Công dụng làm thuốc của hoa
Hoa đem lại sự thư thái về tinh thần. |
Cả Đông và Tây y (cổ truyền và hiện đại) đều coi trọng việc dùng hoa để chữa bệnh. Một số nước như Azerbaidzan, Tadzhikistan... còn xây dựng các bệnh viện hoa. Trong đó, bệnh nhân được điều trị bằng cách vừa thả hồn trong tiếng nhạc vừa tận hưởng hương thơm và sắc màu quyến rũ của các loài hoa.
Tác dụng chữa bệnh của hoa do nhiều yếu tố tạo thành, chẳng hạn như màu sắc, hương thơm, các hoạt chất trong phấn hoa, cánh hoa...
Một nghiên cứu ở Mỹ được thực hiện trên hàng nghìn người cho thấy, hương hoa có ảnh hưởng to lớn đối với tâm lý và sức khỏe con người. Theo một thống kê ở Pháp, những công nhân tiếp xúc nhiều năm với mùi hương tự nhiên trong các nhà máy sản xuất nước hoa hầu như không bị bệnh về hô hấp. Ở Nhật, một số nhà tư bản đã cho phun hương hoa hồng và hoa tử lan trong công xưởng để kích thích sự hăng hái của công nhân, nâng cao năng suất lao động.
Tại sao hương hoa lại có tác dụng huyền diệu như vậy? Đó là do các chất cồn, xeton và este trong tinh dầu thơm của hoa có tác dụng sát trùng, điều hòa chức năng trung khu thần kinh và hạn chế tác hại của vi sinh vật gây bệnh.
Màu sắc của hoa cũng được các thầy thuốc sử dụng trong điều trị. Hoa màu tím khiến phụ nữ có thai trở nên điềm tĩnh; hoa màu hồng làm bệnh nhân ăn ngon miệng hơn, hoa màu đỏ sẫm có thể làm tăng huyết áp...
Một trong các bộ phận của hoa có tác dụng chữa bệnh là phấn hoa. Thần thoại Hy Lạp có kể: "Thần tiên trên trời không dùng thức ăn bình thường, chỉ ăn phấn hoa". Hơn 2000 năm trước, sách Thần nông bản thảo đã khuyên dùng phấn hoa bồ hoàng làm thuốc bồi bổ cơ thể. Khoa học hiện đại chứng minh, phấn hoa được cấu thành từ gần 100 hợp chất thiên nhiên, rất giàu protein, gluxit, lipid, vitamin, khoáng chất, các loại men và hoóc môn. Do đó, nó có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh rất cao. Phấn hoa có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như suy nhược thần kinh hoặc cơ thể, viêm gan, ruột hoặc dạ dày, tiểu đường, bệnh lý mạch máu não, di chứng rối loạn tuần hoàn não, viêm tuyến tiền liệt, hội chứng tiền mãn kinh.
Theo y học cổ truyền phương Đông, các loại hoa có tính vị khác nhau, đi vào những kinh lạc khác nhau trong cơ thể, tạo nên các công dụng chữa bệnh đặc thù như:
- Sơ phong, tán nhiệt (chữa các bệnh vùng đầu, mặt): các hoa cúc, kim ngân, tân di, mật mông, chi tử, cát căn.
- Hóa đàm, chỉ khái (chữa các bệnh đường hô hấp): hoa khoản đông, dương kim, đỗ quyên...
- Thanh nhiệt, lý khí (trị bệnh đường tiêu hóa): hoa tuyền phúc, kim ngân, phù dung, biển đậu, thạch lựu, hoè...
- Hành huyết, chỉ đới (chuyên chữa bệnh phụ khoa): hoa nguyệt lý, linh lăng, hồng, kê quan, biển đậu...
- Lương huyết, giải độc (trị các bệnh da liễu): hoa đào, hạnh, sen, đinh hương, dương kim, kim ngân.
- Giải uất, trấn tĩnh (dùng cho các bệnh thần kinh): hoa dương kim, hoàng nguyên, thiên lý, sen...
Khi dùng hoa chữa bệnh, cần lưu ý:
- Những loại hoa có tính vị đắng lạnh (như chi tử, hòe, nhài) không nên dùng cho những người tỳ vị hư nhược (biểu hiện là sợ lạnh, kém ăn, đau bụng, đại tiện lỏng nát).
- Hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, phá huyết, ứ khứ (như đào, hồng, nguyệt lý, linh lăng, phượng tiên) không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh, huyết ra nhiều.
- Các hoa độc (như nguyên hoa, dương kim, thạch lựu, náo dương) chỉ được dùng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ.
- Những người có cơ địa dị ứng cần rất thận trọng khi dùng phấn hoa.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống