Trọng lượng cơ thể và tử vong ở người Trung Quốc:
Ý nghĩa về việc xác định tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì
Nguyễn Văn Tuấn
Body mass index (BMI) là một chỉ số được tính toán dựa vào trọng lượng và chiều cao của một cá nhân (1). Nhiều nghiên cứu dịch tễ học trong thời gian 50 năm qua, phần lớn là ở các nước Tây phương, cho thấy BMI có liên hệ với tỉ lệ tử vong trong bất cứ quần thể nào. Tuy nhiên, mối liên hệ này khá phức tạp, biến chuyển theo hình chữ U hay chữ J. Nói cách khác, những người có BMI thấp và những người có BMI cao có nguy cơ tử vong cao hơn những người có BMI trung bình.
Dựa vào các nghiên cứu này, các giới chức y tế đề nghị sử dụng BMI để chẩn đoán béo phì cho một cá nhân. Theo đề nghị này, bất cứ ai có BMI thấp hơn 18,5 được xem là "thiếu cân"; những ai có BMI từ 18,5 đến 24 là "bình thường"; những ai có BMI từ 25 đến 30 là "quá cân", và những ai có BMI trên 30 là "béo phì" (2).
Nhưng, như nói trên, các nghiên cứu đó thường được tiến hành trong các quần thể người Âu Mĩ, và những tiêu chuẩn trên cũng chỉ áp dụng cho người Âu Mĩ, chứ không thể áp dụng cho người Á châu vì người Á châu nói chung có trọng lượng và chiều cao thấp hơn người Âu Mĩ. Hơn nữa, như tôi đã chỉ ra trong một bài khác, nếu hai người Á châu và Âu Mĩ có cùng BMI, người Á châu sẽ có tỉ lệ chất béo cao hơn người Âu Mĩ (2), và tỉ lệ chất béo mới chính là cái vế sinh học quan trọng. Ở người Á châu, vì thiếu nghiên cứu cho nên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một tiêu chuẩn nhất quán cho việc chẩn đoán béo phì ở người Á châu. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với sự tham gia của hầu hết các nhà nghiên cứu Á châu và Thái Bình Dương họp lại để đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Á châu, nhưng cũng không đi đến một kết luận dứt khoát (3). Lí do chính là vì thiếu một nghiên cứu dịch tễ học qui mô để giải quyết vấn đề.
May thay, một nghiên cứu từ Trung Quốc mới công bố vào giữa tháng 2 năm 2006 (4) đã cho chúng ta một vài dữ liệu tốt để nhìn lại vấn đề. Trước khi tóm lược và bình luận kết quả nghiên cứu này, tôi muốn nói sơ qua về thiết kế của công trình nghiên cứu này. Năm 1991, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến hành một nghiên cứu trong 30 tỉnh thành trên toàn nước. Họ tuyển được 169.871 người (nam và nữ) tuổi từ 40 trở lên. Họ thu thập rất nhiều thông tin căn bản (như trọng lượng, chiều cao) và các yếu tố lâm sàng vào năm 1991. Mười năm sau (1999-2000), các nhà nghiên cứu lại liên lạc những đối tượng này để theo dõi tình hình sức khỏe, kể cả tử vong. Vì một số đối tượng không còn liên lạc được, hay không có đầy đủ dữ kiện, cho nên cuối cùng các nhà nghiên cứu chỉ phân tích trên 154.736 người.
BMI và tỉ lệ tử vong ở người Trung Quốc
Vào năm 1991 (tức lúc khởi đầu nghiên cứu) số liệu của công trình nghiên cứu cho thấy, nếu dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán của Tây phương, có 11,6% đối tượng được xem là thiếu cân, 20,5% là quá cân, và 3,3% là béo phì. Nói cách khác, 65,6% được xem là có trọng lượng "bình thường".
Sau thời gian 8,3 năm theo dõi, kết quả của công trình nghiên cứu có thể tóm lược trong bảng thống kê số 1 sau đây. Một số điểm chính của các dữ liệu này là:
Tính tổng cộng, trong thời gian 1991-2000 có 17.687 đối tượng chết (10.047 nam và 7.640 nữ). Tính trung bình, tỉ lệ tử vong cho cả nhóm là 1,59% mỗi năm. Nhưng tỉ lệ ở nam giới (1,85%) cao hơn nữ giới (1,34%) khoảng 38%.
Tính theo chỉ số BMI, tỉ lệ tử vong cao nhất trong những đối tượng được xem là "thiếu cân" (tức BMI < 18.5), và trong nhóm này tỉ lệ tử vong nhóm nam (2,17%) cao hơn tỉ lệ trong nữ giới (1,65%).
Tỉ lệ tử vong giảm dần theo BMI đến mức thấp nhất ở những người có BMI trong khoảng 24 đến 16,9, và sau đó lại tăng ở những ai có BMI cao hơn 27. Nếu so với tỉ lệ tử vong trong nhóm BMI<18,5, thì tỉ lệ tử vong trong nhóm BMI 24-27 thấp hơn khoảng 48% (nam giới) và 44% (nữ giới).
