Tản mạn
cuối tuần:
Quyền phê phán và trí thức
Nguyễn Văn Tuấn
YKHOANET 10/04/2008 - Hôm nay đọc trên ykhoanet.com bài “Tâm sự về thông tin dịch bệnh” của một bác sĩ kí tên ĐKT rất thú vị. Qua bài này tôi mới biết báo Sức khỏe & Đời sống có đăng ý kiến của Bs Bùi Trọng Chiến (viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang) về mấy bài của tôi và Bs Lê Đình Phương trên báo chí. Trong bài, BS Chiến có mở đầu: “Trong thời gian gần đây, có rất nhiều tác giả, nhiều cơ quan báo chí nói về E.Coli, Coliforms, vai trò của chúng và sự liên quan giữa chúng đến các bệnh tiêu chảy, trong đó có bệnh tả. Nhiều tác giả phân tích lý giải theo hướng sai lầm, chủ yếu là phê phán ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Chúng tôi thấy cần thiết phải giải thích lại rõ ràng hơn để tránh hiểu lầm”.
Bs ĐKT đã chỉ ra sai lầm trong phát biểu trên rằng “Rõ ràng […] chỉ có chỉ số E.Coli là chỉ điểm tốt nhất cho sự ô nhiễm nước từ phân người (hoặc động vật); còn Coliform tổng số, Coliform chịu nhiệt là chỉ điểm không chắc chắn cho sự nhiễm bẩn từ phân vì nó còn bao gồm nhiều vi khuẩn không xuất phát từ phân. Nhưng BS Chiến lại kết luận trong bài viết là ‘Như vậy, việc các cơ quan chức năng sử dụng coliforms tổng số hay coliforms chịu nhiệt để đánh giá sự ô nhiễm của nguồn nước, thực phẩm có nguồn gốc là từ phân liên quan đến vi khuẩn đường ruột là đúng’; như vậy ai là người ‘hiểu lầm’ hoặc ‘lý giải theo hướng sai lầm’ hay làm cho người khác trở nên như vậy?”
Bạn đọc nào muốn biết thêm về vi khuẩn/vi trùng trong thực phẩm có thể đọc tài liệu sau đây để biết người ta làm ra sao. Chú ý trong đó, có đoạn viết về E. coli và các vi trùng / khuẩn khác (trang 6): “However valuable such information may be, it should never be interpreted as indicating with certainty that faecal contamination has occurred.” Các quan như Bs Chiến nên đọc (và hiểu nhé) để biết ai là người “hiểu lầm”.
Tuy
nhiên, tôi chú ý đến câu trên của ông Chiến không phải vì thông tin hay kiến
thức dịch tễ học hay kiến thức về vi trùng / vi khuẩn (mà theo tôi là
có vấn đề)
nhưng vì thái độ của các quan chức y tế.
Theo bạn Chiến thì các bài của tôi và Bs Phương “chủ yếu là phê phán ảnh
hưởng đến công tác chuyên môn.” Nói
cách khác, chúng tôi không nên phê phán các quan chức, hay nói một cách thẳng
thừng như ông quan NVDũng là “không được quyền phê phán” họ.
Một
xã hội mà trong đó người dân không được quyền hay không được khuyến khích phê
phán, phản biện thì xã hội đó rất nghèo nàn và sẽ chẳng bao giờ phát triển được.
Truyền thống phê phán và phản biện thật ra chẳng mới gì đối với Việt Nam
ta. Có thể xem Trạng Quỳnh, Tú
Xương, Phan Khôi, hay gần hơn chút như Bút Tre, hay đương thời như Gs Nguyễn Lân
Dũng, Gs Nguyễn Sĩ Dũng, Ts Lê Đăng
Doanh, Ts Nguyễn Quang A, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, v.v… là những nhà phản biện
xã hội. Họ là những nhà trí thức
thật sự theo cách hiểu của tác giả
Chu Hảo.
Còn ở
Tây phương, có thể nói đó là những xã hội phê phán.
Hàng ngày chúng tôi theo dõi báo chí Tây phương đầy dẫy những phản biện
xã hội, nhưng phê phán (có khi rất nặng) các quan chức Nhà nước.
