http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=140&Sobao=858&SoTT=5
Cổ phần hóa: chưa phải cách duy nhất
Cổ phần hóa có phải là giải pháp duy nhất để đổi mới hệ thống bệnh viện công? Hội nghị quốc gia về thí điểm cổ phần hóa bệnh viện công tổ chức trong hai ngày cuối tuần rồi giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Nguyên Tấn
Lạc quan
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã dành hơn nửa buổi sáng của ngày hội thảo thứ nhì để chỉ nhằm giải đáp một câu hỏi đang gây “nóng sốt” dư luận: Vì sao phải cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân? Đây là bệnh viện được cho phép xây dựng đề án thí điểm cổ phần hóa trong một công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cách đây hai năm. Có thông tin cho hay, theo sau Bình Dân, hàng loạt bệnh viện khác hiện cũng đang nối đuôi nhau xin được cổ phần hóa như Từ Dũ, 115, Mắt, Hùng Vương...
Theo ông Dũng, có ba cái lợi cơ bản khi cổ phần hóa bệnh viện. Một, là huy động được nguồn vốn dồi dào của xã hội để đầu tư cho hệ thống bệnh viện công. Do thiếu vốn, cơ sở vật chất của các bệnh viện công thường được trang bị kém. “Ví dụ, mặc dù là bệnh viện chuyên khoa ngoại loại 1 nhưng Bệnh viện Bình Dân đến nay vẫn chưa sắm được một cái máy chụp CT trong khi một số cơ sở y tế tư nhân đã có. Hoặc khoa niệu được xem là mạnh nhất của bệnh viện nhưng trang thiết bị ở đây vẫn chưa cho phép thực hiện các ca ghép thận trong khi Bệnh viện Đa khoa 115 đã làm được” - ông Dũng phân tích. Hai, là giúp đổi mới phương thức quản lý bệnh viện. “Hầu hết giám đốc các bệnh viện công của thành phố chưa qua trường lớp đào tạo quản lý nào cả. Cổ phần hóa sẽ làm cho cơ chế quản lý minh bạch hơn, khoa học hơn và được giám sát chặt chẽ hơn nhờ các cổ đông”. Đặc biệt, khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế lời ăn lỗ chịu, bệnh viện không còn phải “ngửa tay” xin bao cấp nữa.
Nói cách khác, Nhà nước sẽ giảm bớt được đáng kể gánh nặng về đầu tư cho các bệnh viện và có thể sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm này điều tiết cho những lĩnh vực y tế khác đang cần để phục vụ an sinh xã hội tốt hơn như: y tế dự phòng, y tế cơ sở, đào tạo nhân lực ngành. Ông Dũng dẫn chứng, tại TPHCM mỗi năm Nhà nước phải chi bao cấp trung bình tới 40 triệu đồng/giường bệnh và theo một cơ chế rất bất hợp lý là “thanh toán trước, trả sau”. Như vậy, hiện cả thành phố có 29 bệnh viện công với tổng cộng 13.000 giường bệnh thì gánh nặng bao cấp về tài chính sẽ rất lớn, nhất là khi nhu cầu về khám chữa bệnh đang ngày càng gia tăng.
Mặc dù, theo ông Dũng, với cơ chế hạch toán khi đã cổ phần hóa giá viện phí chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với trước nhưng bù lại người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn về dịch vụ và công nghệ kỹ thuật y tế. Đặc biệt, trong đề án cổ phần hóa của mình, Bệnh viện Bình Dân cho biết sẽ trích lợi tức từ 60% cổ phần của cổ đông nhà nước để lập quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ những bệnh nhân nghèo và các đối tượng chính sách. Để có thể thực hiện đề án trên, bệnh viện cũng đề nghị Nhà nước cho một số ưu đãi như: vay vốn lãi suất 0,4% /tháng theo chương trình vay vốn kích cầu; miễn tiền thuê đất trong năm năm đầu cổ phần hóa; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm năm đầu và giảm 50% trong năm năm tiếp theo...
Sao không tự chủ?