So sánh giữa hai giới tính, tỉ lệ tử vong ở nam giới cao hơn nữ giới đáng kể (cao hơn 30%) trong các nhóm BMI thấp (từ 18,5 đến 22).
Bảng 1. Tỉ lệ tử vong hàng năm theo từng mức độ BMI ở người Trung Quốc
Nam | Nữ | |||||
Số người tử vong | Năm theo dõi (a) | Tỉ lệ tử vong (b) | Số người tử vong | Năm theo dõi (a) | Tỉ lệ tử vong (b) | |
<18.5 | 2037 | 54565 | 2,168 | 1844 | 67679 | 1,648 |
18.5 – 19.9 | 1751 | 78213 | 1,694 | 1075 | 71081 | 1,234 |
20.0 – 20.9 | 1189 | 66692 | 1,498 | 766 | 57703 | 1,143 |
21.0 – 21.9 | 999 | 66191 | 1,345 | 687 | 60606 | 1,089 |
22.0 – 22.9 | 915 | 61138 | 1,306 | 660 | 59993 | 1,074 |
23.0 – 23.9 | 767 | 53612 | 1,235 | 531 | 53573 | 1,019 |
24.0 – 24.9 | 614 | 46838 | 1,116 | 469 | 49651 | 0,959 |
25.0 – 26.9 | 863 | 65080 | 1,127 | 645 | 69105 | 0,912 |
27.0 – 29.9 | 677 | 39560 | 1,354 | 600 | 55765 | 1,017 |
>30 | 235 | 10945 | 1,423 | 363 | 25154 | 1,271 |
Chú thích: (a) "Năm theo dõi" (person-years) thực ra là một con số khá phức tạp, là tích của số đối tượng theo dõi và thời gian theo dõi. Chẳng hạn như nếu 10 người được theo dõi trong vòng 5 năm thì "Nam theo dõi" là 5x10 = 50 person-years. (b) Tỉ lệ tử vong được tính bằng phần trăm hàng năm, nhưng được chuẩn hóa (standardized) cho toàn dân số Trung Quốc, chứ không phải đơn thuần cho mẩu nghiên cứu.
Một vài nhận xét
Như vậy, qua nghiên cứu qui mô này của Trung Quốc, chúng ta có thêm bằng chứng để khẳng định rằng mối liên hệ giữa BMI và nguy cơ tử vong có mô hình chữ U. Thực ra, mô hình này đã được quan sát từ rất nhiều nghiên cứu trước đây ở người Âu Mĩ. Tỉ lệ tử vong thường rất cao ở những người được xem là "thiếu cân". Một người đàn ông Á châu trung bình có chiều cao khoảng 1,65m mà có BMI 18,5 tức là cân nặng chỉ khoảng 50 kg, một trọng lượng rất thấp. Trọng lượng thấp có thể vì nhiều lí do, nhưng tựu trung lại thì đó chính là một "marker", một "chỉ tiêu" của tình trạng sức khỏe suy đồi nghiêm trọng. Do đó, tỉ lệ tử vong cao trong nhóm BMI < 18,5 không có gì quá ngạc nhiên.
Điều có thể ngạc nhiên chính là BMI lí tưởng. Nếu hiểu lí tưởng là mức độ BMI mà tỉ lệ tử vong thấp nhất, thì theo kết quả nghiên cứu của Trung Quốc, mức độ BMI “tối ưu” là khoảng giữa 24 đến 26.
Kết quả của công trình nghiên cứu Trung Quốc có khác gì so với kết quả bên Mĩ? Tháng 10 năm 1999, Tập san New England Journal of Medicine của Mĩ có công bố một công trình nghiên cứu rất qui mô (với hơn 1 triệu đối tượng) về mối liên hệ giữa BMI và tử vong (5). Qua kết quả phân tích thống kê, các nhà nghiên cho thấy ở người Mĩ da trắng, tỉ lệ tử vong thấp nhất được tìm thấy trong nam và nữ có BMI từ 22,0 đến 24,9.
Một điều thú vị khi so sánh hai công trình nghiên cứu này, đó là tính chung, tỉ lệ tử vong ở người Trung Quốc cao hơn so với người Mĩ, nhưng sự khác biệt chủ yếu chỉ xảy ra trong nhóm BMI dưới 25. Trong nhóm BMI khoảng 25 hay cao hơn, mức độ khác biệt về tỉ lệ tử vong giữa hai nhóm dân không khác nhau đáng kể (Xem Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1. So sánh tỉ lệ tử vong ở người Trung Quốc (tuyến màu đỏ) và Mĩ (tuyến màu xanh) cho nam giới (biểu đồ bên trái) và nữ giới (biểu đồ bên phải). Trục tung là tỉ lệ tử vong tính trên 100.000 dân số, còn trục hoành là mức độ BMI tính bằng kg/m2. |
Mối liên hệ giữa BMI và tỉ lệ tử vong ở người Trung Quốc có ý nghĩa gì đến việc xác định tiêu chuẩn cho chẩn đoán béo phì cho người Việt chúng ta? Như đề cập trên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì cho người Á châu nói chung và người Việt nói riêng, vì thiếu dữ liệu khoa học. Chẩn đoán phải có một cái chuẩn để đánh giá tính đặc hiệu của nó. Nếu chẩn đoán một người nào đó là "béo phì" mà không kèm theo một cái chuẩn lâm sàng để hiểu thì cách chẩn đoán đó hoàn toàn vô nghĩa và vô dụng. Cái chuẩn lâm sàng có ý nghĩa nhất đối với một người là tử vong. Và, công trình nghiên cứu của Trung Quốc đã cho chúng ta một vài dữ liệu sơ khởi để xác định các tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì và mối liên hệ với tử vong.
