Hoa vàng mấy độc
Lisa Sanders (*)
1. Triệu chứng
Jon McGhee, bác sĩ nội trú năm thứ hai ở khoa cấp cứu, chào đón nữ bệnh nhân và người chồng chưa cưới của cô trong căn phòng chật hẹp, tối tăm của bệnh viện. “Có chuyện gì xảy ra đây?” bác sĩ hỏi bệnh nhân nửa đùa nửa chuyên nghiệp, vì bệnh nhân cũng là một bác sĩ và và bạn của ông. Hai người đã từng trải qua những ngày tháng gian khổ trong thời gian thực tập chung với nhau — một kinh nghiệm khởi đầu cho tình đồng nghiệp gắn bó sau này.
Cô ta trông bình thường, bác sĩ McGhee nghĩ thầm, và thấy bớt lo lắng. Nhưng nhịp tim của cô có vẻ “chạy quá nhanh” — 150 nhịp mỗi phút. Huyết áp cũng cao, và khuôn mặt cô trông có vẻ băn khoăn. Nhưng nói chung là không có dấu hiệu bệnh. Rồi bệnh nhân bắt đầu nói chuyện. Chữ nghĩa tuôn ra cứ như là một giòng sông chảy xiết. Toàn là những câu chữ ngẫu nhiên, tùy tiện, vô nghĩa, chẳng đâu vào đâu. Bác sĩ McGhee nhìn người hôn phu ngầm hò hỏi và anh ta gật đầu. Đây là lí do tại sao cô đồng nghiệp có mặt tại đây. \
Bệnh nhân khỏe mạnh cả ngày, người hôn phu giải thích, nhưng sau bữa cơm tối, cô ta bắt nói là cảm thấy nôn mửa và như mê sảng. Chỉ trong vòng 1 giờ, các triệu chứng này dần dần trở nên xấu đi. Cô bắt đầu cảm thấy yếu ớt, nóng trong người, và … bệnh. Rồi cô khóc không ngớt, và khi cô nói, cô nói toàn những điều vô nghĩa. Tình trạng này làm cho hôn phu cô cảm thấy lo lắng, sợ sệt …
Bệnh nhân 27 tuổi, vóc dáng lực sĩ, và không có bệnh tật nào. Một năm trước đó, cô bị ngất xỉu một vài lần, nhưng xét nghiệm tim mạch chẳng phát hiện dấu hiệu nào đáng khả nghi. Cô uống thuốc an thần (Paxil) và thỉnh thoảng dùng một thuốc an thần khác như Elavil để giúp cô ngủ. Bệnh nhân không hút thuốc, ít khi nào uống bia rượu, không bao giờ dùng ma túy, và chạy bộ hàng ngày.
Khi bác sĩ bật đèn để khám tổng quát, bệnh nhân khóc ngất lên. Ánh sáng làm cho cô khó chịu ngay từ lúc cô được chở đến đây. Bác sĩ McGhee vặn đèn giảm ánh sáng và bắt đầu khám. Bệnh nhân không bị sốt. Miệng khô, da ấm áp, nhưng không ra mồ hôi. Tất cả các phần khác đều bình thường. Xét nghiệm EKG không cho thấy một dấu hiệu bất bình thường nào, ngoài việc nhịp tim đập khá nhanh.
2. Điều tra
Bác sĩ McGhee suy nghĩ cẩn thận về trường hợp của cô bạn đồng nghiệp. Bất cứ ai với sự thay đổi tính tình đột ngột, khả năng dùng các loại thuốc bất hợp pháp và ma túy phải là nguyên nhân hàng đầu. Nhưng trong trường hợp này, nguyên nhân đó có khả năng rất thấp. Thêm vào đó, cô ta từng dùng Elavil cũng có thể là nguyên nhân của những triệu chứng này nếu dùng với liều lượng cao và nhiều. Có thể nào cô ta sử dụng quá liều? Quá liều có thể là nguyên nhân làm cho nhịp tim đập nhanh và dẫn đến rối lộn trong suy nghĩ. Nhưng cái tác hại nguy hiểm nhất của quá liều Elavil là làm cho huyết áp hạ xuống thấp ở độ nguy hiểm. Nhưng ở đây huyết áp của bệnh nhân lại rất cao. Có lẽ bệnh nhân mắc bệnh thần kinh lưỡng cực (bipolar) và đã chuyển từ tình trạng trầm cảm (depression) sang dạng mê cuồng (mania)? Hay là một nguyên nhân nào khác? Có thể bệnh nhân có quá nhiều hormone tuyến giáp trong người? Tuyến giáp là một loại thịt-và-máu của bộ hòa khí, kiểm soát và điều chế sự vận hành của cơ thể. Ít hormone tuyến giáp sự vận hành của cơ thể chậm lại; nhiều quá sẽ làm cho cơ thể vận hành tích cực hơn.
