Cúm gia cầm và nhiễu thông tin
Nguyễn Văn Tuấn
Những tiên đoán về cúm gia cầm và một nạn đại dịch đã và đang gây thiệt hại cho kinh tế nước ta. Điều đáng nói là cái nạn dịch mà chúng ta đang đối phó ngay ngày hôm nay không phải là dịch cúm gia cầm, mà nạn dịch cúm thông tin và dịch sợ hãi. Đã đến lúc các cơ quan truyền thông nhìn lại cách đưa tin của mình sao cho nghiêm chỉnh hơn và nên đặt quyền lợi kinh tế của nước ta trước các cạnh tranh theo kiểu giật gân.
Giới truyền thông, kể cả báo chí Việt Nam, đang cạnh tranh nhau đưa tin về dịch cúm gia cầm, với những chiêu thức mà tôi có lí đo để cho là giật gân và tất nhiên là không cần thiết. Chẳng hạn như báo điện tử VietNamNet có hẳn một trang web với tựa đề “Đối diện với đại dịch cúm gia cầm”, và minh họa bằng đầu gà với con mắt đỏ choét và tấm biển giao thông “STOP”, trên nền màu đỏ chói và chữ SOS (báo động khẩn cấp) liên tiếp nhảy lên nhảy xuống …
|
Hình minh họa trên trang web http://vietnamnet.vn/dichcumga. |
Vào trang nhà, chúng ta thấy một dòng giới thiệu đầy tự hào “Trang web này có sự cộng tác của Viện vệ sinh dịch tễ học, Cục y tế dự phòng (Bộ y tế), và Trường Đại học y tế công cộng” làm như đó là một bảo kê cho những bài viết trong trang nhà này vậy. Thế nhưng rất tiếc là khi đọc qua những bản tin trong trang nhà này càng làm cho người đọc bối rối, vì những con số thay nhay trồi sụt theo ngày tháng, và những thông tin chẳng kèm theo một lí giải khoa học nào, chẳng đưa ra những câu trả lời thiết thực về những câu hỏi mà người dân muốn biết: cúm gà quan trọng ra sao, nguy cơ lan truyền của virút H5N1 từ gia cầm sang người ra sao, ăn gà nấu chín có phải là nguy hiểm không, triệu chứng của cúm gà là gì, chữa trị ra sao, phòng chống như thế nào, v.v. và v.v. Đó là những câu hỏi mà người dân muốn biết, nhưng cách đưa tin của báo chí trong nước hiện nay rất tiếc là chưa trả lời hết những câu hỏi đó. (Sẵn đây, xin nhắc các bạn đọc muốn biết câu trả lời cho các câu hỏi trên thì có thể vào trang nhà www.ykhoa.net để biết thêm chi tiết (1)).
Trong khi báo chí trong nước chạy theo những thông tin giật gân, duy cảm, thì một vài các tờ báo và đài phát thanh tiếng Việt ở Mĩ, kể cả đài RFA của Mĩ, dường như có chủ trương loan tin nhằm chống phá Việt Nam. Họ liên tiếp đưa tin làm cho người đọc và nghe có cảm tưởng như một nạn đại dịch sắp xảy ra trên thế giới, và nước có tội chính là … Việt Nam! Họ không ngần ngại nói rằng cúm gà xuất phát từ Việt Nam, bất chấp sự thật là Hồng Kông mới chính là nơi virút H5N1 được phát hiện lần đầu từ năm 1997.
Mục đích của những kiểu đưa tin giật gân này là gì? Tại sao phải báo động quần chúng khi mà các chuyên gia đều nhất trí rằng một đại dịch sẽ không xảy ra trong tương lai? Có phải đó là một cách đưa tin vô trách nhiệm không, nhất là trong khi cả thế giới chỉ có 117 trường hợp bị nhiễm và 60 người không may đã chết? Có thể gọi đó là một đại dịch không trong khi hàng trăm ngàn người khác trên thế giới chết vì cảm cúm?