Trong một bài viết trước (2), tôi có nhận xét sơ khởi rằng "bất cứ đàn ông Việt Nam nào có BMI trên 27 và phụ nữ Việt Nam có BMI trên 25 đều có thể xem là béo phì". Kết quả của công trình nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy trong cả nam và nữ BMI trên 27 được xem là "nguy hiểm" vì tỉ lệ tử vong tăng cao. Như vậy, kết quả này cũng không khác với kết luận trên của tôi, nhất là ở nam giới.
Đối một phụ nữ trung bình cao khoảng 1,65m, một BMI 27 có nghĩa là trọng lượng phải cỡ 65 kg. Theo nghiên cứu của Trung Quốc đó là trọng lượng "lí tưởng" (hiểu theo nghĩa có nguy cơ tử vong thấp nhất), nhưng có lẽ nhiều phụ nữ Á châu không đồng ý. Tôi vẫn nghĩ một BMI từ 24 đến 25 (khoảng 60 kg) cho phụ nữ là lí tưởng.
Tuy nhiên, BMI không phải là chỉ số toàn hảo vì nó không phản ánh chính xác lượng chất béo (fat mass) trong cơ thể. BMI cũng có thể khác biệt giữa các sắc dân. Chẳng hạn như BMI trung bình ở người Trung Quốc (trong nghiên cứu này) là 22,4, còn ở người Việt Nam chỉ khoảng 21,5. Do đó, để có một cái chuẩn chính xác hơn cho chẩn đoán béo phì ở người Việt, chúng ta vẫn cần một nghiên cứu qui mô khác ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(1) BMI được tính bằng cách lấy trọng lượng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m2). Ví dụ như một người cân nặng 65 kg và chiều cao 1,65 m, thì BMI được ước tính như sau: 65 / (1.65 x 1.65) = 23.87. Đơn vị của BMI là kg/m2.
(2) Có thể xem thêm chi tiết trong bài viết "Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Việt" của tôi tại: www.ykhoa.net.
(3) WHO Expert Consultation. Appropriate body-mass index for Asian populations and its implications for policy and intervention strategies. Lancet 2004; 363:157-163.
(4) Gu D, He J, Duan X, et al. Body weight and mortality among men and women in China. JAMA 2006; 295:776-783.
(5) Calle EE, Thun, MJ, et al. Body mass index and mortality in a prospective cohort of US adults. N Engl J Med 1999; 341:1097-1105.
Kết quả công trình nghiên cứu này có thể tóm lược bằng bảng thống kê sau đây:
Nam | Nữ | |||||
Số người tử vong | Năm theo dõi (a) | Tỉ lệ tử vong (b) | Số người tử vong | Năm theo dõi (a) | Tỉ lệ tử vong (b) | |
<18.5 | 93 | 5438 | 1,270 | 680 | 55362 | 0,923 |
18.5-20.4 | 305 | 19847 | 1,133 | 2054 | 314575 | 0,732 |
20.5-21.9 | 734 | 61863 | 1,022 | 3003 | 495542 | 0,671 |
22.0-23.4 | 1523 | 148107 | 0,953 | 3344 | 507570 | 0,653 |
23.5-24.9 | 2085 | 216788 | 0,956 | 3133 | 422903 | 0,673 |
25.0-26.4 | 2250 | 239158 | 1,007 | 2522 | 302692 | 0,727 |
26.5-27.9 | 1738 | 181735 | 1,058 | 2173 | 261253 | 0,755 |
28.0-29.9 | 1338 | 125967 | 1,255 | 1913 | 215245 | 0,873 |
30.0-31.9 | 592 | 56682 | 1,300 | 1225 | 130432 | 0,908 |
32.0-34.9 | 398 | 32878 | 1,619 | 953 | 95505 | 1,083 |
35.0-39.9 | 153 | 11079 | 2,076 | 462 | 48414 | 1,216 |
>40 | 19 | 1315 | 2,065 | 144 | 14372 | 1,399 |
Chú thích: (a) "Năm theo dõi" (person-years) (b) Tỉ lệ tử vong được tính bằng phần trăm hàng năm, nhưng được chuẩn hóa (standardized) cho toàn dân số Mĩ.