Nhân “Ngày vì nạn nhân chất da cam VN” (10-8), TS Nguyễn Văn Tuấn: Cơ hội để khép lại một chương lịch sử đau lòng
05/08/2005 22:56 GMT +7
10-8 là “Ngày vì nạn nhân chất da cam Việt Nam”. Trong khi đó các nạn nhân chất da cam VN vẫn tiếp tục vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện đã làm lương tâm nhân loại lên tiếng đứng về phía các nạn nhân. Nhân dịp về giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, TS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc), trả lời phỏng vấn Người Lao Động Chủ nhật chung quanh những vấn đề của vụ kiện.
TS Nguyễn Văn Tuấn là một nhà nghiên cứu y khoa với hơn 150 công trình nghiên cứu, một số tác phẩm đã được xuất bản, trong đó có tác phẩm Chất độc da cam/dioxin và hệ quả (NXB Trẻ - 2004) được đánh giá cao.
. Phóng viên: Thưa tiến sĩ (TS), cho đến nay ông có thể nói thêm gì về chất da cam/dioxin?
- TS Nguyễn Văn Tuấn: Liên quan đến vấn đề chất độc da cam ở nước ta, đúng là có nhiều điều không cần phải tốn thì giờ để tranh cãi nữa. Rất nhiều nghiên cứu trong thời gian 30 năm qua đã cung cấp cho chúng ta vài sự thật quan trọng mà tôi có thể tóm lược như sau. Thứ nhất, số lượng độc chất hóa học (78 triệu lít) mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời chiến là cao nhất thế giới. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc chiến nào mà hóa chất được sử dụng như là một loại vũ khí nhiều như thế. Thứ hai, chúng ta biết rằng dioxin, một thành phần chính trong chất da cam, là độc chất số 1 trong các hóa chất mà con người biết đến, bởi vì nó có khả năng gây ra ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường và một số bệnh ngặt nghèo khác. Do đó, quân đội Mỹ bị phơi nhiễm chất da cam có nguy cơ bị các bệnh này cao hơn trung bình. Viện Y khoa trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã nhất trí rằng mối liên hệ giữa dioxin và các bệnh như ung thư máu, ung thư các mô mềm, ung thư dạng Hodgkin và không-Hodgkin, ung thư tiền liệt tuyến, ban clor, nứt đốt sống, tiểu đường, v.v... là những mối liên hệ nhân quả. Đây là những tác hại nguy hiểm của dioxin mà không ai còn tranh cãi nữa, bởi vì bằng chứng khoa học đã quá rõ ràng và nhất quán.
. Ông nhận định, đánh giá gì về vụ kiện của các nạn nhân chất da cam Việt Nam?
- Tôi không thích bàn về thắng hay thua, bởi vì khái niệm thắng - thua, thành - bại, có - không... là những khái niệm tương đối. Như tôi đã có lần phân tích, trong các phán quyết của thẩm phán J. Weinstein có một số nhận định thuận lợi cho phía nguyên đơn các nạn nhân Việt Nam, nhưng cũng có một số nhận định không có lợi cho phía nguyên đơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ phía nguyên đơn Việt Nam đã đạt được một thành công quan trọng qua vụ kiện này: Đó là gây được một tiếng vang trong dư luận thế giới về thảm họa chất da cam ở Việt Nam, nói cho thế giới biết rằng còn hàng triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam vẫn chưa có được công lý. Dư luận thế giới nhận thức được rằng hậu quả của cuộc chiến Việt Nam vẫn còn, cho dù bom đạn không còn rơi trên đất nước ta nữa. Vấn đề ở đây là công lý. Vấn đề là hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong tình hình quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp như hiện nay, vụ kiện là một cơ hội cho phía Mỹ và những thành phần liên đới trong chiến dịch rải độc chất có cơ hội để nhìn lại việc làm của mình, suy nghĩ phải làm gì để hàn gắn vết thương chiến tranh, để khép lại một chương lịch sử đau lòng.
. Để tiếp tục vụ kiện, theo ông chúng ta nên tiếp tục làm gì - một cách hiệu quả nhất?
- Thiếu sót lớn nhất của phía ta là thiếu thốn dữ kiện khoa học. Thẩm phán Weinstein đã căn cứ vào đó để đưa ra phán quyết. Ông ta nói rằng những cáo buộc về bệnh tật của phía nguyên đơn người Việt Nam mang tính “giai thoại”, chuyện vặt (“anecdotal evidence”) vì phía nguyên đơn chưa tiến hành một nghiên cứu quy mô dịch tễ học. Mà rất tiếc đó lại là một thực tế. Chúng ta chưa có những công trình nghiên cứu dịch tễ học lớn về chất da cam ở Việt Nam. Do đó, trong tương lai trong khi vụ kiện còn tiếp tục, tôi đề nghị có thể làm vài việc cụ thể như sau: Thứ nhất, tranh thủ quốc tế để thiết lập một quỹ tài trợ quốc tế cho nạn nhân chất da cam tại Việt Nam. Thứ hai, tổ chức điều trị những bệnh được công nhận là do phơi nhiễm độc chất gây ra (như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường, bệnh da, v.v...), tạo công ăn việc làm cho những cư dân trong các vùng bị nhiễm. Thứ ba, quỹ nên chi một số tiền để làm sạch môi trường tại những nơi bị nhiễm nặng như Biên Hòa, A Lưới, A Sao, v.v... Hiện nay, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy tại các địa điểm này, nồng độ dioxin rất cao, có khi cao hơn 130 lần nồng độ an toàn cho phép, vì chất độc đã lắng đọng xuống lòng đất, nhất là các nơi bùn lầy. Do đó, nhu cầu làm sạch môi trường tại những nơi này phải được xem là một ưu tiên hàng đầu. Thứ tư, thành lập một trung tâm quốc tế nghiên cứu khoa học về chất da cam và dioxin. Trung tâm sẽ quy tụ nhiều chuyên gia trên thế giới về hóa học, y học, môi trường học và dịch tễ học để tiến hành những nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu lâm sàng xác định cơ chế tác hại của dioxin và chất da cam trên con người và môi trường. Trung tâm cũng có thể phục vụ như là một trung tâm đào tạo các nhà khoa học tương lai chuyên về môi trường học và y tế - môi trường học. Đây là một việc làm mang ý nghĩa quốc tế vì nó sẽ cung cấp thông tin khoa học quý báu vào kho tàng tri thức của con người về tác hại của dioxin.
Lưu Nhi Dũ thực hiện