RAU MÁ THANH NHIỆT GIẢi ĐỘC
BS. THANH SƠN
Rau má là loài cây mọc hoang ở mọi miền đất nước. Thân cây bò dài trên mặt đất, lá xanh, hoa hình môi. Đông y gọi là liên tiền thảo hay tích huyết thảo, củ có tên là lão sơn sâm.
Bộ phận dùng: củ và toàn cây tươi hoặc khô.
Theo Đông y rau má vị nhạt, tính mát, ngọt hơi đắng, đi vào các kinh tâm, can, tỳ.
Thành phần gồm có alcaloid dưới dạng Hydrocotylin, glucocid, saponin, các chất khoáng và những vitamin tan trong nước...
Công dụng: giải nhiệt, giải độc, lợi niệu, thanh nhiệt, tiêu viêm, chữa sốt, viêm gan, thổ huyết, chảy máu cam, tả, lỵ, mụn nhọt, rôm sẩy...
Liều dùng: trung bình từ 30g-40g ngày.
Theo Trung y dược thảo Bắc Kinh, liên tiền thảo có vị cay, tính ôn, tác dụng hoạt huyết, thông lạc, giải nhiệt lợi tiểu, khu phong, chỉ thấp nhuận gan, tiêu viêm... nên đã có những phương thuốc sau:
* Chữa cảm sốt
Rau má: 20-28g. Thông bạch 3 củ. Sắc uống trong ngày.
* Chữa sỏi thận
Rau má: 120-160g (giã nát). Sa tiền thảo (bông mã đề): 6-12g. Sắc uống có thể ra sỏi.
* Đau lưng do thận yếu
Rau má: 28g (sắc gạn lấy nước bỏ bã). Trứng gà 2 quả. Hai thứ cho vào nấu cháo ăn nhiều lần.
* Viêm thận cấp
Rau má: 40g, kê nội kim (vỏ lụa trong mề gà) 1 cái. Sắc uống ngày một thang.
* Đau đầu do suy nhược thần kinh
Rau má (cả củ và toàn cây) 16-32g sắc uống ngày 2 lần.
* Trẻ em sốt mùa hè
Rau má tươi một nắm chừng 60g giã nát hòa với nước sôi để nguội, uống trước lúc ăn. Hoặc dùng 160g rau má khô và 16g-20g gạo tẻ sắc uống cứ 2 đến 3 giờ uống một lần sẽ hạ nhiệt.
* Dùng ngoài chữa trị mụn nhọt, da sẩn ngứa nổi hồng ban
Toàn cây rau má giã nát ép lấy nước đặc bôi trên da nơi lở ngứa.
- Trường hợp rôm sẩy, sẩn ngứa có thể ăn rau má trộn giấm hoặc giã lấy nước pha chút đường uống hàng ngày.
* Bài thuốc chữa cơ thể suy nhược, bổ thận, ích tinh, nhuận huyết, giải phiền toái...
Rau má 16g, bạc tiên 8g, hà thủ ô 8g, đỗ trọng 8g, rễ bù ngót 8g, cúc hoa 8g, đậu đen 10g, cam thảo Bắc 4g, tơ hồng xanh 8g. Tất cả 9 vị đậy kín sắc nhỏ lửa uống trong ngày.