Những hình ảnh làm tim ta rỉ máu
Agent Orange: “Collateral Damage” in Vietnam
Photographs by Philip Jones Griffiths, Trolley Books, 176 trang, $39.95
New York Times 5-11 Tháng 5 Năm 2004
Trong thời gian từ 1962 đến 1969, Hoa Kì xịt 12 triệu gallons (1) hóa chất diệt cỏ màu da cam (còn thường được gọi là Agent Orange) trên hơn 20.000 làng (2) ở nam Việt Nam. Ý tưởng đằng sau chiến dịch này là: nếu lá cây bao phủ rừng và đồng ruộng bị tiêu hủy, dân làng bắt buộc sẽ phải tập trung vào các khu ấp chiến lược do quân đội Mĩ kiểm soát, và do đó làm cho quân đội đối phương mất cơ sở hoạt động và không còn nơi để trú ẩn. Tuy chiến dịch này hoàn toàn thất bại, nhưng ảnh hưởng của độc chất màu da cam vẫn còn ám ảnh người Việt Nam. Một danh từ mới trong kho tàng ngữ vựng tiếng Anh được tạo ra để mô tả thảm trạng này: ecocide (tạm dịch: tiêu diệt môi sinh). Sau đó, Hiệp ước Geneva phải thay đổi điều khoản để ngăn ngừa một chiến dịch như thế tái diễn trên thế giới.
Trong hóa chất màu da cam có chứa chất dioxin, một độc chất có thời gian bán hủy trong cơ thể con người lên đến 10 năm; chỉ cần 2 phần tỉ dioxin trong máu củng có thể làm cho các tế bào bị đột biến. Không ai ngạc nhiên khi thấy với số lượng hóa chất màu da cam được sử dụng trong một thời gian dài như thế, dioxin vẫn tiếp tục gây rối loạn tế bào trong cơ thể hàng chục ngàn người Việt Nam. Và đó là thảm trạng mà Nhà nhiếp ảnh người Anh, Philip Jones Griffiths, ghi lại qua ống kính. Những tấm ảnh chỉ toàn màu trắng đen, có lẽ Griffiths muốn làm cho người xem phải động lòng trắc ẩn.
Ống kính của Philip Jones Griffiths phản ánh những gì mà thế giới và nhất là Hoa Kì muốn quên đi: Sáu phần trăm trẻ em trong các trường học ở Việt Nam mang dị tật bẩm sinh; 4 phần trăm thai nghén bị hư (vì bào thai tan thành nước) và sẩy thai, trong khi đó một số khác được sinh ra với dị dạng. Dioxin vẫn còn tồn tại trong môi trường Việt Nam với một nồng độ nguy hiểm. Trong các vùng bị xịt hóa chất màu da cam trong thời chiến, trẻ em ra đời với những bệnh nứt đốt sống, bệnh da, ung thư gan, chậm phát triển cơ thể và trí tuệ. Nhiều trường hợp trẻ em sinh ra không có mắt, hay mắt không có thủy tinh thể, hay không có tay chân; sinh đôi dạng Siam (hai cơ thể trẻ dính vào nhau) cũng thường thấy ở nam Việt Nam. Griffiths dẫn chứng tất cả các trường hợp này hình ảnh gần, và thách thức chúng ta phải đối diện với ông ta. Đó không phải là một trực diện dễ dàng chút nào.
Dù các hình ảnh này làm cho chúng ta đau thắt tim, nhưng Griffiths còn có một thông điệp khác: ông muốn cảnh cáo thế giới, và răn đe những ai lăm le muốn gây chiến với vũ khí hóa học. Dioxin là một phó sản của các nhà máy sản xuất các hóa chất chlorine. Do đó dioxin hiện diện trong hàng ngàn sản phẩm gia dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, kể cả plastics. Cơ quan bảo vệ môi trường của Mĩ cho biết dioxin có thể là yếu tố gây ra một phần tư các trường hợp ung thư ở Hoa Kì. Griffiths viết: “Việt Nam là một phòng thí nghiệm nơi mà người ta có thể phát hiện được sự tàn sát của dioxin vẫn còn tiếp diễn một cách chậm chạp,” nhưng “Thật là đáng tiếc, không ai có hành động gì [trước thảm trạng dioxin],” ông viết tiếp.
Bất kì khía cạnh nào của câu chuyện của Griffiths mà người xem muốn lấy làm tiêu điểm – quá khứ, hiện tại, hay tương lai – ống kính của ông không lừa dối, mà nó làm cho chúng ta kinh hãi và trái tim chúng ta rỉ máu.
Người dịch: Nguyễn Văn Tuấn
Chú thích của người dịch:
[1] Thực ra con số này không đúng, trong thời gian 1962-1969, Mĩ xịt xuống Việt Nam 69,7 triệu lít (chứ không phải 12 triệu gallon = 45,36 triệu lít).
[2] Số làng xã bị ảnh hưởng là 25.585, chứ không phải đơn thuần “hơn 20.000” làng.