Bình luận:
Mắm tôm vô tội!
Ykhoanet
Hôm nay, mắm tôm đã được chính thức “minh oan”. Dù muộn màn, nhưng có còn hơn không. Minh oan cho mắm tôm cũng có nghĩa là thừa nhận sai lầm trong thời gian qua, khi mà các quan chức y tế khăng khăng “kết tội” mắm tôm. Minh oan cho mắm tôm cũng có nghĩa là ykhoanet đã đúng khi chúng tôi là những người đầu tiên và có lẽ là duy nhất khẳng định mắm tôm “vô tội” trong vụ bộc phát bệnh tả vào năm ngoái.
Xin nhắc lại vài hàng “lịch sử”: ngày 23/10/2007 bệnh tả bộc phát ở phía Bắc, và chỉ một tuần sau các quan chức y tế tuyên bố rằng mắm tôm là thủ phạm của vụ bộc phát bệnh. Lúc đó, chẳng ai dám đứng ra biện minh cho mắm tôm. Báo chí hồ hởi đưa tin hàm ý nói mắm tôm là đích thực là thủ phạm gây bệnh tả. Họ còn đưa ra những hình ảnh nhằm răn đe dân nghiền mắm tôm. Chỉ vài ngày sau đó, Bộ Y tế phát lệnh cấm sản xuất và phân phối mắm tôm.
Nhưng điểm qua y văn, chúng tôi đã mạnh dạn lên tiếng minh oan cho mắm tôm. Chúng tôi đã viết một loạt bài trên các báo và ykhoanet.com để trình bày bằng chứng khoa học cho thấy mắm tôm không thể là thủ phạm. Bài đầu tiên là mang tính “xét lại bằng chứng” cho thấy “mắm tôm không phải là môi trường để vi khuẩn tả phát triển và phát huy độc lực.” Kế đến là hàng loạt bài viết khác mang tính dịch tễ học như “Năm lí do cho mắm tôm ‘vô tội’”, phân biệt nguyên nhân với yếu tố nguy cơ, và thậm chí dùng đến xác suất để chứng minh mắm tôm vô tội qua bài “Kiểm định giả thuyết mắm tôm và vi khuẩn tả”.
Tiếp theo sau các bài viết của chúng tôi là hàng loạt xét nghiệm trên hàng trăm mẫu mắm tôm hoàn toàn chẳng phát hiện vi khuẩn tả trong mắm tôm. Ấy thế mà các quan chức y tế vẫn cấm mắm tôm!
Nhưng đến hôm qua, người ta mới chính thức minh oan cho mắm tôm. Có muộn quá không, khi mà nhiều doanh nghiệp lao đao vì cái lệnh cấm vô căn cứ khoa học kia? Chúng tôi vẫn nghĩ Bộ Y tế nợ người dân và doanh nghiệp một lời xin lỗi. Các bạn có thể đọc bài “Mắm tôm và chuyện xin lỗi” trên Tuổi Trẻ để biết xin lỗi không có gì quá đáng lắm đâu.
Nhưng câu chuyện đâu chấm dứt ở đó. Theo như phóng viên tường trình thì tại hội nghị về thực phẩm vừa diễn ra ở Hà Nội tuần vừa qua, ông Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) Trần Đáng vẫn cho rằng mắm tôm là thủ phạm của sự bộc phát bệnh tả trong năm qua. Ông nói:
“Muốn xác định một loại thực phẩm nào gây bệnh thì phải thực hiện theo quy chế điều tra rõ ràng. Nếu thức ăn có tỷ lệ tấn công (gây bệnh – PV) cao ở những người ăn thức ăn đó và tỷ lệ tấn công thấp ở những người không ăn thức ăn đó, thì nó gọi là thức ăn nguyên nhân.
