Hướng đi nào để giải quyết vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam
Nguyễn Văn Tuấn
(Bài này đã trên Tạp chí Hoạt động Khoa học, số tháng 3/2007)
Phát biểu trên báo chí gần đây, một phụ tá của một thượng nghị sĩ Mĩ cho biết Chính phủ Mĩ đã nhận thức được hậu quả của chất độc da cam ở Việt Nam, và sẽ cùng làm việc với Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề cho thỏa đáng cả đôi bên. Lời tuyên bố của ông phụ tá thượng nghị sĩ có lẽ là một tín hiệu có thiện chí từ Mĩ nhằm tiến đến một bước cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Nhưng câu hỏi đặt ra là giải quyết như thế nào và bồi thường cho ai. Theo tôi, khi nói đến “bồi thường”, chúng ta cần xác định rõ rằng bồi thường không có nghĩa đơn giản là cung cấp tiền bạc cho nạn nhân (như Bộ cựu chiến binh ở Mĩ đang làm đối với các cựu chiến binh được công nhận là bị phơi nhiễm độc chất) mà còn phải bao gồm nhiều hình thức cộng đồng khác nữa. Ở đây, tôi xin đề nghị một vài định hướng chung và phương tiện tiếp cận vấn đề mà tôi đã phát biểu trong một trả lời phỏng vấn cho Tạp chí Science (một tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới) sắp phát hành nay mai.
Kinh nghiệm từ Thế chiến thứ II và cuộc chiến ở Nam Tư vừa qua, vấn đề này có thể được tiếp cận bằng ba “hành lang công lí” cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam: Tòa án công lí quốc tế (International Court of Justice, ICJ), các tòa án trong nước (Việt Nam), và một quĩ tài trợ quốc tế. Vì lí do chính trị và công pháp quốc tế, hai phương tiện đầu (ICJ và toà án trong nước) không thực tế và khó mà ứng dụng cho trường hợp Việt Nam. Do đó, trong ba cách tiếp cận này, chỉ có hành lang sau cùng là thực tế nhất: đó là thiết lập một quĩ tài trợ quốc tế cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Có thể Quĩ này sẽ do các nước trên thế giới từng tham chiến ở Việt Nam, kể cả có lẽ phần lớn từ Mĩ, đóng góp. Quĩ nên được một hội đồng quốc tế đứng ra quản lí và điều hành dựa vào những tiêu chí nghiêm chỉnh mà mọi bên đều nhất trí. Thông qua quĩ này, có thể làm một số việc thực tế như sau:
Thứ nhất, giúp đỡ cho những nạn nhân bị nhiễm độc chất và bị những bệnh được công nhận là do độc chất da cam hay dioxin gây ra. Viện Y khoa Mĩ đã chính thức công nhận chất độc da cam hay dioxin là nguyên nhân gây ra một số bệnh như ung thư tế bào mềm, ung thư máu dạng Non-Hodgkin và Hodgkin, ung thư tuyến tiền liệt, ban clor, chứng nứt đốt sống, v.v… Chính vì thế mà vào năm 1984, các công ti hóa học [có liên quan đến việc sản xuất và cung cấp độc chất da cam cho quân đội Mĩ] đồng ý bồi thường cho các cựu quân nhân Mĩ một số tiền khoảng 180 triệu Mĩ kim. Ở Việt Nam, hình thức bồi thường có thể bao gồm việc điều trị những bệnh được công nhận là do phơi nhiễm độc chất gây ra, tạo công ăn việc làm cho những cư dân trong các vùng bị nhiễm, lập bệnh xá và trường học để nâng cao đời sống vật chất và trình độ văn hóa cho nạn nhân và cư dân tại những nơi bị nhiễm độc chất.
Thứ hai, quĩ nên bỏ ra một số ngân khoản để làm sạch môi trường tại những nơi bị nhiễm nặng như Biên Hòa, A Lưới, A Sao, v.v... Thời gian bán hủy của dioxin là khoảng 10 năm. Nói tóm lại sau 10 năm, 50% nồng lượng dioxin vẫn còn tồn tại trong con người, và nếu không tồn tại trong con người thì tồn tại trong môi trường. Do đó, tác hại của dioxin rất lâu dài. Xin dẫn một ví dụ. Năm 1976, ở Ý sau vụ tai nạn kĩ nghệ xảy ra tại nhà máy gần thị trấn Seveso làm thải ra môi trường chung quanh khoảng 30 kg dioxin. Ấy thế mà cho đến nay, tức gần 30 năm sau tai nạn đó và sau 30 năm làm sạch môi trường, các nhà nghiên cứu Ý vẫn phát hiện tác hại của dioxin trong sức khỏe người dân. Ở Việt Nam hiện nay, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy tại các địa điểm này, nồng độ dioxin rất cao, có khi cao hơn 130 lần nồng độ an toàn cho phép, vì chất độc đã lắng đọng xuống lòng đất, nhất là các nơi bùn lầy. Do đó, nhu cầu làm sạch môi trường tại những nơi này phải được xem là một ưu tiên hàng đầu.
