Vị thuốc từ củ khoai tây
Để chữa bỏng nhẹ, vết thương hay eczema, lấy khoai tây rửa sạch, có thể để cả vỏ, thái lát mỏng, dán lên vết thương hoặc giã nát đắp bỏng. Nếu bỏng nhẹ, có thể bóc lấy vỏ từ củ khoai tây đã luộc, giã nát rồi đắp.
Củ khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, tiêu viêm. Củ khoai tây chữa khó tiêu, đau bụng, viêm loét dạ dày, viêm tuyến nước bọt, say nắng, sốt, bỏng nhẹ, eczema, vết thương. Liều dùng trong ngày 10-30 g hoặc hơn. Hoa khoai tây chữa bệnh tăng huyết áp và là nguyên liệu chiết rutin để chữa bệnh. Quả và mầm củ khoai tây ít được dùng làm thuốc vì dễ gây độc. Trong công nghiệp dược phẩm, chúng được chiết lấy solanin để làm thuốc giảm đau, chữa đau bụng, đau gan, đau nhức xương khớp, chữa dị ứng, chống hen, viêm phế quản, động kinh.
Một số bài thuốc có khoai tây
Chữa đau và viêm dạ dày: Củ khoai tây mới thu hoạch rửa sạch, gọt vỏ, lấy 100 g, ép kiệt lấy nước uống trước bữa ăn nửa giờ. Ngày 2-3 lần.
Thuốc nhuận tràng: Khoai tây luộc chín, ăn 100 g hoặc hơn. Có thể phối hợp với bài thuốc chữa đau viêm dạ dày ở trên.
Chữa đau bụng: Vỏ củ khoai tây sống rửa sạch (10-20 g) sắc nước uống.
Chữa say nắng, nhức đầu, sốt: Củ khoai tây gọt vỏ, giã nát hoặc thái lát mỏng, đặt lên trán hoặc thái dương.
Chữa bỏng nhẹ, vết thương, eczema: Củ khoai tây rửa sạch, để cả vỏ hoặc gọt vỏ, thái lát mỏng, dán lên vết thương hoặc giã nát đắp bỏng. Nếu bỏng nhẹ, có thể bóc lấy vỏ từ củ khoai tây đã luộc, giã nát rồi đắp.
Chữa viêm tuyến nước bọt: Củ khoai tây mài với giấm bôi vào chỗ sưng đau.
Chú ý: Không dùng loại khoai tây đã biến chất, ngoài vỏ xanh, trong ruột thâm, khoai đã mọc mầm dễ bị ngộ độc.
BS Hương Tú, Sức Khỏe & Đời Sống