Trong dịch tiêu chảy cấp lần đầu tiên, chúng tôi cho tiến hành điều tra tổng thức ăn của 61 bệnh nhân đã xác định chắc chắn là mắc bệnh tả. Chúng tôi điều tra ngược 5 ngày và xác định tổng số thức ăn 61 bệnh nhân đã dùng là 742, trong đó, 100% bệnh nhân đều sử dụng mắm tôm.”
Chúng tôi thấy ông Cục trưởng mâu thuẫn và phạm phải 2 sai lầm trong phát biểu trên:
Sai lầm thứ nhất và cũng là mâu thuẫn: nghiên cứu của ông thiếu nhóm chứng. Trong phần đầu ông nói (và chúng tôi đồng ý) là cần phải có nghiên cứu khoa học so sánh tỉ lệ bệnh tả giữa hai nhóm (nhóm ăn mắm tôm và nhóm không ăn mắm tôm) mới biết được ảnh hưởng của mắm tôm. Nhưng ông không thực hành những gì ông nói! Điển hình là câu thứ hai ông nghiên cứu chỉ có 1 nhóm bệnh nhân, mà không có nhóm chứng (control)! Nếu 61/61 người mắc bệnh nói rằng họ từng ăn mắm tôm, chúng ta có thể nói rằng mắm tôm là nguyên nhân của bệnh tả không? Câu trả lời là: không. (Vì như thế chúng ta vẫn có thể nói ăn cơm cũng là nguyên nhân vì chắc chắn 61 người đều từng ăn cơm trong 5 ngày trước khi mắc bệnh!) Vấn đề và cũng là sai lầm trong nghiên cứu của ông là không có nhóm chứng (tức nhóm không mắc bệnh). Đây là một sai lầm rất cơ bản trong nghiên cứu dịch tễ học.
Sai lầm thứ hai là ông hiểu sai giữa yếu tố nguy cơ và nguyên nhân. Nếu tỉ lệ phát sinh bệnh trong nhóm ăn mắm tôm cao hơn nhóm không ăn mắm tôm thì điều đó có nghĩa là mắm tôm là một yếu tố nguy cơ, chứ không phải nguyên nhân. Chúng tôi e rằng suy nghĩ của ông Cục trưởng quá đơn giản, vì xác định nguyên nhân trong nghiên cứu lâm sàng rất khó. Nếu nghiên cứu dịch tễ học, xác định nguyên nhân càng khó hơn. Xin nhắc lại, một yếu tố nguy cơ là nguyên nhân chỉ khi nào yếu tố đó hội đủ 4 điều kiện sau đây (ở đây chúng tôi lấy ví dụ vi khuẩn để dễ hiểu):
* thứ nhất, vi khuẩn đó phải tồn tại ở số lượng lớn trong tất cả bệnh nhân, nhưng không tồn tại trong những người không mắc bệnh;
* thứ hai, vi khuẩn đó phải được tách ra từ cơ thể bệnh nhân và có thể nuôi dưỡng trong môi trường thí nghiệm (mẻ cấy vi khuẩn);
* thứ ba, khi vi khuẩn nuôi trong môi trường thí nghiệm cấy vào con người bình thường sẽ làm cho người đó mắc bệnh; và
* thứ tư, khi vi khuẩn cấy vào người và gây bệnh được tách ra phải chính là vi khuẩn được tác ra ở bước 2 (tức là khi cấy vào con người ở bước ba vi khuẩn không đột biến thay đổi).
Qua “vụ mắm tôm” vừa trình bày, chúng tôi chỉ muốn nói rằng vạch định chính sách mà không dựa vào bằng chứng khoa học rất ư là nguy hiểm vì có thể gây tác hại cho nhiều người dân.