Thứ ba, quĩ tài trợ nên hỗ trợ và giúp đỡ thành lập một viện nghiên cứu quốc tế về chất độc da cam và dioxin. Viện sẽ qui tụ nhiều chuyên gia trên thế giới về hóa học, y học, môi trường học và dịch tễ học để tiến hành những nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu lâm sàng xác định cơ chế tác hại của dioxin và chất độc da cam trên con người và môi trường. Viện cũng có thể phục vụ như là một trung tâm đào tạo các nhà khoa học tương lai chuyên về môi trường học và y tế - môi trường học. Đây là một việc làm mang ý nghĩa quốc tế vì nó sẽ cung cấp thông tin khoa học quí báu vào kho tàng tri thức của con người về tác hại của dioxin.
Thứ tư, ngay bây giờ chính phủ Mĩ và các công ti hóa học Mĩ có thể tài trợ để Việt Nam có thể tiến hành thu thập dữ kiện khoa học về tác hại của chất độc da cam tại Việt Nam. Nghiên cứu này nhắm vào mục tiêu phát triển cho được một phương pháp để ước định mức độ phơi nhiễm độc chất cho từng cá nhân trong những vùng từng bị ảnh hưởng độc chất; thiết lập mối liên hệ giữa mức độ phơi nhiễm độc chất da cam và các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường, và tỉ lệ giới tính; và thẩm định tác hại của dioxin hay độc chất da cam đối với cấu trúc di truyền (gen) trong các nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba. Trong suốt gần 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, trên các diễn đàn khoa học quốc tế số lượng bài báo khoa học liên quan đến độc chất da cam từ Việt Nam còn cực kì khiêm tốn (chưa đến con số 10). Phần lớn những nghiên cứu này chỉ ở dạng mô tả, chưa đi sâu vào vấn đề. Do đó, đây là một nhu cầu cấp bách, bởi vì dù qui mô lớn như thế nhưng tác hại của độc chất da cam và dioxin trong đồng bào Việt Nam từng bị phơi nhiễm độc chất trong thời chiến cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Cuộc chiến Việt Nam (dùng theo cách nói của người Mĩ, Vietnam war) kéo dài 14 năm trời từ 1961 đến 1975. Trong thời gian đó, ngoài số lượng vũ khí và đạn dược khổng lồ, quân đội Mĩ còn phun xuống môi trường Việt Nam đến 77 triệu lít hóa chất (trong số đó trong đó 64% là chất độc màu da cam) trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971. Có thể nhìn hệ quả của chất độc da cam ở Việt Nam như là một vết thương chiến tranh mà cuộc chiến, dù đã chấm dứt từ 30 năm trước đây, để lại. Ngày nay người nước ngoài đến Việt Nam chắc sẽ không thấy vết thương đó, mà họ chỉ nhìn thấy một nước Việt Nam đang trên đường phát triển kinh tế nhanh chóng. Nhưng trên thực tế thì Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và những cư dân sống trong các vùng từng bị ảnh hưởng chất độc da cam trong thời chiến tranh là những người còn nghèo hơn cả những người nghèo. Họ cần được giúp đỡ.
Dù có nhiều mâu thuẫn trong cách hành xử quốc tế, nước Mĩ là một quốc gia hào hiệp và sòng phẳng. Khả năng mà Mĩ có ảnh hưởng tích cực đến thế giới tùy thuộc vào uy tín đạo đức của Mĩ. Nước Đức thời hậu chiến ghi nhận trách nhiệm của Đức trong thế chiến thứ II, không chỉ vì nạn nhân của chiến tranh, mà còn vì tương lai nước Đức. Người Đức hiểu rằng một quốc gia không dám nhìn nhận cái sai trái của mình trước con em mình và trước thế giới thì không thể nào khôi phục đạo đức được. Mĩ là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng dân chủ và sự thật, và không có lí do gì ngăn cản Mĩ nhận lãnh trách nhiệm về sai lầm và những hệ quả nghiêm trọng của chất độc da cam ở Việt Nam.