều, có thể cô nhựa lô hội thành cao đặc sệt mà phết vào, phủ dày cho đến khi ra da non.
- Viêm da: Dùng nước sôi thấm ướt khăn dấp vào, nguội thì vắt kiệt rồi lại thấm nước sôi dấp, làm 5-7 lần cho đỡ ngứa, sau đó lau khô, lấy lá lô hội xẻ mỏng đắp trên tổn thương, ngày đắp 1-2 lần, làm liên tục trong nhiều ngày.
- Quai bị: Lá lô hội giã nát, đắp lên chỗ sưng đau. Đồng thời dùng lá lô hội 20 g sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
- Viêm đại tràng mãn: Lô hội 5 lá tươi bóc bỏ vỏ ngoài, đem xay nhỏ cùng với 500 ml mật ong. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 chén con (30 ml).
- Đau nhức do chấn thương, tụ máu: Lá lô hội tươi giã nát, đắp vào chỗ sưng đau; kèm theo lá lô hội 20 g xay nhỏ hoặc giã nát, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Táo bón: Lá lô hội tươi mỗi ngày ăn 1 lá, hoặc lô hội 20 g xay nhỏ với 0,5 lít nước; chia uống 2-3 lần trong ngày.
- Mụn nhọt: Lá lô hội tươi giã nát, đắp lên mụn nhọt.
- Trứng cá: Lá lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.
Lưu ý:
- Lô hội có tác dụng tẩy mạnh; vì vậy nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.
- Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi.
- Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược không được dùng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)