Vắcxin phòng ngừa bệnh tả: rất cần thiết
Ngày 26/11, theo Tuổi Trẻ, “Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga hôm qua 25-11 cho hay cơ quan này đang đề xuất Bộ Y tế tìm nguồn kinh phí cho người dân vùng vừa chịu ảnh hưởng của lũ ở miền Trung, trước hết là ở ba tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng uống văcxin phòng bệnh tả.”
Diễn tiến mới nhất này có phần khác với quan điểm trước đây. Chẳng hạn như 10/11, dưới tiêu đề “Dịch tả: Đừng nhầm tưởng dùng vắc xin là sẽ an toàn!”, phóng viên cho biết “Trao đổi với báo chí chiều 9/11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chưa đặt ra vấn đề phổ biến vaccin phòng dịch tả đối với các vùng có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ngoài lý do dùng vaccin khi đã có dịch là muộn, còn phải tính đến việc đầu tư kinh phí mua vaccin, tổ chức cán bộ triển khai ...”
Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh sự thay đổi quan điểm của Cục Y tế dự phòng và xem đó là một việc làm có cơ sở khoa học và hợp lí. Tưởng cần nhắc lại rằng ngay từ đầu tháng đến giữa tháng 11, chúng tôi đã liên tục lí giải rằng rất cần sử dụng vắcxin phòng chống bệnh tả cho các đối tượng đang có nguy cơ mắc bệnh cao ở miền Trung do hệ quả của lũ lụt [1].
Ở đây, chúng tôi muốn bàn về hiệu quả của vắc-xin vốn là một đề tài đã gây ra vài hiểu lầm trên mặt báo gần đây. Ngày 27/11, dưới tiêu đề “Uống vắc-xin ngừa bệnh tả”, Phó giáo sư Tiến sĩ Đoàn Thị Thủy (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết “Tôi muốn giải thích thêm, khi nói hiệu quả bảo vệ của vắc-xin là 66% không chỉ có ý nghĩa 66% số người uống được bảo vệ không mắc bệnh mà số người còn lại nếu bị nhiễm thì mức độ bệnh trên lâm sàng sẽ ít trầm trọng hơn. Lý do là tỷ lệ số người được uống có đáp ứng miễn dịch là cao hơn nhiều (có thể là trên 90%).”
Thật ra, con số 66% không có nghĩa là 66% người uống vắcxin không mắc bệnh tả. Để hiểu con số này, chúng ta cần phải hiểu qua khái nhiệm nguy cơ (risk). Nguy cơ là xác suất mắc bệnh trong một thời gian. Trong nghiên cứu của giáo sư Đặng Đức Trạch và đồng nghiệp (Lancet 1997), trong số 51975 người uống vắcxin, sau 8-10 tháng theo dõi, có 25 ca (tức nguy cơ 0,048%) mắc bệnh tả. Trong số 67058 người không uống vắcxin có 92 người (tức 0,137%) mắc bệnh tả. Do đó, nguy cơ mắc bệnh tả trong nhóm uống vắcxin thấp hơn nhóm không uống vắcxin là 66% (tức 1 – 0,048 / 0,137 = 0,66).
Kết quả trên cũng có nghĩa là cứ 1123 người uống vắcxin, chúng ta có thể ngăn ngừa đước 1 ca bệnh tả. Tất nhiên, nếu chúng ta tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao (chẳng hạn như 1%) thì trong số 294 người uống vắcxin, chúng ta ngăn ngừa được 1 ca bệnh tả.
Nên nhớ rằng 1 ca bệnh tả tốn chỉ riêng tiền viện phí là 4 triệu đồng, nhưng tiền vắcxin cho 294 người tốn 3,8 triệu Đồng. Do đó, vấn đề đặt ra là tìm các đối tượng có nguy cơ cao để phòng ngừa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn là cho uống đại trà. Có thể sử dụng thông tin từ y văn để nhận ra những đối tượng có nguy cơ cao. Nhưng đây là chuyên môn của các nhà dịch tễ học và họ cần thông tin khoa học chính xác.
Nói tóm lại, chúng tôi hoan nghênh chủ trương triển khai vắcxin ở cư dân miền Trung, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Chúng tôi chỉ tiếc là đáng lẽ chương trình này nên triển khai sớm hơn. Tuy nhiên, phòng bệnh thì không bao giờ muộn.
Chú thích:
[1] Ngày 8/11, tác giả Nguyễn Văn Tuấn viết trên Tuổi Trẻ rằng: “Đối với những vùng phía Nam hay miền Trung chưa mắc bệnh, phương châm của y tế công cộng vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hiện nay các tỉnh miền Trung đang ở trong tình trạng lũ lụt, và kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy lũ lụt có thể làm cho bệnh tả lan truyền nhanh hơn, nên có thể nói rằng các tỉnh miền Trung và phía Nam đang chịu sức ép của nguy cơ lan truyền bệnh tả. Đối với các tỉnh này, có lẽ chiến lược phòng ngừa thực tế nhất là tiêm chủng ngừa những người có nguy cơ mắc bệnh cao. […]
Tiêm chủng đại trà ở các vùng có nguy cơ cao (như miền Trung) có hiệu quả kinh tế hay không? Câu trả lời ngắn gọn là "có”. Năm 1998, một nghiên cứu tiêm chủng từ VN cho thấy chi phí tiêm hai liều văcxin cho 118.555 người là 105.447 USD. Như vậy tính trung bình chi phí tiêm chủng cho một người là khoảng 0,9 USD. So với số trường hợp bệnh tả được ngăn ngừa và chi phí bệnh viện nếu mắc bệnh thì một chiến dịch tiêm chủng như thế vừa rất có hiệu quả kinh tế và y tế, vừa an toàn.”
Ngày 13/11 và Ngày 19/11, tác giả Nguyễn Văn Tuấn phân tích lợi ích kinh tế và kết luận: “Tóm lại, các lí giải và phân tích trên đây cho thấy nếu tỉ lệ phát sinh bệnh cao và chi phí vắcxin thấp thì một chiến dịch phòng bệnh tả bằng vắcxin ở vùng có nguy cơ cao như miền Trung có thể đem lại hiệu quả lâm sàng và kinh tế. Trong thời gian qua, có khá nhiều (hay quá nhiều) phát biểu từ các quan chức và chuyên gia y tế, do thiếu bằng chứng khoa học và thiếu phân tích, nên dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc về hiệu quả của vắcxin.”