Chỉ một vụ tử vong vì nhầm lẫn y khoa là ông Bộ trưởng y tế suýt mất
chức, và một ê kíp phẫu thuật phải chịu búa rìu của dư luận báo chí.
Trong các trường trung học và đại học họ có những “Debate Society” (hội
tranh luận) mà trong đó các sinh viên chia thành nhiều phe để tranh luận về một
đề tài thời sự nào đó. Thật ra,
ngay từ tiểu học, văn hóa tranh luận đã được phát huy triệt để.
Tôi còn nhớ lúc theo đứa con tôi vào lớp tiểu học, thấy cô giáo chia lớp
học thành hai nhóm bắt chước như trong Quốc hội Úc: một nhóm đóng vai “chính
phủ” và một nhóm đóng vai “đối lập”.
Mấy cô cậu “chính trị gia” cãi nhau chí chóe về ô nhiễm môi trường và đủ
thứ vấn đề xã hội khác.
Thành
ra, không ngạc nhiên khi thấy khi lên đại học, sinh viên được khuyến khích chất
vấn tối đa. Trong lớp học sau giờ
thầy giảng một là đến phần sinh viên đặt câu hỏi.
Anh chị nào đặt câu hỏi hay nhất (hiểu theo nghĩa có suy nghĩ nhất hay
thậm chí hóc búa nhất) được đánh giá là sinh viên giỏi.
Sinh viên nào chỉ ra những sai sót trong bài giảng của giáo sư hay “bắt
bí” được giáo sư họ được xem là sinh viên tốt.
Do đó, trong các chương trình học sau đại học, khi đánh giá sinh viên,
giáo sư không chỉ dựa vào điểm thi mà còn dựa vào sự năng nổ và thói quen đặt
câu hỏi, đặt vấn đề của sinh viên.
Quay
lại câu chuyện một số (tôi nhấn mạnh chữ “một số”, chứ không phải tất cả) quan
chức y tế nước ta không quen với văn hóa phản biện, không quen với việc bị phê
phán, tôi thấy đó là một điều đáng tiếc.
Theo giới tâm lí học, không dám tham gia phản biện là dấu hiệu của những
triệu chứng sau đây:
-
Quan liêu và xem dân như những kẻ ngu dốt;
-
Làm dáng ta đây là người quan trọng;
-
Thiếu tự tin về chuyên môn ;
-
Thiếu kiến thức khoa học;
- Bất tài.
(Bạn đọc có thể thêm vài triệu chứng
khác nữa, nhưng tôi sẽ dừng lại 4 triệu chứng trên).
Nói đến vấn đề thông tin, tuần qua tôi
có nhận một email từ một bác sĩ trẻ khác đại khái nói rằng các thông tin từ các
tập san khoa học mà tôi trình bày rất có ích cho anh ấy, nhưng còn băn khoăn
không biết tôi trích dẫn thông tin có chính xác hay không, hay là chỉ trích dẫn
cái gì phù hợp với quan điểm của tôi.
Đọc câu này tôi hơi ngỡ ngàng: chẳng lẽ từng tuổi này với bao nhiêu năm
làm việc trong y khoa mà tôi không biết trích dẫn thông tin khoa học ư?
Trích dẫn những gì phù hợp với quan điểm mình chẳng có gì sai nhưng đó là
cách làm phản khoa học và phiến diện.
Đó là bài học căn bản, bài học 101 của nghiên cứu khoa học mà tôi thiết
tưởng ai cũng phải biết! Thật ra,
tôi biết có nhiều bác sĩ thậm chí còn không biết tìm tài liệu trong PubMed ra
sao, chứ nói gì đến việc trích dẫn thông tin!
Đó là chưa nói đến chuyện hiểu tiếng Anh, cũng là một rào cản đáng kể cho
các chuyên gia trong nước.
Lại có người cho rằng tôi và bạn tôi
trích dẫn thông tin khoa học nhiều quá, và nghĩ rằng chắc có lẽ tại chúng tôi
muốn khoe, muốn lòe bạn đọc. Đọc ý
kiến này cũng làm tôi buồn một chút, nhưng chắc đó là ý kiến phản ảnh văn hóa
khoa học mà thôi. Điều này làm tôi
nhớ đến những lần thảo luận với các sếp lớn của tôi ngày xưa.