Ykhoanet
http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx? Chủ Nhật, 13/04/2008, 22:41 Mắm tôm chính thức được 'minh oan' Kết quả xét nghiệm 194 mẫu mắm tôm tại Thanh Hoá, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam... tất cả đều âm tính với phẩy khuẩn tả V. Cholerae. Tuy vậy, 100% mẫu mắm tôm lại có vi khuẩn đường ruột vượt quá quy định, gồm: Coliorm; Cl.perfringens và Candida albicans. Đến lúc này, ngành y tế đã "minh oan" cho mắm tôm chính thức không phải là thủ phạm chính gây tả qua 3 vụ dịch từ cuối năm 2007 đến nay như lúc đầu lầm tưởng. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn tiếp tục cảnh báo người dân, những người trực tiếp sản xuất, chế biến mắm tôm cần phải rà soát, chấn chỉnh lại quy trình sản xuất thiếu an toàn, và thói quen ăn sống sản phẩm mắm tôm, vì nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây ra bệnh tiêu chảy. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: Dự báo tình hình dịch tả có nguy cơ lan rộng, vi khuẩn tả xuất hiện hầu hết tại các khu vực có dịch, môi trường nước bề mặt, thực phẩm, đặc biệt có tới 16,9% người số người lành mang vi khuẩn tả. Đây chính là nguồn mầm bệnh reo rắc rất nhanh trong cộng đồng vi khuẩn tả theo" bước chân" người khoẻ, cùng với nguồn nước bề mặt... Từ chỗ khu trú tại miền Bắc, khuẩn tả đã có mặt tại Quảng Bình (ngày 2/4) và thành phố Hồ Chí Minh (6/4). Đến nay, cả nước đã có 1335 người bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 136 ca dương tính với phẩy khuẩn tả tại 18 tỉnh, thành phố. Đến nay, ngành y tế đã xử lý 192 ổ dịch tại 62 quận, huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố; 4.000 hộ đã được phun diệt trùng với hàng chục tấn cloramin B; 30.000 người nằm trong vùng có nguy cơ cao, và liên quan trực tiếp hoặc ăn chung thức ăn với bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được uống thuốc dự phòng CiproFloxacin và Azithomycine. Bộ Y tế cùng các địa phương tiếp tục quyết liệt thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường truyên truyền và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện thuốc men, vật tư hoá chất để chống dịch gồm 60 tấn cloramin B bột và 5.000.00 viên cloramin, Oresol 550.000 gói, 7.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn. Ngành y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn cho không dịch lây lan, và giảm thấp nhất số người mắc và địa phương bị ảnh hưởng của dịch. http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx? Thứ Bảy, 12/04/2008, 11:30 Mắm tôm có phải là thủ phạm gây tiêu chảy cấp? TP - Tại hội nghị về thực phẩm vừa diễn ra ở Hà Nội có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng mắm tôm không phải là thủ phạm chính gây tiêu chảy cấp. “Các mẫu xét nghiệm của Bộ NN&PTNT chưa phát hiện phẩy khuẩn tả trong mắm tôm. Theo quan điểm của Bộ NN&PTNT, mắm tôm là một trong những thủ phạm gây ra tiêu chảy cấp, nhưng không phải thủ phạm chính” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nói. Ông khẳng định: “Bản thân mắm tôm có độ mặn rất cao, nên không thể có vi khuẩn”. PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng đồng tình với quan điểm vi khuẩn tả không thể sống được trong môi trường quá mặn. “Trong tổng số 148 mẫu mắm tôm được lấy, tất cả đều âm tính với vi khuẩn tả V.cholerae”, tức là không tìm thấy phẩy khuẩn tả trong mắm tôm. Tuy nhiên, PGS.TS Hiển cho biết, 100% mẫu mắm tôm có vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí, khả năng gây nhiễm khuẩn rất cao. Đuối lý? Tuy nhiên, tại hội nghị nêu trên, PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, tiếp