Chủng vi khuẩn tả hiện nay ở nước ta có phải mới xuất hiện?
Ykhoanet.com
Báo Sức khỏe và Đời sống (23/4/08) tường thuật buổi làm việc giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo bản tin, “GS. Yoshi Takeda, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Tokyo Nhật Bản cho rằng vi khuẩn tả đang gây bệnh ở Việt Nam rất giống với chủng gây bệnh ở Ấn Độ.” Nhưng rất tiếc, báo không cho biết chủng nào mà giáo sư Takeda nói đến!
Tuy nhiên, báo Sài Gòn Tiếp thị (tuy là báo dành cho người tiêu dùng) cho biết thêm chi tiết kĩ thuật như sau: “PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả giám sát bệnh tả các năm qua của viện thấy rằng chủng phẩy khuẩn tả phân lập được trong các vụ dịch trước đây ở các tỉnh phía Bắc trong các năm 2002, 2003, 2004 là type huyết thanh innaba va type El Tor. Còn từ đầu vụ dịch năm 2007 đến nay các kết quả xét nghiệm cho thấy cấu trúc phân tử của vi khuẩn tả thuộc type huyết thanh ogawa.”
Dựa vào kết quả này, giáo sư Takeda suy luận rằng chủng vi khuẩn hiện nay là do nhập (hay lan truyền) từ Ấn Độ!
Để hiểu vấn đề và xem suy luận này có cơ sở cỡ nào, chúng ta cần phải xem qua vài sự thật căn bản của vi khuẩn tả như sau:
- Dựa vào độc tính vi khuẩn V. Cholerae có thể chia thành 2 nhóm chính theo huyết thanh (serogroups): đó là O1 và O139.
- Nhóm O1 có hai típ sinh học (biotype): El Tor và cổ điển (classical). El Tor là tên của một trạm y tế ở Ai Cập nơi mà típ vi khuẩn này được phát hiện trong đại dịch năm 1907. Hiện nay, El Tor là thủ phạm chính của các trận dịch tả trên thế giới.
- Mỗi típ sinh học El Tor hay cổ điển có thể chia thành 3 nhóm nhỏ theo huyết thanh: Ogawa, Inaba, và Hikojima. Mỗi nhóm còn có thể chia thành nhóm nhỏ hơn dựa vào kháng nguyên (antigen) A, B, hay C (xem biểu đồ)
|
Phân loại vi khuẩn Vibrio Cholera |
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ thì các vụ dịch tả 2002-2004 là V. cholerae O1 El Tor Inaba, còn từ năm 2007 đến nay thủ phạm là V. cholerae O1 El Tor Ogawa. Nói cách khác, một sự thay đổi chủng khuẩn từ Inaba sang Ogawa. Nhưng có thật sự thay đổi này là do xam nhập từ Ấn Độ?
Chúng tôi có lí do để cho rằng giả thuyết đó khó có cơ sở khoa học. Chúng ta có thể điểm qua vài dữ liệu trong y văn để thấy giả thuyết trên khó đứng vững:
Thứ nhất, vụ dịch tả năm 1989 ở Ấn Độ chủ yếu do chủng V. cholerae O1 El Tor Inaba gây ra (sẽ gọi tắt là Inaba). Đến năm 2004, vụ dịch tả xảy ra ở miền bắc Ấn Độ vẫn do chủng Inaba gây ra. Năm 2005, một vụ dịch tả khác xảy ra ở bang Orissa (Ấn Độ) và lần này thì do chủng V. cholerae O1 El Tor Ogawa gây ra [1].
Thứ hai, năm 1961 một vụ đại dịch tả xảy ra ở Nam Dương (Indonesia), và vi khuẩn V. Cholerae O1 biotype El Tor “xâm nhập” miền Nam Việt Nam vào năm 1964 với tổng số 20.009 người mắc bệnh và 821 tử vong. Nói chung, phần lớn vụ dịch tả xảy ra ở miền Trung nước ta và V. cholerae O1 El Tor là thủ phạm chính, và vi khuẩn này ít xuất hiện ở miền Bắc. Nhưng mãi đến năm 1976 vi khuẩn V. cholerae O1 El Tor xuất hiện ở Hải Phòng và Quảng Ninh [2].
Thứ ba, theo phân tích của các nhà nghiên cứu Đan Mạch, từ 1979 đến 1981 các ca bệnh tả ở nước ta chủ yếu là do chủng khuẩn Ogawa; từ 1982 đến 1990 tất cả các ca bệnh tả đều nhiễm chủng khuẩn Inaba; nhưng trong những năm sau 1990 thì tất cả các ca đều do chủng khuẩn Ogawa. Cần nói thêm rằng ở Thái Lan, khoảng 52% các ca bệnh tả đều do nhiễm chủng khuẩn Ogawa [3].