Hôm đó, chúng ta thảo luận về một đề tài liên quan đến neuroendocrinology
(thần kinh nội tiết học), có đồng nghiệp nói rằng anh ta tin có sự liên quan
giữa não và hệ thống điều tiết trong xương.
Sếp tôi quay lại hỏi: bằng chứng đâu?
Anh đồng nghiệp nói chỉ là niềm tin cá nhân thôi, chứ anh ấy không có
bằng chứng. Sếp quát lớn: Đây là
y học chứ không phải tôn giáo nghe chưa, nói cái gì thì phải có bằng chứng: ai
viết, tập san nào, năm mấy, số liệu ra sao. Lần sau anh đừng có làm tôi mất thì
giờ nữa nhé! Một bài học nhớ
đời cho anh bạn và cho cả tôi. Do
đó, chúng tôi trở thành có thói quen rất dị ứng (hay nói thẳng ra là rất ghét)
những phát biểu không có bằng chứng.
Trình bày dữ liệu và nguồn dữ liệu không phải để lòe ai, mà là để nói
rằng: có bằng chứng đấy nhé. Còn
cách hiểu và diễn giải dữ liệu như thế nào thì là một lĩnh vực khác.
Các quan chức cho rằng chúng ta –
người dân – không có quyền phê phán ảnh hưởng đến công tác phòng bệnh của họ.
Có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại: nếu họ vẫn khăng khăng làm theo
những gì họ tin là đúng thì có thể gây tác hại, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, đến
doanh nghiệp? Có một câu chuyện mà
sinh viên y khoa ngoài này thường được kể và tôi xin kể lại như sau.
Hôm đó, một giáo sư là một nhà phẫu thuật nổi tiếng thế giới nói chuyện
trong buổi “grand round”, ông giới thiệu kĩ thuật mổ mới của ông mà theo ông là
rất hiệu quả có thể cứu sống nhiều bệnh nhân.
Khi ông giảng xong, một bác sĩ trẻ giơ tay xin hỏi: “Thưa thầy, em xin
hỏi kĩ thuật mới của thầy đã được đánh giá qua một nghiên cứu lâm sàng chưa ạ?”
Vị giáo sư già, với một thái độ kẻ cả đầy tự tin, một tay tháo kính trắng
ra, mắt nhìn thẳng vào đám đông phía dưới, ông giễu cợt: “Thế ý anh muốn nói
rằng tôi phải để cho phân nửa bệnh nhân của tôi phải chết vì không được điều trị
bằng kĩ thuật của tôi à?” (Xin
nói thêm rằng để làm nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên – randomized
clinical trial – phân nửa bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp chuẩn và phân
nửa được điều trị bằng phương pháp mới).
Cả hội trường cười ầm lên và ông giáo sư thấy mình đắc thắng.
Thế nhưng anh bác sĩ trẻ vẫn chưa chịu thua, anh ta nhỏ nhẹ hỏi lại “Xin
hỏi thầy là phân nửa nào phải chết ạ?” Ông giáo sư hiểu ra ngay câu nói, sắc
diện đi từ đỏ sang xanh, và bắt đầu nói tiếng … Đan Mạch.
Hàm ý của câu chuyện trên là: không có
bằng chứng thì đứng có nói huyênh hoang.
Thấy một nhóm bệnh nhân từng ăn mắm tôm không có nghĩa mắm tôm là nguyên
nhân gây bệnh. Quan sát một nhóm là
điều kiện cần, nhưng chưa đủ để đi đến kết luận.
Không có lí do gì để tin rằng các quan điểm của quan chức là đúng, cho dù
các quan chức đó có bao nhiêu học hàm hay học vị (bất kể thật hay dỏm) sau cái
tên của họ. Lịch sử y khoa đã trải
qua quá nhiều sai lầm vì những niềm tin vô bằng chứng như thế.
