MÍA NGUỒN DINH DƯỠNG VÀ CHỮA BỆNH
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
Mía trồng nhiều ở nước ta, có nhiều loại mía như mía de, mía lau và nhiều giống mới có thân nhỏ, gầy, thấp, được trồng chủ yếu để lấy đường. Mía bầu, mía đường chèo, mía tím hoặc mía đỏ để ăn và làm thuốc.
Thật vậy, mía là nguồn cung cấp nguyên liệu làm đường cho các nhà máy đường trong nước, song có thể dùng để chữa bệnh quả là quý.
Trong dân gian người ta đã dùng ngọn mía lấy lõi trắng ở trong ngọn cây mía, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà rồi đắp và băng lại để chữa chín mé. Khi nứt nẻ chân người ta cũng lấy ngọn mía cùng với bèo cái lượng bằng nhau (chừng 100g mỗi thứ) giã nhỏ. Thêm vào một bát nước tiểu nấu đến sôi. Rồi ngâm rửa chân vùng nứt nẻ như bàn chân, gót chân, chú ý để vừa ấm mới cho chân vào ngâm chừng 30 phút.
Khi gãy xương người ta cũng lấy ngọn mía cùng với lá dâu tằm ăn, lá chàm mèo, lá địa liền giã nát hơ nóng đắp và bó để chữa gãy xương.
Làm thuốc an thai: Người ta dùng mầm mía 12g, phối hợp với củ gai (8g), ích mẫu 6g, củ gấu 4g, sa nhân 2g. Tất cả thái nhỏ phơi đến khô sắc uống. Đổ 400ml sắc còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa khí hư: Dùng lá mía nhất là loại lá ở thân cây mía tím 30g, rễ mò trắng 80g, hoa mò đỏ 20g, lá huyệt dụ 30g, thái nhỏ, sao vàng sắc uống hàng ngày.
Làm thuốc cầm máu: Phần trắng ở thân cây mía được dùng rắc vết thương làm cho máu ngưng chảy.
Chữa ngộ độc: Dùng thân cây mía 1kg, rễ cỏ tranh giã nát ép lấy nước rồi trộn với nước dừa uống một lần.
Hoặc thân cây mía 80g, lá tre, kim ngân, rễ cỏ tranh, rễ ngưu tất mỗi thứ 20g tươi, nếu khô 6g, thục địa, ý dĩ, cam thảo bắc, mỗi thứ dùng tất cả nấu với 1 lít nước đến sôi, giữ ấm âm ỉ chừng 15-20 phút rồi uống nóng hoặc để nguội tùy sở thích, làm nước giải khát có tên là bát bảo lưỡng xà.
Trong các bài thuốc chữa gãy xương thường có thân cây mía nhất là mía tím, hoặc làm nẹp bó.
Nước mía có vị ngọt, mát, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt giải khát, giải độc, bổ dưỡng, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, khát nước, tiểu tiện đỏ. Nước mía pha với ít gừng chữa buồn nôn. Nước mía nấu với hạt kê ăn trong ngày làm nhuận tim phổi, chữa ho do hư nhiệt, uống nhiều nước mía cũng có khả năng ngăn chặn cơn sốt.
Theo tài liệu Trung Quốc dùng tro từ bã mía trộn với dầu bôi chữa được chốc, ghẻ lở. Ở Campuchia và Lào người ta dùng hỗn hợp nước mía, mật, gạo và hạt cải để chữa kiết lỵ. Ở Indonesia dùng hỗn hợp nước với nửa quả dứa xanh và gạo có thể uống làm sẩy thai. Ở Philipin nước ép từ mía, hâm nóng uống chữa cảm lạnh. Ở Malaysia nước sắc của rễ mía chữa ho gà.