Viết văn có thể chữa nhiều loại bệnh
Nguyễn Văn Tuấn
Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng một trong những đề tài phong phú cho văn học là nỗi đau khổ của con người, nhưng lại là đề tài ít được giới cầm bút khai thác. Nói “đau khổ” ở đây, tôi không có ý đề cập đến những nỗi đau trừu tượng, triết lí, kiểu như “thân phận lạc loài”, cô đơn, hoài niệm, bâng khuâng, v.v... mà là sự đau khổ của thân xác do bệnh tật gây nên. Đó là những nỗi đau gần gũi nhất với một cá nhân, là cái mà cá nhân con người có thể cảm được, kinh nghiệm qua được. Ấy thế mà kiểm lại số lượng tác phẩm và tác giả viết về đề tài này trong nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy sự có mặt của thể loại văn học này cực kì khiêm tốn. Ngoại trừ trường hợp của Hàn Mặc Tử (hay ở một khía cạnh nào đó, Nguyễn Đình Chiểu), hầu như không mấy ai phơi bày và gửi gắm nỗi đau khổ của thân xác và bệnh tật trên trang giấy
Có ý kiến cho rằng so với các dân tộc Tây phương, người Việt không có thói quen viết hồi kí, và điều này có thể là một yếu tố đưa đến tình trạng nghèo nàn của nền văn học Việt Nam. Dùng cách nói này, có lẽ chúng ta cũng có lí do để cho rằng sự có mặt khiêm tốn của “văn học đau khổ” có thể là một trong những yếu tố làm cho văn học Việt Nam thiếu tính phong phú.
Trong cuốn Illness narrative – Kể chuyện bệnh tật, tác giả Arthur Kleinman nhận xét rằng trong khoa học và y học lâm sàng, không có một chỗ nào để mô tả sự đau đớn, và cũng không có một phương cách nào để ghi chép cái khía cạnh rất nhân tính này của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Những thước đo dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống, triệu chứng, hay mức độ bệnh tật đều thất bại một cách thê thảm, bởi vì những chỉ số lâm sàng này không bao giờ phản ảnh được những sự chịu đựng mang tính chất rất riêng tư và rất nội tâm của người bị bệnh. Làm giảm áp suất máu 5 hay 10 mmHg có thể xem là một thành công trên mặt lâm sàng, nhưng có chắc bệnh nhân có cảm nhận “thành công” đó hay không? Kéo dài cuộc sống của một bệnh nhân được 6 tháng đang trong tình trạng cuối cùng của căn bệnh có thể là một chiến thắng của y học, nhưng chưa hẳn là chiến thắng của người bệnh vì 6 tháng đó có thể là 6 tháng sống đoạ đày trong đau đớn cùng cực.
Trong số báo ra ngày 14 tháng Tư năm 1999, Tập san Hiệp hội Y khoa Mĩ (Journal of the American Medical Association) công bố kết quả thử nghiệm về tác dụng của viết văn đến các triệu chứng liên quan đến bệnh suyễn và viêm khớp xương [1]. Trong cuộc nghiên cứu hi hữu này, các nhà nghiên cứu yêu cầu bệnh nhân viết văn khoảng 20 phút mỗi ngày, trong ba ngày liên tiếp mỗi tuần. Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm: trong nhóm một, đề tài viết là những kinh nghiệm của bệnh nhân trong việc đấu tranh chống trả với bệnh tật, hay những câu chuyện mà bệnh nhân cho là căng thẳng trong cuộc sống của họ; trong nhóm hai, các nhà nghiên cứu chỉ yêu cầu bệnh nhân viết ra những kế hoạch làm việc trong ngày. Sau 4 tháng thử nghiệm, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thuộc nhóm một trở nên tốt hơn một cách đáng kể, trong khi sức khỏe của các bệnh nhân nhóm hai không thay đổi [1]. Tác giả của công trình nghiên cứu này cho rằng đây là một bằng chứng khoa học đầu tiên cho thấy viết văn có tác dụng tích cực đến sức khỏe. Kết quả này gây cảm hứng cho một nhà nghiên cứu khác viết một bài xã luận trên tập san y học danh tiếng này [2].
