E. coli – vài câu hỏi thông thường
Ykhoanet.com
Trong vài ngày gần đây, E. coli đột nhiên trở thành một “tâm điểm” trong lần bộc phát bệnh tiêu chảy và tả. Trong một bài báo với tựa đề khá giật gân Đụng đâu cũng gặp vi khuẩn tiêu chảy cấp, phóng viên thuật lời phát biểu của ông Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết “tại TPHCM, 90% các mẫu thức ăn đường phố, kem bán rong ở cổng trường nhiễm E.coli- một loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy cấp; 100% các mẫu giò, nem chua, lòng lợn, chả quế ở Nam Định đều nhiễm E.coli. Tương tự, tại Huế, Cà Mau, 35%- 80% mẫu thức ăn chín ở đường phố, thịt, cá, rau ... có vi khuẩn E.coli. Theo ông Đáng, phát hiện thấy E.coli là sẽ có các vi khuẩn đường ruột khác như tả, lỵ, thương hàn.” Để bạn đọc không phải quá báo động với lời cảnh báo này, chúng tôi xin trình bày vài chi tiết liên quan đến vi khuẩn E. coli qua hình thức hỏi và đáp như sau:
Người ta bị nhiễm E. coli như thế nào?
E. coli là viết tắt của thuật ngữ Escherichia Coli dùng để chỉ một nhóm vi khuẩn (bacteria) sống trong đường tiêu hóa (ruột) của con người và động vật. Có nhiều loại E. coli, nhưng may mắn thay phần lớn chúng có thể nói là vô hại. Tuy nhiên, một số E. coli có thể gây tiêu chảy, và loại phổ biến nhất trong nhóm E. coli có hại này là E. coli O157:H7. Ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân nào dẫn đến nhiễm E. coli?
Chúng ta có thể bị nhiễm E. coli qua tiếp xúc hay phơi nhiễm với phân người và phân động vật, kể cả gia cầm. “Tiếp xúc” ở đây có nghĩa là uống nước hay ăn thức ăn bị nhiễm phân.
E. coli trong thực phẩm thì sao?
E. coli có thể xâm nhập vào thịt gia cầm hay thịt heo trong quá trình làm thịt. Nếu thịt bị nhiễm và không nấu chín (71°C), thì vi khuẩn có thể sống sót và thịt vẫn bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, một số thực phẩm sau đây cũng có thể bị nhiễm E. coli: rau cải và trái cây, và sữa tươi (tức sữa chưa tiệt trùng bằng phương pháp Pasteur).
E. coli trong nước?
Phân người và động vật bị nhiễm E. coli thỉnh thoảng có thể xâm nhập vào ao, hồ, sông, hay nói chung là nguồn nước sinh hoạt. Chúng ta có thể bị nhiễm E. coli qua tắm sông mà nước bị nhiễm khuẩn hay nước chưa được khử trùng bằng chlorine.
E. coli có lan truyền từ người sang người không?
Câu trả lời ngắn là có. Vi khuẩn có thể lan truyền từ người sang người, thông thường qua người không rửa tay sau khi đi tiêu/tiểu. E. coli cũng có thể lan truyền từ tay đến các vật dụng trong nhà, chẳng hạn như thớt dùng để chuẩn bị thức ăn.
Triệu chứng bị nhiễm E. coli là gì?
Tiêu chảy ra máu là triệu chứng chính của nhiễm E. coli. Người bị nhiễm cũng có thể cảm thấy đau thắt bao tử và nôn ói. Triệu chứng thường bắt đầu 3 hay 4 ngày sau khi bị phơi nhiễm vi khuẩn E. coli. Phần lớn bệnh nhân hồi phục sau vài ngày hay một tuần sau khi mắc bệnh. Phần lớn bệnh nhân cũng chẳng cần đến bác sĩ vì họ không biết mình bị nhiễm E. coli. Ngoài ra, nhiều người bị nhiễm mà không có triệu chứng và cũng không mắc bệnh.
Khi bệnh nhân bị nhiễm E. coli nghiêm trọng (tức có thể làm rối loạn máu và suy thận), một số triệu chứng sau đây thường được ghi nhận:
-
Da trở nên xanh xao;
-
Cảm lạnh;
-
Cảm thấy yếu cơ.
-
Có những vết thâm tím trên người;
-
Đi tiểu rất ít nước tiểu.
Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm E. coli ?
Nếu nghi ngờ bị nhiễm khuẩn E. coli, bác sĩ có thể lấy một ít phân và gửi đi một trung tâm vi sinh học để xét nghiệm.
Điều trị nhiễm E. coli như thế nào?
Như đề cập trên, bệnh nhân nhiễm E. coli thường tự hồi phục. Liệu pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tiêu chảy làm cho cơ thể mất nước hơn bình thường, cho nên uống nước chín rất quan trọng. Uống nước thường xuyên với một liều lượng khoảng 200 – 300 ml mỗi lần sẽ giúp chống lại tình trạng mất nước.
Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy và nghi rằng tiêu chảy do nhiễm E. coli, thì không nên sử dụng thuốc "cầm" tiêu chảy ngay vì uống thuốc "cầm" tiêu chảy có thể làm cho quá trình tiêu hóa chậm lại, và tạo cơ hội cho cơ thể hấp thu độc tố do vi khuẩn E. coli sản xuất. Nên tham vấn bác sĩ gia đình.
Làm gì để phòng ngừa nhiễm E. coli ?
Nước và thực phẩm bị nhiễm E. coli chẳng có biểu hiện gì đặc biệt, nên rất khó mà biết nước uống và thức ăn mà chúng ta dùng hàng ngày có bị nhiễm E. coli hay không. Vì thế, cần có những biện pháp (hay thói quen) phòng ngừa nhiễm khuẩn như sau:
-
Nấu chín thịt heo, gà, bò, v.v… với nhiệt độ tối thiểu là 71°C.
-
Trong nhà bếp, thường xuyên rửa tay với nước nóng hay xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với thịt.
-
Rửa kĩ những dụng cụ nhà bếp như dao, thớt sau khi sử dụng cắt rau hay thịt.
-
Tránh dùng sữa chưa qua tiệt trùng bằng phương pháp Pasteur.
-
Sử dụng nước mưa hay nước đã khử trùng bằng chlorine.
-
Rửa tay với xà phồng sau khi đi tiêu, tiểu hay thay tả cho trẻ con.
-
Tránh uống nước khi bơi lội dưới sông hay ao hồ.
-
Nếu cần, nên sử dụng chanh để diệt vi khuẩn trong rau cải hay mắm tôm.