Quản lý chất lượng: Thuốc phòng "tai nạn y khoa"
10:25' 24/06/2005 (GMT+7)
(VietNamNet)-Một trong những nghịch lí trong y học ngày nay là y khoa càng ngày càng hiểu nhiều về bệnh lí và cách chữa trị, nhưng lại không biết nhiều về cách tự chữa lấy nhầm lẫn của chính mình...
Theo giới tâm lí học chuyên nghiên cứu về lỗi lầm của con người, có hai quan điểm về lỗi lầm: cá nhân và tổ chức.
Sai lỗi từ đâu ra?
Quan điểm cá nhân chú trọng vào cá nhân (bác sĩ, nhà giải phẫu, y tá, dược sĩ, v.v.) và cho rằng lỗi lầm là do sự sai lệch trong quá trình suy tính, như lãng quên, thiếu chú ý, thiếu động cơ thúc đẩy, bất cẩn, cẩu thả, và liều lĩnh. Cách làm giảm những hành động này, do đó, thường tập trung vào việc trừng phạt (cảnh cáo, cách chức kiện cáo, v.v.). Nói cho cùng, người ta thích khiển trách, đổ thừa cho nhau, vì việc làm đó thường mang lại cho họ một sự thỏa mãn cá nhân. Anh phạm lỗi, tôi không phạm lỗi; suy ra, tôi là người tốt, giỏi hơn anh.
Vì tính đơn giản của nó, quan điểm cá nhân trên rất phổ biến trong mọi ngành nghề và đã trở thành "truyền thống"!
Thông thường, khi phân tích những lỗi lầm y khoa, người ta thường chú trọng vào cá nhân hay một nhóm cộng sự viên có dính dáng vào việc chăm sóc nạn nhân, mà ít khi nào để ý tới cách vận hành của các bộ phận chuyên môn trong bệnh viện. Cách làm này thường dựa vào sự kiểm tra tất cả các dữ kiện, kể cả phương pháp chữa trị. Qua đó, người ta xác định xem một cách làm khác có thể đưa đến một kết quả khác hay không.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy lề lối tổ chức bệnh viện có ảnh hưởng một cách sâu xa vào thái độ làm việc của cá nhân. Từ đó, dẫn đến một quan điểm mới rằng, lỗi lầm là điều không thể tránh khỏi trong tất cả các hoạt động của con người. Lỗi lầm, do đó, được xem là một hậu quả [thay vì nguyên nhân], xuất phát không hẳn hoàn toàn từ con người mà là từ hệ thống tổ chức. Do đó, muốn thay đổi hệ thống chăm sóc, thay vì chú trọng vào việc tìm lỗi phải từ cá nhân, các nhà nghiên cứu lâm sàng đang tìm cách sửa đổi lề lối tổ chức và vận hành của các bộ phận có quan hệ tới việc chăm sóc, chữa trị các bệnh nhân.
Nhưng, để thay đổi hệ thống làm việc trong một tổ chức đòi hỏi phải có một sự hợp tác giữa các thành viên làm việc trong tổ chức đó.
Quản lý chất lượng... Thuốc phòng ngừa "tai nạn y khoa"!
Vấn đề không phải là tìm cách tránh những rủi ro này (vì ta không thể nào tránh khỏi), nhưng phải học cách sống với hiểm nguy một cách sáng suốt và thông cảm.
Người ta thích khiển trách, đổ thừa cho nhau, vì việc làm đó thường mang lại cho họ một sự thỏa mãn cá nhân. Anh phạm lỗi, tôi không phạm lỗi; suy ra, tôi là người tốt, giỏi hơn anh. Thế nhưng,người ta lại ít chú ý đến việc vận hành của bộ máy làm việc, trong khi lỗi gốc lại từ đây mà ra |
Một khi tai nạn xảy ra, vấn đề cũng không phải là tìm thủ phạm để đổ lỗi cho nhau. Lỗi là lỗi của hệ thống, của tổ chức, mà trong đó cá nhân bác sĩ chỉ là một thành viên. Do đó, điều quan trọng bậc nhất trong khi xem xét nhầm lẫn y khoa là phải quán triệt rằng hệ thống y khoa và các qui trình liên quan, nhất là trong giải phẫu, mới là cội nguồn của tai nạn và nhầm lẫn, chứ không phải cá nhân. Do đó, để khắc phục những nhầm lẫn y khoa và nâng cao chất lượng chăm sóc, mấu chốt không phải là khiển trách cá nhân, mà là cải thiện tổ chức.
Phương cách khắc phục nhầm lẫn ở đây là tự đo lường chất lượng. Điều này có nghĩa là các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên thu thập dữ kiện, phân tích, so sánh chất lượng chăm sóc giữa các bệnh viện và trung tâm điều trị.
Ở nước ta, chưa có những nghiên cứu so sánh như thế, nhưng tại Mĩ, có nhiều cơ quan chuyên nghiên cứu những yếu tố dẫn đến nhầm lẫn, và qua đó tìm cách nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và giảm thiểu nhầm lẫn trong bệnh viện.
Ở Mỹ, thậm chí còn có website cung cấp thông tin so sánh chất lượng chăm sóc giữa các trung tâm y tế và bác sĩ. Kinh nghiệm từ các nghiên cứu này cho thấy, một cách nhất quán là qua các so sánh như thế sẽ dẫn đến cải tiến qui trình làm việc và kết quả sau cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân. Mỗi một tai nạn thường cho chúng ta những bài học. Hy vọng rằng qua bi kịch vừa qua, chúng ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để xét lại qui trình làm việc.
Không thể duy trì một tình trạng bất biến được!
- TS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan Sydney, Australia)