So với lĩnh vực nghiên cứu sinh học và lâm sàng, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa viết văn và sức khỏe vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, bằng chứng trong vòng một thập niên qua cho thấy một cách nhất quán là việc thuật lại những câu chuyện mang tính cách cá nhân hay đau buồn bằng cách viết văn hay bằng lời nói có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất con người. Nhưng câu hỏi được đặt ra ngay là “tại sao?” Tại sao viết văn có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe? Để giải thích mối liên hệ này, giới nghiên cứu y khoa có thể đề nghị một số mô hình sinh lí liên quan đến mối tương tác giữa tinh thần và thể xác con người, một mối quan hệ mà giới y khoa chính thống đã bỏ quên trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, thay vì giải thích bằng mô hình sinh lí học, tôi muốn đề nghị một mô hình khác liên quan đến chữ nghĩa và triệu chứng của căn bệnh, đến cái có thể thấy được và cái không thể thấy được, một mối quan hệ dựa vào y học và ngôn ngữ diễn đạt, huyền thoại, và thể văn tường thuật trong việc trị liệu.
Ngôn ngữ và xúc cảm
Một giải thích có thể đề nghị ra ngay là qua diễn đạt lại những cảm xúc người ta trở nên có ý thức về sức khỏe hơn và từ đó thay đổi thái độ và cách sống hàng ngày. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào phù hợp với giả thiết này. Thực ra, một vài nghiên cứu cho thấy sau khi viết lại những câu chuyện đau buồn trong đời, người ta vẫn không thay đổi cách sống một cách đáng kể. Người hút thuốc vẫn hút thuốc, người nghiện rượu vẫn tiếp tục dùng rượu.
Một giả thiết thứ hai là viết văn tự nó là một việc làm tự phát biểu. Giới tâm lí học vẫn tin rằng những biểu hiện bằng vũ điệu, nhạc, và mĩ thuật có giá trị trị liệu. Tương tự người ta có thể cho rằng quá trình viết văn là một hành động tự biểu hiện của một cá nhân. Thực vậy, trong một nghiên cứu, mà trong đó các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sự phục hồi tinh thần trong những người diễn tả lại những câu chuyện đau buồn bằng cách viết văn cao hơn sự phục hồi tinh thần trong những người diễn tả lại những câu chuyện đau buồn bằng tay chân. Do đó, chỉ đơn thuần mô tả một kinh nghiệm bằng cơ thể không có hiệu quả cho sức khỏe bằng cách mô tả những kinh nghiệm đó thành chữ viết.
Giả thiết thứ ba về mối quan hệ giữa viết văn và sức khỏe cho rằng viết văn là một quá trình biến đổi những cảm xúc và hình ảnh vào ngôn từ, và chính cái quá trình chuyển hóa này làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức của người viết về những kinh nghiệm đó. Ở đây cần phải nói thêm là một phần của những nỗi đau khổ của một cá nhân không hẳn do một sự kiện nào đó gây nên, mà còn do chính phản ứng cảm tính của cá nhân đó trước sự kiện. Qua việc sắp xếp các ý nghĩ và cảm tưởng, người ta có thể xây dựng hay tái xây dựng câu chuyện một cách có hệ thống. Một khi câu chuyện đã được hình thành, nó được tổng kết, dự trữ, và dễ quên sau đó.
Kể chuyện và đi tìm ý nghĩa cuộc sống
Theo giới nghiên cứu tâm lí học, con người – và có thể nói là phần lớn các sinh vật khác – luôn muốn tìm hiểu những sự kiện và hiện tượng chung quanh. Nếu một người cảm thấy đau hay nghe một tiếng động lạ, người đó lập tức tìm cách hiểu nguyên nhân của những sự kiện này. Một khi người ta hiểu được tại sao và những sự kiện đó xảy ra thế nào, người ta sẽ sẵn sàng đối phó với chúng nếu chúng xảy ra một lần nữa. Do đó, chúng ta bị thúc đẩy đi tìm hiểu những sự kiện có hậu quả mạnh mẽ, dù tiêu cực hay tích cực, hơn là đi tìm hiểu những sự kiện có thể tiên đoán được và không có ảnh hưởng gì lớn đến chúng ta.
Trong một ngày bình thường, chúng ta không ngớt kiểm tra và phân tích thế giới chung quanh. Dừng xe trước một đèn đỏ mà nghe tiếng còi đằng sau, câu hỏi mà chúng ta hỏi ngay là “Anh ta nhắm vào mình?” hay “Đèn đang bật sang màu xanh?” hay “Mình từng gặp anh này ở đâu chăng?” Một khi chúng ta đã hiểu được nghĩa của tiếng còi, chúng ta sẽ có một cách ứng xử (lái xe qua ngã tư đường, giơ tay chào nếu là người quen) hay trở lại với cái thế giới riêng tư của chúng ta nếu tiếng còi không nhắm vào chúng ta. Một khi tình tiết của sự kiện này chấm dứt, chúng ta bỏ nó ngoài tâm trí.