Trưởng phòng Tài chính-Kế toán, Bệnh viện E Trung Ương, ông Vũ Quang Sinh đã gây bất ngờ khi đặt một câu hỏi trái ngược với lập luận của bác sĩ Nguyễn Thế Dũng: “Nếu cổ phần hóa để huy động vốn thì tại sao không huy động vốn theo Nghị định 43/2006 của Chính phủ (*), trong khi cổ phần hóa thì đang phải dò dẫm và chưa có luật?”. Rồi ông Sinh tự giải đáp luôn: “Nghị định này hoàn toàn cho phép các bệnh viện công lập được quyền tự chủ về tài chính, trong đó có quyền huy động vốn và vay vốn tín dụng nhằm tạo ra các dịch vụ để tăng thu nhập cho CBCNV và phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân. Mà nói thật, vốn của các tổ chức tín dụng hiện không thiếu, kể cả vốn của CBCNV”. Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Văn Chính, chuyên viên đơn vị chính sách (Bộ Y tế) cho rằng cơ chế tự chủ về tài chính còn giúp các bệnh viện công tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách có thể “outsourcing” một số loại dịch vụ không thuộc chuyên môn của mình như: ăn uống, giặt giũ, chăm sóc, khách sạn... Nhưng không chỉ có vậy! Theo ông Chính, Nghị định 43 cho phép tự chủ cả về tổ chức bộ máy nhân sự. Nghĩa là, bệnh viện có thể thuê cả những chuyên gia bên ngoài để điều hành, quản trị, chứ không chỉ có cổ phần hóa mới làm được điều ấy.
Rõ ràng, theo ông Chính, ở đây có hai cơ chế tương đương nhau về độ “thoáng”. Chỉ có khác ở chỗ: nếu cổ phần hóa thì bệnh viện sẽ mất đi một phần tài sản, còn theo cơ chế tự chủ thì tài sản của bệnh viện vẫn được nguyên vẹn. Cổ phần hóa thì bệnh viện phải chạy theo lợi nhuận, còn theo cơ chế tự chủ thì tính chất phi lợi nhuận vẫn được bảo toàn. Đó là chưa nói đến có thể xảy ra khả năng các cổ đông bên ngoài thao túng bệnh viện khi cổ phần hóa, tương tự như trường hợp bên Việt Nam trong một số liên doanh trước đây bị phía nước ngoài ép dẫn đến phải bỏ của, rút lui. Để đảm bảo những phúc lợi y tế căn bản cho toàn dân với tính chất phi lợi nhuận, theo ông Chính, không chỉ phải đổi mới cơ chế mà điều không kém phần quan trọng là ưu tiên của Nhà nước đối với lĩnh vực này như thế nào. Hiện ở Việt Nam chi phí cho y tế chiếm khoảng 1% GDP trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này là 1,5-6%.
Khảo sát kinh nghiệm thế giới, Tiến sĩ Dương Huy Liệu, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cũng rút ra nhận định “trong số các lựa chọn đổi mới thì cổ phần hóa bệnh viện chưa phải là lựa chọn tốt nhất, càng không phải là duy nhất”. Theo ông, thế giới có bốn mô hình cơ bản về bệnh viện công: nhà nước bao cấp; giao quyền tự chủ về tổ chức và tài chính cho tư nhân dưới sự kiểm soát của nhà nước; cổ phần hóa và tư nhân hóa. Trong số bốn mô hình nói trên thì hầu hết các nước đều dừng lại ở mô hình giao quyền tự chủ, vì nó hài hòa được mục tiêu phi lợi nhuận với hoạt động hiệu quả của các bệnh viện công (thành công điển hình là Singapore). Trong khi đó, cổ phần hóa “kết quả hết sức khiêm tốn, thậm chí thất bại”. Tuy nhiên, cả hai ông Liệu và Chính đều ủng hộ cho một cuộc thử nghiệm cổ phần hóa bệnh viện công tại Việt Nam. Điều quan trọng, theo hai ông, là việc cổ phần hóa phải hết sức thận trọng và chỉ nên thí điểm ở một vài bệnh viện không thuộc hệ quy hoạch chủ chốt, còn những bệnh viện chủ chốt như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy... thì không bao giờ nên cổ phần hóa. “Ví dụ, một tỉnh có hai bệnh viện đa khoa, một của Trung ương và một của tỉnh thì có thể cổ phần hóa bệnh viện của tỉnh. Hoặc có thể cổ phần hóa một số bệnh viện thuộc dự án xây mới”-ông Liễu nói.