Bác sĩ McGhee hỏi hôn phu của bệnh nhân. Cô ta có biểu hiện triệu chứng mê cuồng không? Cô ta có tiền sử mất ngủ, và mất ngủ là một dấu hiệu của tình trạng mê cuồng và quá tải của tuyến giáp. Giấc ngủ của cô ta như thế nào? Cho đến chiều hôm nay, cô ngủ bình thường, anh hôn phu khẳng định. Cô bị trầm cảm, nhưng từ khi dùng Paxil thì không còn chứng này nữa. Anh hôn phu nói thêm, thật ra giấc ngủ của cô cũng không phải là quá tệ so với bình thường. Có một điều khác nữa: sau bữa cơm tối, anh cũng tự mình cảm thấy có gì đó “ngồ ngộ”. Nhưng ngồ ngộ là gì? Anh ta nói là nhịp tim đập nhanh, cảm thấy nôn ói, và bồn chồn. Anh nhấn mạnh dù chính anh cũng có những chứng đó nhưng không phải bệnh như người mắc bệnh, và bây giờ thì anh ta cảm thấy bình thường. “Anh chị ăn gì?” Bác sĩ hỏi. Thức ăn là vài rau sà-lách, rau díp mà họ trồng sau vườn. Có thể nào các triệu chứng này liên hệ đến rau đó? Bác sĩ McGhee lập tức nghĩ ngay đến một ông bệnh nhân gần đây gần chết vì ăn rau có nhiễm hóa chất diệt sâu rầy. Ông bệnh nhân đó cũng hôn mê như bệnh nhân nữ này, nhưng không có vấn đề nhịp tim đập nhanh và cũng không có vấn đề tăng huyết áp.
Vẫn còn quá nhiều bất định. Bác sĩ đề nghị xét nghiệm máu để hi vọng tìm sự hiện diện của nhiễm trùng hay một dấu hiệu bất bình thường trong máu, hay bất bình thường về hormone tuyến giáp. Ông đề nghị xét nghiệm nước tiểu để tìm xem có dấu hiệu ma túy hay thuốc Elavil mà cô từng dùng.
Trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, bệnh nhân càng lúc càng trở nên khích động. Cô liên tục rời giường bệnh, đi đi lại lại trong khu cấp cứu, hỗn độn với bao nhiêu y cụ và thiết bị; rồi cô mang găng tay và đọc biểu đồ y như là cô đang làm việc trong bệnh viện. Có lúc cô tỏ ra có dấu hiệu ảo giác.
Qua một đêm, kết quả xét nghiệm đã xong. Kết quả xét nghiệm máu bình thường. Nồng độ hormone tuyến giáp không mấy cao. Xét nghiệm nước tiểu không cho thấy dấu hiệu ma túy. Thế thì điều gì đã xảy ra?
Đến sáng hôm sau, huyết áp của bệnh nhân giảm xuống ở độ bình thường. Bệnh nhân ít lẫn lộn hơn. Phát biểu của cô cũng rõ ràng hơn. Nhưng cô vẫn chưa bình thường. Có phải đây là một khía cạnh của một căn bệnh nào khác? Có liên hệ gì đến những lần cô bị ngất xỉu trước đây? Hay là đột quị nhỏ? Hay là phổi của bệnh nhân có những khối u làm nghẽn? Nhưng triệu chứng của cô không phù hợp với các tình trạng vừa kể trên. Thực ra, các triệu chứng này chẳng có liên quan gì đến các bệnh nào mà bác sĩ từng biết qua. Bác sĩ McGhee quyết định tham vấn bác sĩ tim mạch và thần kinh. Xét nghiệm bằng MRI để tìm xem có dấu hiệu đột quị hay không và CT scan để tìm xem có dấu hiệu phổi bị nghẽn hay không. Tất cả đều bình thường. Bốn ngày sau, bệnh nhân bình phục, và được xuất viện. Bác sĩ vẫn chưa biết bệnh nhân mắc bệnh gì.