Dù việc đi tìm ý nghĩa của tiếng còi diễn ra trong một thời gian rất ngắn và tất yếu, những sự kiện lớn trong đời thường khó lĩnh hội hơn. Nếu chúng ta chia tay với người mình yêu, hay một người bạn thân mới qua đời, hay chúng ta bị thất bại trên trường đời, chúng ta thường cố gắng nghiền ngẫm, hâm nóng sự kiện trong tâm trí, cố gắng hiểu nguyên nhân và hậu quả của sự kiện. Vấn đề trở nên phức tạp hơn vì những sự kiện lớn trong đời thường bao gồm nhiều sự việc và kinh nghiệm. Nếu người yêu của chúng ta đã ra đi, sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa chúng ta với người khác, tình trạng tài chính, cách chúng ta nhìn và đánh giá mình, và ngay cả ăn uống hàng ngày, giấc ngủ, nói chuyện, v.v... Để hiểu kinh nghiệm này, chúng ta sẽ có gắng tự hỏi tại sao nó xảy ra, và chúng ta sẽ đối phó như thế nào. Đối với một sự kiện không giải quyết được, chúng ta sẽ suy nghĩ, mơ mộng, ám ảnh, và nói về nó ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác.
Yếu tố nào làm nên ý nghĩa thì vẫn còn là một điều chưa rõ ràng. Các nhà triết học, tâm lí học, nhà thơ, và nhà văn từng nhận xét rằng một sự kiện riêng lẽ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau giữa các cá nhân. Sau cái chết của một người bạn thân, có người sẽ tìm ý nghĩa trong tôn giáo (định mệnh), người khác thì đi tìm nguyên nhân của cái chết (hút thuốc như anh ta thì chết là điều dễ hiểu), người khác có thể tìm hiểu ngụ ý của sự kiện (nó muốn dạy cho mình một bài học để thay đổi cuộc sống). Những phân tích đơn giản dựa vào một nguyên nhân đơn thuần có thể có ích trong việc giải thích một số khía cạnh của cái chết, nhưng sẽ không có ích cho tất cả các khía cạnh. Chúng ta có lẽ có một giải thích dễ hiểu tại sao người bạn chết, nhưng chúng ta vẫn phải đương đầu với một sự thay đổi về mạng lưới bạn bè, những sinh hoạt hàng ngày, và đối thoại với bạn bè, v.v... Cái “đẹp” của việc kể chuyện là nó cho phép chúng ta thắt buộc tất cả những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày vào một câu chuyện có đầu có đuôi. Tức là cũng một câu chuyện, chúng ta có thể nói về nguyên nhân của sự kiện, và những ý nghĩa đằng sau của nó. Qua quá trình này, nhiều khía cạnh của vấn đề có thể khai thác và xây dựng thành một thực thể mạch lạc và logic.
Nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ và đối thoại cho thấy khi truyền đạt một câu chuyện đến một người khác, người truyền đạt phải hành động một cách mạch lạc. Tức là người truyền đạt câu chuyện phải sắp xếp và cấu trúc nội dung, chủ đề, lí giải, và quan tâm đến nhận thức người đọc hay người nghe.
Một khi một câu chuyện phức tạp được đưa vào một khuôn khổ, nó được đơn giản hóa. Bộ não không cần phải khổ công đi tìm một cấu trúc và ý nghĩa của vào câu chuyện. Khi câu chuyện đã được thuật lại hết lần này sang lần khác, nó trở nên ngắn hơn. Thông tin được “gọi về” cho câu chuyện là thông tin đồng dư với câu chuyện. Nhưng ngược lại những dữ kiện (kinh nghiệm thô sơ) được dùng làm những nguyên tố dể xây dựng câu chuyện, một khi câu chuyện đã đi vào tâm trí của một cá nhân, chỉ có những dữ kiện dính dáng đến câu chuyện được “gọi hồn”. Hơn nữa, theo thời gian, chúng ta có khuynh hướng lấp đầy những khoảng trống trong câu chuyện để cho nó trở nên mạch lạc hơn và đầy đủ hơn.