Thông tin đã trở thành nhiễu thông tin. Nó gây nhiễu đến nỗi những người làm trong ngành y tế, kể cả bác sĩ, cũng không biết đâu là thật và đâu là giả. Có một vị bác sĩ (người Việt ở Úc) đã thản nhiên tuyên bố trên đài phát thanh rằng chữ H trong H5N1 là viết tắt của Hồng Kông! Đối với nhiều người Việt ở nước ngoài, nhiễu thông tin dẫn đến sợ hãi. Đã có nhiều người hoãn chuyến bay về Việt Nam trong dịp Tết vì sợ … cúm gà! Nhiều người Úc cũng tỏ ra ngần ngại khi nghĩ đến một chuyến đi du lịch ở Việt Nam nhân mùa nghỉ hè sắp đến.
Ở trong nước nông dân, vốn đã nghèo, nay lại khốn khổ vì những kiểu đưa tin thiếu trách nhiệm như thế. Đã có nhiều gia đình tán gia bại sản vì phải tiêu diệt cả đàn gà, đàn vịt vốn là nguồn thu nhập duy nhất và là “nồi cơm” của cả gia đình. Đã có người phải bỏ làng xã vì nợ nần chồng chất (do phải thiêu hủy gia cầm). Vấn đề không còn là đơn thuần giật gân và cảm tính nữa, mà đã có nguy cơ gây tác hại đến kinh tế Việt Nam.
Đưa tin về nguy cơ như dịch cúm gia cầm là một điều cần thiết. Nhưng thông tin là để người dân biết mà tránh điều dở và tìm biện pháp khắc phục, chứ không phải để gây hoang mang hay sợ hãi đến nỗi làm tổn hại kinh tế nước nhà. Cần phải nhìn lại sự thật khoa học cho nghiêm chỉnh.
Dịch gia cầm có thể xảy ra nay mai, nhưng bằng chứng khoa học cho thấy virút chưa có khả năng lan truyền từ người sang người. Có lẽ điều này cho thấy cúm gia cầm không phải là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như chúng ta tưởng, nếu không thì chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn người chết tại các nước có dân số lớn tiếp xúc với gia cầm như Trung Quốc.
Xin nhấn mạnh rằng hiện nay chưa xảy ra một đại dịch nào cả. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là một đại dịch sẽ không xảy ra trong tương lai (vì không ai dám tiên đoán một cách chắc chắn tương lai). Những đề cập và so sánh đến nạn đại dịch Tây Ban Nha năm 1918 dường như chỉ để hù dọa chúng ta về một nạn dịch như thế sắp xảy ra trong năm 2005. Nhưng nếu chúng ta chịu khó động não suy nghĩ một chút về kinh nghiệm con người thì sẽ thấy rõ ràng rằng những thảm nạn như thế rất ư là hiếm hoi trên thế giới.
Như đã phân tích trong một bài viết trước (2), có ba điều kiện để một virút có thể gây ra một đại dịch toàn cầu: thứ nhất là virút đó phải có khả năng đột biến thành một virút mới; thứ hai là virút phải có khả năng tái tạo hay đột biến một khi xâm nhập vào cơ thể con người; và thứ ba là virút phải có khả năng truyền nhiễm giữa con người. Hiện nay, có bằng chứng cho thấy điều kiện 1 đã hội đủ, nhưng điều kiện 2 và 3 thì vẫn chưa có bằng chứng. Quan trọng nhất là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng gì cho thấy virút H5N1 truyền từ người sang người. Đó là một tin vui, vì nếu virút không có khả năng lan truyền từ người sang người thì một nạn dịch sẽ khó xảy ra.