3. Liệu pháp
Ở nhà, bệnh nhân lo lắng về sự việc cô ta vừa trải qua một cơn mất trí. Chiều hôm đó, cô lang thang ngoài vườn để làm cỏ, thì đột nhiên chú ý vào một loại hoa “không được mời” mà có mặt trong vườn rau. Trong số những rau díp xanh và tím mà chen lẫn nhiều loại hoa nhỏ màu vàng và trắng rất đẹp mắt. Cô nhớ ở nhà đâu có ai trồng hoa này. Vậy thì những hoa này từ đâu mà có mặt ở đây? Trước khi chúng ra hoa, có thể các cây này đã bị nhầm lẫn có mặt trong bữa cơm chiều hôm nọ chăng?
Cô nhổ một cây, cho vào bao nylon và đem đến một chuyên gia về cây cỏ gần đó để hỏi ý kiến chuyên gia. Bà chuyên gia về hoa và cây cỏ mới nhìn thấy hoa đã vội la làng: “Đừng đụng vào nó! Đó là cây rất độc hại đó! Nó chỉ là cỏ dại cà đôn” (jimson weed). Bà giải thích cây này còn có tên là “kèn quỉ”. Bà nói thêm: “Hàng trăm năm qua, người ta đã biết đến tác hại của nó làm cho nạn nhân điên loạn.”
Triệu chứng bị phơi nhiễm từ cây này đã từng được biết đến khá lâu, và để giúp sinh viên y dược nhớ, người ta sử dụng một câu vè để nhận dạng chúng: Mad as a hatter, blind as a bat, dry as a bone, red as a beet (điên cuồng như người bán nón, mù lòa như dơi, khô như xương, đỏ như củ dền). Hóa ra, bệnh nhân đã bị phơi nhiễm hoa này và triệu chứng của cô phù hợp với câu vè trên. Độc tố của hoa tác động đến mắt, bởi vì nó làm giản nở con ngươi và làm cho chúng nhậy cảm với ánh sáng. Bệnh nhân cũng đỏ mặt xúc động, theo như lời của anh chồng, dù các triệu chứng này bác sĩ McGhee đã bỏ qua, vì ông nghĩ là giảm ánh sáng để làm cho bạn mình dễ chịu hơn. Ông ghi nhận rằng miệng và da của bệnh nhân khô và tình trạng điên loạn khá rõ ràng, nhưng hai triệu chứng này chưa đủ. Đến khi các bác sĩ khác khám, phần lớn những triệu chứng này không còn nữa.
Bác sĩ muốn tỏ ra mình tử tế với người đồng nghiệp nên giảm ánh sáng của đèn, nhưng tôi [Lisa Sanders, người viết bài này] nghĩ còn một khía cạnh khác nữa. Bác sĩ McGhee không khám thị giác của bệnh nhân — như ông đề nghị xét nghiệm máu và CT scan — vì trong thời đại y khoa công nghệ cao, tôi nghĩ chúng ta không còn tin tưởng vào khám tổng quát là một công cụ quan trọng trong chẩn đoán. Thông thường, chúng ta chỉ đơn giản xem bề ngoài, mà không tưởng tượng những gì chúng ta có thể quan sát, những gì mà máy móc có thể cung cấp cho chúng ta những câu trả lời quan trọng.
Trong trường hợp này, bệnh nhân bình phục nhanh chóng, chẳng cần đến một chẩn đoán của bác sĩ. Bệnh nhân tự mình tìm ra câu trả lời. Mới đây, tôi hỏi cô tại sao cô nghĩ mình bị phơi nhiễm hoa cà đôn mà hôn phu của cô không nghĩ vậy. “Tôi cũng không biết chắc tại sao,” cô trả lời. “Có lẽ tôi ăn nhiều hơn anh ấy. Hay chính là cả cây hoa đó và Paxil là thủ phạm. Thuốc an thần có thể gây ra một tác động tương tự.” Cô hi vọng sẽ công bố kinh nghiệm mà cô vừa trải qua trên một tập san y khoa như là một ca lâm sàng làm bài học của đồng nghiệp và quần chúng.
(*) Nguyễn Văn Tuấn lược dịch từ bài viết “Flower power” của Lisa Sanders, đăng trên tờ New York Time, số ra ngày 21/5/2006. Ghi thêm: Xin lỗi bạn đọc, tôi sửa tựa đề nhạc phẩm “Hoa vàng mấy độ” của Trịnh Công Sơn để làm tựa đề cho bài chuyển ngữ này, cũng chỉ là văn nghệ văn gừng để làm cho chủ đề vốn khô khang thành nhẹ nhàng hơn chút thôi.