Thịt chó là nguyên nhân
của bệnh tiêu chảy cấp tính?
Nguyễn Văn Tuấn
Báo Pháp Luật TPHCM ngày 23/4/2008 dẫn lời phát biểu của Tiến sĩ Jean-Marc Olive (Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam) cho biết “đợt dịch tiêu chảy cấp ở Việt Nam lần này là bất thường và nguyên nhân đầu tiên là từ thịt chó”. Trước đó một ngày, báo Tiền Phong cũng có tin “Mắm tôm được minh oan, thịt chó bị kết tội”. Tuy nhiên, cả 2 bài báo không cung cấp thêm thông tin nào làm cơ sở cho kết luận này! Các lí giải của ông Olive như tường thuật trong bài báo cũng không thuyết phục.
Tuy nhiên, phát biểu qua một hãng thông tấn ngoại quốc, ông cho thêm một thông tin quan trọng. Dưới tựa đề “Dog Meat May Be Spreading Vietnam's Cholera Outbreak” (tạm dịch: Thịt chó có thể lan truyền dịch tả ở Việt Nam) [1], ông Olive trả lời phỏng vấn qua điện thoại rằng: ăn thịt chó hay các thức ăn khác ở hàng quán có bán thịt chó tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp tính trầm trọng do nhiễm vi khuẩn tả gấp 20 lần [2]. Mặc dù mắm tôm đã được Bộ Y tế “minh oan”, nhưng bài báo tiếng Anh của hãng Bloomberg.com vẫn còn nhắc rằng mắm tôm là nguyên nhân của 157 trường hợp bệnh tả vào tháng 11 và 12 năm 2007, và họ nói rằng đây là nguồn tin của Bộ Y tế [3]!
Thế là qua tuyên bố này món ăn “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam được diễu hành trước dư luận quốc tế. Nhưng chúng ta có thể nào chấp nhận những tuyên bố của ông Tiến sĩ Jean-Marc Olive không? Tôi -- một người không ăn thịt chó -- nghĩ là không thể chấp nhận được. Tôi có lí do để nghi ngờ phát biểu của ông, và nghi ngờ rằng kết luận đó sai. Sau đây là những lí do mà tôi không không nhất trí với tuyên bố của ông Olive trên báo chí tiếng Anh:
Thứ nhất, chưa có nghiên cứu nào cho thấy ăn thịt chó hay ăn thức ăn ở hàng quán thịt chó tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp tính gấp 20 lần. (Thật ra, ngay cả con số 20 lần cũng là mơ hồ rồi: 20 lần so là sao với nhóm đối tượng nào?) Việc ông sử dụng thuật ngữ “nguy cơ” (risk) hàm ý cho biết nghiên cứu của ông xuôi theo thời gian (prospective study), nhưng tôi không tin ông có thể làm một nghiên cứu nhanh như thế vì dịch tả chỉ mới bộc phát từ vài tuần qua. Tuy nhiên không loại trừ khả năng ông Olive đã có tiến hành nghiên cứu theo mô hình bệnh chứng, nhưng với một mô hình này ông cũng không thể kết luận về một mối quan hệ nhân quả được.
Thứ hai, không thể tách rời ảnh hưởng của một yếu tố từ thực phẩm như thịt chó. Ai cũng biết ăn thịt chó thường đi kèm với rau và mắm tôm. Nay thì chúng ta biết rằng mắm tôm không chứa vi khuẩn tả, vì mắm tôm có nồng độ muối quá cao không có vi khuẩn V. cholera nào sống được. Ngay cả tài liệu của WHO cũng nói như thế (No risk of cholera is to be expected from foods […] with salt-preserved foods -- không có nguy cơ bệnh tả từ những thực phẩm bảo quản bằng muối). Rau cải có thể nhiễm V. cholera vì qua đường nước, và nước thì có thể hàm chứa vi khuẩn này. Nếu thịt chó được nấu chín (rất thường) thì vi khuẩn tả và E. coli không tồn tại được. Như vậy, nói “dog meat” (thịt chó) mà không tách rời ảnh hưởng của yếu tố rau cải (còn gọi là yếu tố trung gian hay confounder) là rất sai lầm về lí thuyết dịch tễ học.