Một ví dụ điển hình cho lí giải trên là những cuộc nói chuyện với những người vừa trải qua một cuộc li dị. Trong những tuần đầu tiên sau li dị, người ta thường nói về những khía cạnh của sự đổ vỡ. Thường thường câu chuyện rất dài, tình tiết mâu thuẫn nhau, nhưng rất cảm tính. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, những giải thích đó trở nên đơn giản hơn, thậm chí giản dị hóa, như là “Lí do của sự đổ vỡ là vì anh ta quá tự cao.” Với một tóm lược một chiều như thế, người ta bỏ qua những sắc thái, cả tích cực lẫn tiêu cực, về cuộc hôn nhân.
Một nghịch lí đáng nói là kể chuyện có thể đem lại lợi ích làm cho những kinh nghiệm phức tạp và rối rắm trở nên đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, nhưng đồng thời, nó cũng bóp méo, xuyên tạc hồi ức của người kể chuyện về những kinh nghiệm đó. Diễn dịch hay chuyển hóa nỗi buồn vào trang giấy hay âm thanh, nói cho cùng, là làm cho chúng ta quên đi, hay nói một cách văn hoa hơn, làm cho chúng ta vượt ra ngoài biên giới của kinh nghiệm hiện thực.
Trong một nghiên cứu tâm lí, các nhà tâm lí học hỏi 200 sinh viên, cứ mỗi tuần một lần, bao nhiêu lần trong vòng 24 giờ trước họ có suy nghĩ hay nghe ngóng về cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh. Các nhà nghiên cứu cũng hỏi các đối tượng nghiên cứu về cảm tưởng, phản ứng của họ (như quan tâm, khó chịu, buồn, giận, v.v...) về diễn biến của cuộc chiến. Sau 2,5 năm, các nhà nghiên cứu lại liên lạc với các đối tượng trên để hỏi họ thêm về cuộc chiến, và khám phá rằng những sinh viên trước đây từng nói nhiều về cuộc chiến ngày nay không còn nhớ gì nữa. Có thể giải thích hiện tượng này như sau: khi chúng ta đã có hồi ức về một sự kiện nào đó, và một khi sự kiện đó đã chấm dứt, chúng ta không cần phải nhớ lại, bởi vì chúng ta không còn lí do để nhắc lại hay để sống lại những kinh nghiệm đó. Như vậy, một câu chuyện, tự nó, có thể giải thoát một quá khứ xa.
Ý nghĩa xã hội
Thuật một câu chuyện còn có hàm ý rằng sẽ có người khác theo dõi (bằng cách đọc hay lắng nghe câu chuyện). Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu tâm lí học trong thời gian qua thường không để ý để khía cạnh xã hội của việc kể chuyện. Đây cũng là một thiếu sót vì các nghiên cứu đó thường cho thấy những kinh nghiệm đau buồn trong đời thường làm cho chúng ta bị cô lập với thế giới bên ngoài, bởi vì chúng ta thiếu can đảm (hay không có khả năng) trò chuyện với người khác. Theo đó, một câu hỏi được đặt ra là có phải là khi kể lại câu chuyện qua phương tiện văn chương có thể chắp nối một mối quan hệ giữa người kể chuyện và xã hội? Một học sinh viết về những nỗi lo lắng trong lớp học có làm cho em đó dễ làm quen với các học sinh khác hay không? Đây là những câu hỏi mà các nhà tâm lí xã hội đang theo đuổi.
Một vài nghiên cứu mới đây cho thấy việc giấu kín một bí mật có thể tạo nên một lằn ranh tâm lí giữa người giữ bí mật và bạn bè của người đó. Nếu chúng ta không thể nói với bạn bè về một sự kiện làm xao động cuộc đời chúng ta, bạn bè xung quanh sẽ không giải thích hay hiểu được hành động và cảm tính của chúng ta. Vì lẽ ấy, chúng ta sẽ tự thiêu đốt mòn mỏi vấn đề, và chúng ta sẽ không thể nào trở nên một người có khả năng lắng nghe bạn bè trong những lúc cần thiết.
