Bình luận từ Dr. Yến
Về “social marketing”, em góp lời một tí với bài vừa mới đăng của anh.
Ý tưởng xem "Vệ sinh như là một loại hàng hóa" rất giống khái niệm Social marketing được áp dụng trong health promotion mà trong đó, sức khỏe và hành vi sức khỏe được xem là một dạng hàng hóa cần tiếp thị. Health promotion đã được triển khai thay thế cho các chương trình giáo dục sức khỏe (GDSK) từ 2-3 thập niên nay theo 10 điểm Chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO. Tuy nhiên, ở VN vẫn còn áp dụng GDSK là chính viện lý do là làm health promotion chủ yếu dựa vào thay đổi chính sách, mà điều đó khó áp dụng ở VN (!?). Bằng chứng là trong các trường y, bộ môn GDSK vẫn tồn tại thay vì là BM Nâng cao sức khỏe. Trên thực tế khái niệm này lại được áp dụng khá phổ biến trong quảng cáo của các ngành thương mại như dược phẩm, thỉnh thoảng thấy ở chương trình vận động sử dụng bao cao su và thuốc ngừa thai, và dinh dưỡng. Rất tiếc nó vẫn chưa được các nhà lập chính sách quan tâm như anh đã gợi ý.
Thực ra bộ phận Truyền thông-GDSK của Bộ Y Tế và các ngành trực thuộc đã được học các khái niệm này rất nhiều và đã giảng dạy trong các dự án do người nước ngoài tài trợ, và chỉ dừng ở đó hoặc làm rất nửa vời với lý do thiếu kinh phí (!), không khả thi trong điều kiện VN (!!), đó là điều đáng tiếc. Bao nhiêu dự án, tiền của nước ngoài đổ vào để hỗ trợ VN phát triển vấn đề này nhưng mọi việc vẫn như cũ. Hơn nữa, ngoài Bắc, họ làm dự án để kiếm tiền hơn là để áp dụng thực tế, bằng chứng là có quá nhiều chương trình can thiệp dừng ở dạng pilot rồi thôi. Y tế VN vẫn còn thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn và thực sự vì dân.
Sẵn anh bàn về vệ sinh môi trường, em kể anh nghe chuyện mấy năm trước ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm đó (khoảng cuối năm 1995 hay 1996 gì đó), Thủ tướng có lệnh dẹp tất cả cầu tiêu ao cá, cầu tiêu trên sông và xây dựng các hố xí họp vệ sinh cho dân. Anh biết chuyện gì xảy ra không? Tất cả cầu tiêu trên sông và ao cá bị dẹp đồng loạt nhưng hởi ôi, lúc đó Bộ xây dựng mới đem vật liệu xây dựng xuống để xây cầu. Dân không biết đi tiêu vào đâu nên chỉ biết đi ra đồng, hay gói vào bao nilon và bỏ khắp nơi. Kết quả là năm đó, miền tây bị dịch tiêu chảy và thương hàn hoành hành. Thiệt thương cho dân mình quá.
Em cũng đồng ý là không cần nói nhiều về nhân vật NVD [Nguyễn Văn Dũng] nữa, nhưng cũng nhân dịp này tạo một luồng suy nghĩ và văn hóa phản biện mới trong ngành, và không chừng website ykhoanet sẽ trở nên nổi tiếng (cũng là một dạng tiếp thị xã hội đó). :-).
HY
Bình luận từ tác giả
Thành thật cám ơn Yến. Chỉ đọc qua bài viết mà nắm lấy ngay cái ý chính và có những nhận xét insightful (dịch là gì nhỉ? Sáng suốt?) thì đủ biết Dr Yến phải là rất nhạy bén và thông minh. Vâng, tôi muốn nói đến một khái niệm trong dịch tễ học đã có từ lâu mà sau này giới health promotion (dịch là gì?) lấy làm một một phương tiện phòng bệnh.
Đúng là các công ti dược họ lúc nào cũng đi trước Nhà nước nên họ ứng dụng khái niệm “sức khỏe = hàng hóa” rất hữu hiệu. Tôi có đọc qua những quảng cáo của họ về mấy loại thuốc thông thường dọc đường từ TPHCM về miền Tây, và không thể không thầm khen họ là bậc thầy trong việc ứng dụng khái niệm đó. Họ còn rất giỏi về hiểu biết văn hóa của người Việt nữa, và vận dụng các đặc điểm văn hóa đó một cách nhuần nhuyễn để quảng cáo. Thật ra, chính những biển quảng cáo đó là cảm hứng cho tôi đi đến suy nghĩ khi viết bài “Vệ sinh như là một loại hàng hóa” trong tình hình phòng chống dịch tả hiện nay.
Trong khi các quan chức ta tự hào là ta giỏi, ta hay, thì tôi lại thấy giới trẻ có tiếp cận với thông tin nước ngoài thì thấy ngược lại. Tôi rất buồn khi thấy rất nhiều dự án nghiên cứu ở VN cuối cùng khi được công bố thì lại nằm trong tay của người nước ngoài. Đây là hiện tượng mà tôi gọi là “khoa học nhảy dù”. Chất liệu của mình, mình “đi field”, mà cuối cùng thì tri thức thuộc sở hữu của người khác! Khi được họ cho tên mình vào danh sách tác giả dài thòng thì tưởng là mình giỏi, mình hay! Ôi, ngây thơ!
Bàn về vấn đề dự án, có một bạn đọc (tạm gọi là Dr HP) viết cho tôi sau khi đọc bài đó như sau:
“Dịch tễ học VN mình hiện tại thì Thầy chưa biết nhiều đâu. "tầm cỡ như E" thì cũng thuộc loại ngon rồi. Thế mới khổ chứ. Các GS, PGS, TS, chuyên gia, đầu ngành về dịch tễ có chú ý gì đến những thông tin đó đâu mà biết, NHƯNG nếu Thầy nói có dự án khoảng vài trăm ngàn hay tiền triệu đô thì tất cả thông tin liên quan họ nắm chắc lắm và viết dự án cũng rất hay nhưng sau đó mà làm thì "chó chê mèo mửa".”
Tôi muốn lấy đó làm kết luận cho bình luận này.
Một lần nữa, tôi xin cám ơn Dr Yến và Dr HP. Tôi cũng chân thành cám ơn Bs Lê Duy Hùng, Bs Nguyễn Hoàng Quân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, và nhiều bạn khắp nơi (có cả mấy “bạn già” của tôi nữa) đã viết thư khuyến khích, ủng hộ, và chia sẻ suy nghĩ qua vụ “cơn gió trong tách trà” với ông Nguyễn Văn Dũng. Tôi có nhờ Bs Phan Xuân Trung đăng bài “Văn hóa tranh luận” của Bàn Tân Định viết cách đây cũng khá lâu để như là một bài tham khảo về qui ước bàn thảo khoa học.
NVT