Thứ ba, ông có thể vi phạm qui ước khoa học. Tôi và đồng nghiệp không tìm thấy một nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa ăn thịt chó và bệnh tả hay tiêu chảy cấp tính cả. Tìm trong thư viện y khoa toàn cầu PubMed với từ khóa “Olive JM and cholera” hay “Olive JM and diarrhea” chúng tôi cũng không thấy nghiên cứu khoa học nào. Như vậy có thể kết luận rằng ông chưa làm nghiên cứu nào cả về lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong trường hợp ông có làm nghiên cứu mà chưa công bố, thì chúng tôi e rằng ông đã vi phạm Qui ước Ingelfinger trong hoạt động khoa học. Qui ước này không cho phép bất cứ nhà nghiên cứu nào công bố kết quả khoa học trên các cơ sở truyền thông đại chúng mà chưa qua bình duyệt bởi các chuyên gia.
Đề nghị của WHO nói rõ rằng trong nỗ lực phòng chống cholera, không nên ngăn cấm việc buôn bán, vận chuyện, hay sử dụng các thực phẩm không hàm chứ vi khuẩn cholera [4]. Trong khi chưa có bằng chứng khoa học để “kết tội” thịt chó là nguyên nhân bệnh tả, tôi nghĩ những tuyên bố của ông Olive là quá hấp tấp và thiếu cơ sở khoa học. Sự bất cẩn này có thể gây tác hại đến một thành phần kinh tế của Việt Nam, vá đó là một điều đáng tiếc, nếu không muốn nói là khó chấp nhận được.
Tôi nghĩ vấn đề không phải là tìm một loại thực phẩm nào để “tố cáo” đó là thủ phạm hay nguyên nhân của lần bộc phát bệnh tả lần này. Vấn đề chính vẫn là tạo nguồn nước sạch hay nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, xử lí cống rảnh và rác, vệ sinh gia đình, cầu tiêu, rửa tay bằng xà phòng. Kinh nghiệm từ các nước Nam Mĩ cho thấy các biện pháp này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tả và tiêu chảy từ 36% đến 47%.
Nước, rác và vệ sinh là những vấn nạn môi trường lớn nhất trong thế kỉ 20, và cũng chính là mối đe dọa đến an sinh và sức khỏe của dân tộc trong thế kỉ 21. Có thống kê cho thấy khi GDP nước ta tăng 1% thì rác thải tăng 3%. Trong định hướng trở thành một nước công nghiệp trong vòng 20 năm tới, chúng ta cần phải dứt khoát giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và từng bước xóa bỏ các bệnh truyền nhiễm. Theo tôi, chúng ta cần tiếp cận và giải quyết vấn đề qua cách tiếp thị vệ sinh. Cần phải xem vệ sinh là một loại “thương hiệu” mang tính bản chất văn hóa, cũng như khi nói đến người Nhật chúng ta nghĩ ngay đến một dân tộc có nền vệ sinh rất cao.
Chú thích:
[1] Chú ý họ sử dụng từ cholera outbreak (dịch tả), và dè dặt với động từ may (có thể), chứ không khẳng định như báo chí Việt Nam.
[2] Nguyên văn: “Eating dog meat or other food from outlets that serve it is linked to a 20-fold increase in the risk of developing the severe acute watery diarrhea commonly caused by the cholera bacterium” (hãng tin bloomberg.com ngày 23/4/2008).
[3] Nguyên văn “Contaminated shrimp sauce caused at least 157 cholera cases in November and December, Vietnam's health ministry said last year.” (hãng tin bloomberg.com ngày 23/4/2008).
[4] WHO guidance on formulation of national policy on the control of cholera, WHO/CDD/SER/92.16 REV.1. Nguyên văn “No action to restrict the sale, transport, or use of such foods is justified as part of measures to control cholera.”