Tôi phải quay lại với vai trò phản biện của trí thức. Bs ĐKT sợ “phạm thượng” và tôi cũng thông cảm. Nhưng tôi vẫn thấy có cái gì lấn cấn ở đây. Tôi xem giới y khoa là một thành phần “trí thức” (cứ tạm gọi như thế). Mà, trí thức thì phải có “đạo đức trí thức” như Lão Tử từng nói: Biết mà không làm là bất nhân. Thấy mà không nói là bất nghĩa. Nếu biết chuyện và có bằng chứng rõ ràng thì mình phải lên tiếng. Nếu thấy chuyện mà mình nghĩ là sai quấy thì cũng cần phải phát biểu bày tỏ ý kiến. Viết đến đây tôi chợt nhớ một tuồng cải lương nay tôi quên mất tựa đề mà trong đó nghệ sĩ Út Trà Ôn nói: Kiến nghĩa bất vì vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Ở Nam Bộ, cuối thế kỉ 18, nổi tiếng có võ Ba Giồng (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), chuyên dạy võ để rèn luyện thể chất, giúp con người vượt qua thử thách, hiểm nguy, bệnh tật ở vùng đất mới, và trau dồi nhân cách theo tinh thần thượng võ. Tôi đang lạc đề…
Trong một bài viết mới đây, giáo sư
Chu Hảo viết về trí
thức mà tôi xin trích để làm câu kết của bài tản mạn lan man nhân ngày cuối tuần
này:
“tầng
lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: Tiếp thu và truyền bá tri thức
hoặc/và văn hóa; Sáng tạo các giá trị mới của tri thức hoặc/và văn hóa; Đề xuất,
phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các
vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hội.
Xã hội văn minh nào cũng phải có
một tầng lớp trí thức ưu tú như vậy. Trong lịch sử dân tộc ta, thời nào cũng có
những trí thức kiệt xuất. Tầng lớp sỹ phu trong những triều đại hưng thịnh của
nước ta rõ ràng có nhiều điểm tương đồng với khái niệm tầng lớp trí thức như
được nói đến ở trên.
Ngày nay trong cụm từ “Liên minh
Công – Nông – Trí” tôi ngờ rằng chúng ta đã dùng từ “trí” để chỉ những người lao
động trí óc (kỹ sư, bác sỹ, nhà văn, họa sỹ, v.v…) chứ không phải là trí thức
theo cách hiểu thông thường của thế giới hiện đại. Trong số rất đông những người
lao động trí óc đó chỉ có một số là trí thức thực thụ mà thôi. “Một số” này đã
quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một tầng lớp trí thức
với đúng nghĩa của nó hay chưa vẫn còn là một vấn đề cần được thảo luận.
Đã là trí thức thì ở nước nào cũng
vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: tôn thờ lý tưởng Chân –
Thiện – Mỹ; độc lập tư duy; hoài nghi lành mạnh; và tự do sáng tạo. Tuy nhiên
mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có
bản sắc riêng.
Chúng ta thường nghe nói: trí thức
Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí
thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh
táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã v.v… Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì?
Tôi đã từng nghe ông K.G. nói đến tính cách “phò chính thống”; bà P.T.H. nói đến
tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”. Có
nhiều người nói là tính cách “tùy thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay
là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định.
Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu
có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới trí thức Việt
Nam chính là ở chỗ này! Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Vậy
thực sự trí thức Việt Nam có đặc tính gì?
[…] Ngày nay, khi đất nước ta đang
bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập vào nền
kinh tế tri thức toàn cầu thì vai trò và trách nhiệm của tầng lớp trí thức càng
quan trọng và nặng nề hơn. Đổi mới càng sâu sắc và toàn diện càng đòi hỏi phải
đổi mới tư duy triệt để; muốn vậy phải có tầm trí tuệ rất cao. Tầm trí tuệ cao
ấy phải có sự can dự của tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc.
Toàn cầu hóa buộc chúng ta phải
hội nhập một cách ngang tầm trong mọi lĩnh vực. Trí thức Việt Nam cũng phải phấn
đấu để có thể ngang tầm với tầng lớp trí thức của các nước tiên tiến khác. Điều
đó thật không dễ dàng nếu chúng ta thẳng thắn và dũng cảm nhìn vào thực trạng
đội ngũ trí thức nước nhà. Không ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới
trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm
với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh
quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí
thức mà thôi!”