Thứ tư, chủng khuẩn Ogawa có thể tiến hóa từ chủng Inaba. Thật vậy, hai chủng khuẩn này có khả năng chuyển đổi qua lại, do ảnh hưởng của hệ thống miễn dịch [4]. Khả năng này đã được quan sát trong các nghiên cứu cơ bản. Trong vụ dịch ở bang Orissa (Ấn Độ) sự chuyển hóa từ chủng khuẩn Ogawa sang Inaba cũng đã từng được ghi nhận [1].
Như vậy, xét qua 4 sự thật trên, chúng ta dễ dàng thấy rằng: (a) chủng khuẩn V. cholerae O1 El Tor Ogawa không phải mới xuất hiện ở nước ta, mà rất có thể đã có mặt từ những năm trong thập niên 1980s hay thậm chí 1960s; và (b) chủng khuẩn V. cholerae O1 El Tor Inaba có thể tiến hóa thành V. cholerae O1 El Tor Ogawa. Chỉ khi nào chúng ta loại bỏ hai khả năng này thì mới có thể nói chủng khuẩn Ogawa được “du nhập” từ ngoài, nhưng ngay cả trong trường hợp đó chúng ta vẫn không thể nói chủn khuẩn này du nhập từ Ấn Độ hay Thái Lan (vì Thái Lan cũng vừa mới trải qua một vụ dịch với chủng khuẩn Ogawa). Riêng chúng tôi thì nghiêng về giả thuyết tiến hóa hơn là giả thuyết chủng khuẩn Ogawa xâm nhập từ ngoài.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Pal BB, et al. Emergence of Vibrio cholerae O1 biotype El Tor serotype inaba causing outbreaks of cholera in Orissa, India. Jpn J Infect Dis 2006;59:266-9.
[2] Dalsgaard A, et al. Cholera in Vietnam: Changes in Genotypes and Emergence of Class I Integrons Containing Aminoglycoside Resistance Gene Cassettes in Vibrio cholerae O1 Strains Isolated from 1979 to 1996. J Clin Microbiol. 1999; 37: 734-41.
[3] Hodge CW, et al. Epidemiologic Study of Vibrio cholerae Ol and O139 in Thailand: At the Advancing Edge of the Eighth Pandemic. Am J Epidemiol 1996; 143:263-268.
[4] Stroeher UH, et al. Serotype conversion in Vibrio cholerae O1. Proc Natl Acad Sci USA 1992;89:2566-70.
[5] Vẫn theo bài tường thuật, “các chuyên gia y tế thế giới cũng khẳng định, gọi “dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm (TCCNH) trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả” là cách gọi thích hợp nhất đối với dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam hiện nay.” Chúng tôi không có gì phải bình luận thêm về chuyện định danh vì thiết tưởng đã quá rõ ràng. Trên trang web của WHO họ vẫn gọi là cholera (bệnh tả), báo chí thế giới vẫn gọi là bệnh tả. Các giới chức y tế nước ta có thể sáng chế ra một bệnh danh với một cái tên dài [như chơi chữ] “dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả” nhưng y học chẳng và chưa bao giờ có một bệnh nào với cái tên nào như thế.
Xin nói thêm rằng ngay cả đại diện WHO (ông Jean-Marc Olivé) trước mặt Bộ Y tế thì ông nói rằng WHO chấp nhận cách gọi bệnh danh của ta, nhưng trên mặt báo chí quốc tế ông vẫn gọi đó là cholera. Chứng minh? Thì đây trên Bloomberg.com ông nói (nguyên văn): “Cholera may become endemic if this continues”.
Trên trang web của WHO, dù với tiêu đề “Severe Acute Watery Diarrhoea with V. cholerae positive cases in Viet Nam”, nhưng ngay phía dưới họ vẫn đề “WHO Cholera fact sheet”! Ngay cả người láng giềng không mấy sạch sẽ với bệnh dịch nhưng cũng có cảnh báo bằng một tiêu đề “China says on guard after Vietnam cholera outbreak”. Chúng ta không nên quá ngây thơ với những “khẳng định” của “các chuyên gia y tế thế giới” về những mĩ từ của họ. Mà, ai là “chuyên gia y tế thế giới”? Có phải đó là những chuyên gia từ … Sri Lanka hay Nhật ?!