Xã hội hóa và an toàn thực phẩm
Nguyễn Văn Tuấn
Danh sách những sản phẩm độc hại và nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Quốc càng ngày càng dài, và không chỉ giới hạn trong thực phẩm mà còn cả những đồ gia dụng. Thủy sản chứa kháng sinh; kem đánh răng chứa chất diethylene; trái cây được bảo quản bằng hóa chất không rõ ràng nhưng để ngoài cả tháng không hề tan rã; đồ chơi trẻ em chứa chất chì; hàng may mặc chứa chất formaldehyde cao gấp 10 lần cho phép, son môi chứa chất sudan; búp bê chứa virus gây bệnh, v.v… Mới đây nhất, theo sau vụ thực phẩm cho chó và mèo chứa chất melamine, người ta phát hiện sữa sản xuất ở Trung Quốc cũng hàm chứa chất melamine, và hệ quả là có ít nhất là 4 trẻ em thiệt mạng cùng với hàng ngàn em mắc bệnh.
Rất nhiều hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc có vấn đề về an toàn và chất lượng, và điều này đã trở thành một mối quan tâm của công chúng trên thế giới. Cơ quan kiểm nghiệm sản phẩm Trung Quốc cho biết khoảng 1 phần 5 (hay 20%) sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc “không đạt tiêu chuẩn”. Tuy nhiên, theo giới quan sát thị trường thì con số chính xác có thể cao hơn nhiều. Chỉ riêng ở Mĩ, trong số các hàng hóa bị thu hồi từ thị trường, hơn 65% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Con số sản phẩm bị thu hồi có xuất xứ từ Trung Quốc tăng gấp 2 lần kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO. Một cuộc thăm dò ý kiến (do báo USA Today/Gallup thực hiện) gần đây bên Mĩ cho thấy có đến 75% người Mĩ “rất quan tâm” hay “quan tâm” đến sự an toàn của thực phẩm nhập từ Trung Quốc. Thật ra, chẳng riêng gì Mĩ, ở Âu châu, Nhật, Đài Loan, và Úc, một bộ phận lớn công chúng không tin tưởng vào sự an toàn và chất lượng của sản phẩm “Made in China”. Nhiều nhà hàng sang trọng ở Mĩ, chủ nhân và thực khách thậm chí còn có qui ước ngầm là không sử dụng bất cứ thực phẩm nào nhập từ Trung Quốc!
Sự hiện diện của một số (nếu không muốn nói là nhiều) hàng hóa nguy hiểm trên thị trường đã làm cho công chức chất vấn hiệu quả của các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm. Ở Mĩ, Quốc hội công khai chỉ trích Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã không làm hết chức năng mình. Ở nước ta, công chúng bắt đầu đặt dấu hỏi khả năng quản lí của Cục vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, các cơ quan này không thể nào quản lí tất cả thực phẩm và hàng hóa lưu hành trên thị trường. Có ước tính cho rằng với một lực lượng nhân viên trên 10 ngàn người, FDA cần đến 1900 năm để kiểm nghiệm tất cả sản phẩm có mặt trên thị trường! Ở Mĩ còn thế, ở nước ta khó khăn chắc còn lớn hơn nhiều. Ngoài ra, phải nói ngay rằng không có một phương pháp đơn thuần hay đơn giản nào có thể phát hiện tất cả các hóa chất và độc chất trong thực phẩm và hàng hóa gia dụng.
Hầu hết những phát hiện về tính độc hại của hàng hóa trong thời gian qua hầu như đều xuất phát từ người tiêu thụ. Điều này cho thấy hệ thống giám sát hữu hiệu nhất không ai khác hơn là công chúng, là người tiêu thụ, qua hệ thống truyền thông. Thật vậy, kinh nghiệm ở Mĩ cho thấy vào những năm đầu thế kỉ 20, khi mà vấn đề an toàn thực phẩm được đặt ra sau hàng loạt tai nạn, dưới áp lực của các nhóm đại diện người tiêu thụ và báo chí, Chính phủ Mĩ phải thiết lập Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm.
Ở nước ta cũng có một số hội bảo vệ người tiêu dùng, nhưng do một lí do nào đó, các hội này chưa hoạt động tích cực. Theo báo chí cho biết, mặc dù Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (HTC&BVNTD) đã được ra đời trên 20 năm, nhưng Hội chưa bao giờ khởi tố một vụ kiện nào để bảo vệ người tiêu dùng theo tiêu chí hành động của Hội! Thật vậy, trước những lem nhem về thực phẩm bị nhiễm hóa chất và hàng loạt vấn đề an toàn thực phẩm khác xảy ra gần đây, hội bảo vệ người tiêu dùng hầu như chưa có tiếng nói!
Hiện nay, HTC&BVNTD phải chờ người tiêu dùng khiếu nại họ mới can thiệp! Cách làm việc thụ động này rất khác với các hội bảo vệ người tiêu dùng ở các nước trong vùng và các nước Âu Mĩ. Ở các nước này, các nhóm bảo vệ người tiêu dùng thường xuyên tổ chức những cuộc điều tra chất lượng và an toàn của hàng hóa trên thị trường, thường xuyên nghiên cứu so sánh giá cả, và đưa ra những khuyến cáo và chỉ dẫn cực kì có ích cho người tiêu dùng. Một số hội còn có hẳn những phòng labô độc lập, chuyên xét nghiệm và kiểm tra sản phẩm, hay cộng tác với các đại học để thu thập mẫu hàng hóa cho những nghiên cứu an toàn và chất lượng sản phẩm. Qua những hoạt động như thế, các nhóm bất vụ lợi này đóng vai trò rất tích cực trong việc kiểm tra hàng hóa và góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đã đến lúc HTC&BVNTD phải thực hiện vai trò “bảo vệ” người tiêu thụ bằng cách tích cực và chủ động điều tra thị trường.
Nhà nước có chủ trương “xã hội hóa” nhiều lĩnh vực xã hội, kể cả giáo dục và y tế. Thật ra, khái niệm xã hội hóa còn khá mơ hồ, nhưng đã bị lạm dụng để đùn đẩy gánh nặng tài chính về phía người dân. Tuy nhiên, nếu hiểu xã hội hóa là phát huy quyền làm chủ xã hội của người dân, thì cũng có thể xem sự giám sát sự an toàn thực phẩm và hàng hóa của người dân là một hình thức xã hội hóa an toàn thực phẩm. Nếu kinh nghiệm ở nước ngoài là một bài học, thiết tưởng nước ta rất cần đến sự hợp tác tích cực của quần chúng (qua các hiệp hội người tiêu dùng) trong việc giám sát an toàn thực phẩm, và qua đó để tỏ tinh thần trách nhiệm xã hội đại đồng của nước ta trên trường quốc tế.