QUẢ CÀ - VỊ THUỐC CHỐNG XUÂT HUYẾT VÀ UNG THƯ
PTS dược học - BS. NGUYỄN NINH HẢI
(Theo "Trung Quốc thực liệu đại toàn"
và "Chữa bệnh bằng ăn uống trong gia đình ở thế kỷ XXI)
Quả cà nói ở đây bao gồm tất cả các loại cà ta vẫn thường dùng để nấu và muối ăn như cà pháo, cà bát, cà tím v.v... Theo thống kê và nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong tất cả các loại rau quả thực vật có trong thiên nhiên mà con người vẫn thường dùng để nấu ăn hàng ngày thì cà là một trong những loại rau quả đứng hàng đầu có hàm lượng Vitamin P cao nhất. Trong mỗi 1.000gr cà tím có chứa tới trên 72gr Vitamin P. Tác dụng của Vitamin P chủ yếu là tăng cường sức kết dính giữa các tế bào trong cơ thể và có tác dụng bảo vệ huyết quản, phòng ngừa xuất huyết. Trong cà đặc biệt có chứa một chất gọi là "kiềm long quì" (Nightshade soda) có công hiệu chống ung thư. Qua thực nghiệm trên động vật, chất "kiềm long quì" này có thể ức chế sự tăng sinh các khối u trong hệ thống tiêu hóa, do đó có thể có tác dụng điều trị phụ trợ đối với những người bị các loại u bướu và ung thư.
Theo y học cổ truyền thì cà vị ngọt, tính lương (mát), có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu ung. Có thể dùng trong điều trị các chứng bệnh ung nhọt, lở loét nhiệt độc, chốc, loét ngoài da v.v... Trong quả cà có chứa các chất như Calabasinine, Choline, Sodium bicarbonate, Protein, chất béo, đường, canxi, lân, sắt, Vitamin A, Caroten, Vitamin B2, Vitamin B1, Amino acid, Vitamin C, Vitamin E... Tai quả cà nấu lên uống có thể chữa trị ung nhọt lở loét tốt.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng quả cà rất có hiệu quả
1. Cà 250gr, nấu chín, có công năng thanh nhiệt, giải độc, thích dụng với những người bị sốt ác hàn, bị sốt rét, bị các chứng u cục sưng to ở bụng.
2. Quả cà tươi 250gr, rửa sạch để ráo nước giã nát thành vữa đắp bên ngoài. Có công năng hoạt huyết, tiêu ung. Thích dụng trong chữa trị các chứng bệnh ung nhọt, sưng tấy, lở loét, bị nẻ nứt da thịt.
3. Cà 3 quả rửa sạch, nghiền nát phết lên miếng vải đắp vào chỗ bị bệnh, có công năng thanh nhiệt, giải độc, tiêu ung, thích dụng chữa trị viêm tuyến vú, trị các u nhọt, đinh sang.
4. Quả cà tươi 250gr, nấu lên ăn cùng với một số thực phẩm khác theo thói quen như thịt lợn, rau tía tô, hành, tỏi, mùi tầu... liên tục trong mấy ngày, có công năng kiện tì hòa vị. Thích dụng chữa trị chứng bệnh vận hóa của tì vị không tốt, miệng dạ dày không mở.
Trong một số cuốn sách y dược học nổi tiếng có giá trị của Trung Quốc có ghi về quả cà như sau:
Trong "Nhật Hoa Tử bản thảo": "Trị ôn bệnh" (bệnh cảm thuộc nhiệt có nhiều dạng khác nhau với những tên gọi như phong ôn, xuân ôn, thấp ôn, thử ôn, đông ôn, ôn độc...), "lao di truyền".
Trong "Tùy tức cư ẩm thực phổ": "Ôn lương, hoạt huyết, chỉ thống, tiêu trừ cơn động kinh, sát trùng, chữa các khối u cục cứng kết phình to trong bụng".
Trong "Y lâm soạn yếu": "Khoan trung" (làm thư thái trung tiêu tì vị) "tán huyết, chỉ khát".
Ghi chú thêm: Cà nên ăn chín, khi dùng làm thuốc bằng quả cà sống, chủ yếu để chữa các vết thương ngoài da. Chất chiết xuất được từ quả cà có thể hạ thấp Cholesterol trong huyết thanh và có tác dụng lợi tiểu tốt. Căn cứ vào một số báo cáo khoa học thì trong quả cà có chứa Vitamin E có công năng phòng ngừa xuất huyết và suy lão.
Sau mùa thu, vị của quả cà hơi chát đắng, nên càng thiên về tính hàn hơn, những người thể chất hư hàn không nên ăn nhiều.