Trung tâm phòng chống bệnh tật Âu châu (European Centre for Disease Prevention and Control – ECDC) trong một tài liệu nghiên cứu đề ngày 19/10/2005 đã viết rất rõ rằng: Hiện nay virút H5N1 không phải là một chi virút có khả năng gây ra đại dịch. Trung tâm này viết thêm rằng: Rất nhiều người và quan chức y tế trên thế giới hình như cho rằng sự hiện diện của virút H5N1 ở Âu châu là một đại dịch, nhưng đây là một nhận xét sai lầm. ECDC đề nghị cải tiến cách thức đưa tin về nguy cơ cúm gia cầm trung thực và khách quan hơn (3).
Những tiên đoán rùng rợn về một nạn đại dịch sự thật chỉ là những suy đoán dựa vào một giả định quan trọng là một vi-rút mới sẽ xuất hiện. Sự thật là thỉnh thoảng có vài vi-rút mới xuất hiện, nhưng chưa lần nào chúng gây ra những cơn đại dịch kể từ nạn dịch Hồng Kông gần đây nhất (tức năm 1968-69). Thành ra, cho rằng sẽ có một nạn đại dịch khác xảy ra trong tương lai có vẻ thiếu cơ sở, nếu không muốn nói là vô lí. Các chuyên gia y tế Mĩ cũng nói rõ một nạn dịch lớn sẽ không xảy ra năm nay hay năm tới.
Xin nói rõ hơn rằng nguy cơ hay xác suất mà con người bị nhiễm virút H5N1 cực kì thấp. Phần lớn những trường hợp bị nhiễm virút này là những người thường tiếp xúc, va chạm với các mô bị nhiễm như gia cầm chết, máu, hay phân và nước thải của gia cầm. Cần phải nhấn mạnh rằng một khi thịt gà, vịt hay heo đã được nấu chín thì nguy cơ bị nhiễm cúm gia cầm cực thấp nếu không muốn nói là không hiện hữu.
Do đó, những bản tin về một virút nào đó được phát hiện ở tỉnh này hôm nay hay địa phương nọ hôm kia hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả, bởi vì virút thì lúc nào mà chẳng hiện diện trong cơ thể động vật. Vấn đề không phải sự có mặt của virút, mà là virút đó nó độc hại như thế nào. Thiết tưởng những kiểu đưa tin như thế chỉ gây thêm hoang mang một cách không cần thiết cho người dân. Thực hư của vấn đề dịch cúm gia cầm phải dựa vào sự thật khoa học, chứ chắc chắn không thể tìm thấy trong các bản tin trên các hệ thống truyền thông quốc tế, dù là trích dẫn ý kiến từ các chuyên gia hay giáo sư đại học. Thật ra, đứng trên quan điểm y học thực chứng mà nói, những ý kiến của chuyên gia, dù là chuyên gia hàng đầu, có giá trị khoa học thấp nhất trong các loại bằng chứng khoa học.
Các cơ quan truyền thông nên nhận thức rằng cách đưa tin của họ đã gây nguy hại đến kinh tế nước nhà, và đã đến lúc họ nên xem lại cách làm của mình một cách nghiêm chỉnh. Vấn đề cúm gia cầm là vấn đề y tế công cộng quan trọng cần phải được nhận thức chính xác và có hành động thích hợp, chứ không phải là vấn đề để thu hút độc giả hay cạnh tranh bán báo bằng những hình ảnh và bản tin giật gân, duy cảm.
Chú thích:
(1) Xem bài viết “Những câu hỏi và trả lời về dịch gia cầm” tại địa chỉ sau đây: http://www.ykhoanet.com/congtacvien/nguyenvantuan/hoidap_birdflu.htm.
(2) Xem bài phân tích “Có thể xảy ra đại dịch cúm gia cầm?” tại địa chỉ sau đây: http://www.ykhoanet.com/congtacvien/nguyenvantuan/nvt_flu.htm.
(3) Xem tài liệu “Putting the risk to human health from bird flu (type A/H5N1) in perspective,” Zsuzsanna Jakab, European Center for Disease Prevention and Control tại địa chỉ: http://www.ecdc.eu.int.