Trong một thế giới lí tưởng, chuyển hoá những kinh nghiệm phức tạp, đau buồn vào một câu chuyện là một việc làm chia sẻ cùng xã hội. Quá trình này giúp cho chúng ta hiểu những sự kiện, và đồng thời, cảnh giác bạn bè về tình trạng tâm lí và cảm xúc của chúng ta. Kể chuyện, do đó, giúp chúng ta duy trì một đời sống xã hội và tâm lí ổn định. Trong một thế giới không mấy gì lí tưởng, chúng ta thường giữ kín những kinh nghiệm đau buồn trong chúng ta. Một việc làm như thế là một gánh nặng tâm sinh lí, có thể làm tắc nghẽn con kênh nhận thức để giải hòa với niềm bí mật, và tạo nên một lằn ranh giữa chúng ta và bè bạn. Chuyển hóa những kinh nghiệm đau đớn vào ngôn từ trong khuôn khổ một câu chuyện có thể hoàn tất những điều mà tổ tiên chúng ta từng hoàn tất: cải thiện tâm sinh lí và phát triển mối quan hệ xã hội.
Các nền văn minh cổ nhận thức được giá trị đằng sau những câu chuyện. Chúng là những mối liên lạc giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhà nhân chủng học, Joan Halifax, từng nghiên cứu nhiều bộ lạc ở Mĩ châu, và khám phá rằng những câu chuyện thần thoại được lưu truyền trong các bộ lạc này là những tế bào liên lạc giữa văn hóa và thiên nhiên, giữa cá nhân và xã hội, giữa sự sống và sự chết, khâu giá nhiều thế giới lại với nhau trong việc kể chuyện [3].
Tình trạng sức khỏe của một người bao gồm cả hai khía cạnh: cơ thể và tâm lí. Do đó, duy trì sức khỏe cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho bệnh nhân tìm thấy ý nghĩa về những kinh nghiệm đau buồn, và để hòa nhập những kinh nghiệm này vào câu chuyện của cuộc sống. Bệnh nhân có khả năng vượt qua những khó khăn trong quá khứ và hiện tại qua việc rèn luyện, sáng tạo trong ngôn ngữ, giúp cho họ tạo ra một môi trường linh hoạt, ít liên hệ đến quá khứ, hiện tại, và tương lai. Do đó, được chữa trị, nói theo ngôn từ của Richard Selzer, là “được cứu thoát khỏi bóng tối và ghi chép lại một lần nữa cuộc sống sáng chói.”
Viết văn là một trong những hành động phong phú nhất và mạnh mẽ nhất của con người. Trong khi viết, người viết tạo và tái tạo quá khứ trong khoảnh khắc hiện tại. Nó là phương tiện cho người viết đi đến bóng tối và kéo ra những cái không thể thấy được vào trang giấy, nơi mà những điều này có thể đem ra thảo luận và duyệt xét lại. Trang giấy cung cấp cho người viết chất liệu để phân tích cái bản ngã của chính mình. Khi viết văn ra những kinh nghiệm của mình, người viết tự do lựa chọn kinh nghiệm quá khứ, hiện tại, và tương lai. Viết văn là một cuộc đối thoại với các sự kiện khả dĩ này, và mỗi sự kiện đem đến một giá trị riêng, tri thức, và tiềm năng riêng trên bàn giấy.
Viết về những kinh nghiệm đau buồn mang lại những hình ảnh đau thương trong quá khứ vào giây phút hiện tại, song người viết được ngăn cách bằng một tấm vách rất thực tế: họ có thể ngưng viết bất cứ lúc nào, và sau đó quay trở lại viết tiếp, nếu cần. Vì thế, người viết được che chở bằng một khoảng cách giữa sự kiện và khả năng xem xét lại sự kiện. Những gì đã viết rồi có thể viết lại, và có thể viết lại nhiều lần. Bởi vì “cái tôi” của người viết được cấu tạo bằng và qua ngôn ngữ, có cội nguồn từ những mĩ từ, người viết trở thành, qua trang giấy, những nhân vật hoàn toàn khác nhau. Sự chuyển hóa này làm cho viết văn có lợi ích trong việc trị liệu.
Chú thích:
1. J. M. Smyth, et al. Effects of writing about stressful experiences on symptom reduction in patients with asthma or rheumatoid arthritis: a randomized trial. JAMA 1999;281: 1304-1309.
2. D. Spiegel. Healing words, emotional expression and disease outcome. JAMA 1999; số 281: 1328-1329.
3. J. Halifax. The fruitful darkness: reconnecting with the body of the earth, San Francisco: Harper San Francisco, 1993, trang 104.
Nguyễn Văn Tuấn