tục bảo vệ quan điểm cho rằng mắm tôm là thủ phạm chính. “Muốn xác định một loại thực phẩm nào gây bệnh thì phải thực hiện theo quy chế điều tra rõ ràng. Nếu thức ăn có tỷ lệ tấn công (gây bệnh – PV) cao ở những người ăn thức ăn đó và tỷ lệ tấn công thấp ở những người không ăn thức ăn đó, thì nó gọi là thức ăn nguyên nhân”, TS Trần Đáng nói. “Trong dịch tiêu chảy cấp lần đầu tiên, chúng tôi cho tiến hành điều tra tổng thức ăn của 61 bệnh nhân đã xác định chắc chắn là mắc bệnh tả. Chúng tôi điều tra ngược 5 ngày và xác định tổng số thức ăn 61 bệnh nhân đã dùng là 742, trong đó, 100% bệnh nhân đều sử dụng mắm tôm”. Tuy nhiên, ông Đáng cũng nhận định, cùng ăn mắm tôm nhưng có tình trạng người mắc, người không. “Mắc bệnh hay không còn phụ thuộc vào thể trạng từng người”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương lại có cách lý giải khác với lý lẽ của Cục trưởng Cục ATVSTP. “Chúng ta cũng không thể khẳng định ăn mắm tôm không bị tiêu chảy cấp. Một là, lúc ăn mắm tôm, người ta thường pha loãng ra. Cái nước pha loãng đó có thể đưa vi khuẩn tả vào. Hai là, trong quá trình ăn mắm tôm, với thịt chó hay với món gì đó, mọi người thường ăn rau sống kèm theo, chứ không ăn mắm tôm không bao giờ”, ông Lương Lê Phương nói. Về việc pha loãng mắm tôm, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cũng phải công nhận: “Xét nghiệm các mẫu mắm tôm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cho thấy, nồng độ muối của mắm tôm tại nơi sản xuất là trên 25%, nhưng tại nơi tiêu thụ chỉ từ 18 – 23 %”. Dân thiệt, ai chịu trách nhiệm! Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, Viện Vệ sinh Dịch tễ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề mắm tôm trong dịch tiêu chảy cấp. “Điều chúng tôi quan tâm là làm sao để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho xã hội, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, tất nhiên cả của người sản xuất”. Trong hội nghị giao ban bất thường của Bộ Y tế vào chiều tối 9/4 tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã thực hiện việc cấm bán mắm tôm và rau sống. Sắp tới, thậm chí Sở Y tế Hải Phòng sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cùng một số bộ ngành khác cần sớm ngồi lại với nhau, trả lời dứt khoát câu chuyện mắm tôm và đưa ra phán quyết cuối cùng, tránh tình trạng nhiều địa phương băn khoăn không biết xử lý thế nào với mắm tôm trong khi một số địa phương khác thẳng tay cấm bán mắm tôm như TP Hải Phòng. Một quan chức y tế dự phòng cho biết, xác định sai đối tượng, sẽ chỉ định sai hướng chống dịch. Tại Thanh Hóa, cho dù vẫn không tìm thấy phẩy khuẩn tả trong mắm tôm, tỉnh này vẫn tiếp tục thấy xuất hiện các ca tiêu chảy cấp mới. Theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 10/4, bảy huyện trong tỉnh có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. Trong tổng số 73 bệnh nhân, 28 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn &Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nói: “Bộ Y tế phải nói chính xác thủ phạm gây tiêu chảy cấp là thủ phạm nào nếu đấy không phải là mắm tôm. Còn nếu xác định sai thủ phạm, về nguyên tắc phải bồi thường cho nhà sản xuất. Tiếc là chúng ta chưa có luật đề cập đến vấn đề bồi thường này”. Nhưng dù chưa có căn cứ luật để bồi thường, một người tiêu dùng ở Hà Nội cho rằng vẫn cần truy cứu trách nhiệm cá nhân một khi sự việc được làm sáng tỏ. “Nói sai chẳng những gây thiệt hại cho nhà sản xuất, gây hoang mang không đáng có cho người tiêu dùng, mà còn làm lạc hướng công tác phòng chống dịch”.
Nhóm phóng viên y tế
|