Bổ sung kẽm và điều trị bệnh tả
Nguyễn Văn Tuấn
Bệnh tả lại xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc, nhất là ở Hà Nội. Theo Tuổi Trẻ, tính đến ngày 2/4/2008, đã có hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh tả nhập viện tại Hà Nội, và trong số này có đến 70-80% có kết quả xét nghiệm dương tính nhiễm vi khuẩn tả (V. cholera). Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 2/4 có đến 85 ca nhiễm vi khuẩn tả. Như vậy, có thể nói bệnh tả đang thật sự tái phát ở phía Bắc.
Chúng tôi đã bàn khá nhiều về chiến lược lâu dài cho phòng ngừa trong loạt bài trước (năm ngoái). Tựu trung lại có ba biện pháp phòng ngừa bệnh tả: làm sạch nguồn nước, nhà vệ sinh, và triển khai uống vắcxin. Riêng về vắcxin, tháng 11 năm ngoái có một nghiên cứu cho thấy chỉ cần 50-70% dân số trong những vùng bị dịch tả (hay có nguy cơ cao, như các tỉnh phía Bắc hiện nay) uống vắcxin 2 lần một năm, và với hiệu quả như vừa mô tả, số ca bệnh tả có thể giảm đến 90%. Do đó, các bằng chứng khoa học trên chỉ ra rằng cần phải có một chiến dịch cho uống vắcxin 2 lần / năm để phòng ngừa sự bộc phát của bệnh tả trong tương lai.
Về điều trị, có thể nói rằng bệnh tả không khó điều trị, và ít khi nào dẫn đến tử vong. Điều trị bệnh tả thường dựa vào các liệu pháp đơn giản như bồi phục nước và thay thế dung dịch, hay trong trường hợp nghiêm trọng hơn thuốc kháng sinh (như tetracycline) có thể giảm lượng nước bị thải và giảm thời gian nằm viện.
Tuy nhiên, ở trẻ em, có một liệu pháp điều trị hữu hiệu nhưng không nằm trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế: đó là bổ sung kẽm. Một nghiên cứu lâm sàng ở Bangladesh vừa mới công bố trên tập san y khoa British Medical Journal (BMJ) cho thấy bổ sung kẽm có hiệu quả giảm thời gian mắc bệnh, giảm tình trạng mất nước [1].
Trong nghiên cứu vừa đề cập trên, các nhà nghiên cứu ngẫu nhiên chia 179 trẻ em tuổi từ 3 đến 14 tuổi mắc bệnh tả (bị nhiễm vi khuẩn V. cholerae) thành 2 nhóm: một nhóm gồm 90 em được điều trị bằng bổ sung kẽm (dưới dạng acetate) 30 mg/ngày, và nhóm khác gồm 89 người nhận giả dược. Thời gian điều trị là 7 ngày. Trong thời gian đó, tất cả trẻ em đều được uống erythromycin 12,5 mg/kg mỗi 6 giờ trong vòng 3 ngày. Kết quả cho thấy sau 3 ngày, 81% trẻ em nhóm được điều trị hồi phục so với 68% trong nhóm giả dược, và sự khác biệt (hay hiệu quả) này có ý nghĩa thống kê (p = 0,03). Ngoài ra, thời gian mắc bệnh ở nhóm điều trị là 64,1 giờ, ngắn hơn khoảng 12% so với nhóm giả dược (72,8 giờ).
Suy giảm hay thiếu kẽm là một vấn đề y tế công cộng ở nước ta. Ở trẻ em và ngay cả ở người lớn, thiếu kẽm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả khoảng 10%, tăng nguy cơ bệnh sốt rét 56%, tăng nguy cơ bệnh viêm phổi 25%, và tăng nguy cơ tử vong khoảng 27% [2]. Một số nghiên cứu mới đây còn cho thấy bổ sung kẽm chẳng những giảm nguy cơ mắc bệnh tả, mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và nhiễm trùng nói chung. Có lẽ Bộ Y tế nên xem xét việc bổ sung kẽm ở trẻ em sinh sống trong những vùng có nguy cơ bệnh tả cao.
Tài liệu tham khảo:
[1] Roy SK, Hossain MJ, Khatun W, et al. Zinc supplementation in children with cholera in Bangladesh: randomised controlled trial. BMJ 2008 Feb 2;336:266-8.
[2] Aggarwal R, Sentz J, Miller MA. Role of zinc administration in prevention of childhood diarrhoea and respiratory illnesses: A meta-analysis. Pediatrics 2007; 119: 1120-E0.