CÂY SỐNG ĐỜI (CÂY CHỮA BỎNG)
NGÔ BÌNH LONG
Thân thảo rỗng, cao 0,5-1 mét; có hai loại lá: một loại lá to và một loại lá nhỏ. Lá mọc đối thành hình chữ thập, lá dày có khí nguyên; mép lá có răng cưa tù, to; mặt lá bóng có cuống dài từ 2-5 cm. Hoa mọc ở ngọn hoặc kẽ lá, màu tím hồng, rủ chúc xuống như đèn lồng. Hoa nở vào tháng 3-5, có quả vào tháng 4-6. Cây trường sinh còn có tên là cây sống đời, cây thuốc bỏng, thổ tam thất, diệp sinh căn, sái bất tử, lạc địa sinh căn.
Tác dụng sinh lý: Thanh nhiệt, tiêu sưng, bạt độc.
Tính vị: Tính lạnh, vị nhạt chát.
Bộ phận dùng: Lá.
Công dụng chữa bệnh: Chữa được bệnh phong ngứa không rõ lý do. Dùng lá sống đời, lá nghể răm, lá ké, lá bồ hòn, nấu nước xông và tắm; dùng thêm lá ké đầu ngựa, sắc uống trong vài ngày sẽ khỏi (theo Bách gia trân tàng).
Chữa viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội đi ngoài ra máu. Lấy một nắm lá tươi 50g vò lấy nước uống hoặc sắc uống.
Chữa kiết lỵ và bệnh trĩ lòi dom lở loét. Lấy lá sống đời, rau sam mỗi thứ 20g nhai nuốt nước, hay sắc uống, nếu bị lòi dom và hậu môn bị lở loét thì nấu nước bồ kết, ngâm rửa sạch lau khô, lấy lá sống đời giã nhỏ đắp ngoài.
Chữa chấn thương do té ngã đánh đập, ung nhọt sưng tấy, viêm kết mạc, bỏng do lửa hay nước sôi và bỏng do nóng. Dùng lá sống đời tươi giã nhỏ nhuyễn đắp lên. Chú ý: Khi chữa viêm kết mạc, phải đảm bảo vệ sinh, lá phải rửa sạch, dùng vật dụng thật sạch để giã hay nghiền lá, dùng một miếng gạc sạch, người bệnh nằm ngửa, phủ miếng gạc và đắp lá thuốc đã giã nhỏ lên trên. Không được dùng vật bẩn dễ gây nhiễm trùng rất nguy hiểm cho mắt.