(*) Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. |
|
LTS: Tiếp nối bàn tròn về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện và trường đại học trên TBKTSG số 20-2007 (ngày 10-5-2007), tuần này chúng tôi xin giới thiệu tiếp ý kiến của hai chuyên viên thuộc CLB Chuyên viên TBKTSG và một ý kiến phản hồi của bạn đọc về đề tài này.
Vấn đề là làm sao cho người nghèo có tiền chữa bệnh
...Theo tôi quan trọng không phải là Việt Nam theo mô hình y tế nào: bệnh viện công, tư hay cổ phần mà vấn đề đặt ra ở đây là người bệnh có đủ tiền (và làm sao có đủ tiền) để trả phí chữa trị hay không?
CHLB Ðức và nhiều nước phát triển đã thực hiện điều này qua chế độ bảo hiểm sức khỏe công bằng: người có thu nhập thấp đóng ít, người có thu nhập cao góp nhiều và trên giường bệnh mọi người đều như nhau, ngoài trừ một ít trường hợp đặc biệt. Khi bị bệnh, bệnh nhân có thể đến phòng mạch bác sĩ để khám hoặc đến bệnh viện công hay tư, miễn nơi nào thuận tiện và có điều kiện chữa trị bệnh của mình và sau đó hãng bảo hiểm sức khỏe của mình sẽ thanh toán trực tiếp với bệnh viện.
Tôi nghĩ, Việt Nam theo nền kinh tế thị trường thì không thể không có bệnh viện tư nhân hay cổ phần, nhưng với “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì không thể không có sự công bằng xã hội. Vì vậy Việt Nam cần có chế độ bảo hiểm sức khỏe công bằng để khi bị bệnh, mọi người bệnh có điều kiện đến khám với bác sĩ, đến bệnh viện (dù công hay tư) để chữa trị, ít ra đối với một số bệnh cơ bản mà không bị phân biệt đối xử.
Trang Quan Sen, Hannover - Đức
Nên bán hẳn luôn
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vấn đề mà tôi đã đặt ra trước Quốc hội từ những năm 1995-1997 nhưng lúc đó ít có ai đồng tình. Thấy mình lạc lõng quá tôi đã rút lui. Nhưng lúc đó tôi đã phân biệt những gì cần tư nhân hóa (privatization), cái gì Nhà nước vẫn phải giữ. Ngồi trong Quốc hội 17 năm, tôi nhận ra rằng nguyên nhân chính của những khó khăn kinh tế của Việt Nam là ngân sách nhà nước quá nhỏ so với nhu cầu phát triển của ta. Nhưng cái nguyên nhân sâu xa hơn nữa là chính sách của Nhà nước chưa tạo mặt bằng thuận tiện giúp người dân có thể tham gia các hoạt động kinh tế để họ giàu lên, đóng nhiều thuế cho ngân sách, làm cho ngân sách ngày một lớn thêm. Nếu Nhà nước cứ phải tiêu hao tiền lo cho các doanh nghiệp nhà nước đứng vững thì không thể nào ngân sách có đủ tiền để lo cho các dịch vụ công đến nơi đến chốn. Cũng may là ta có các giếng dầu thô đang gánh một phần khá quan trọng cho ngân sách nhà nước, nếu không thì tình hình có thể còn tệ hơn nữa.
Vì ngân sách nhà nước quá nhỏ nên lương bổng trong khu vực nhà nước cũng không thể cao (thí dụ lương giáo viên Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 lương giáo viên Thái Lan). Vì thế ngân sách không thể nào đầu tư đến nơi đến chốn cho những dịch vụ công như bệnh viện và trường học. Và Nhà nước chủ trương “xã hội hóa”, rồi nay lại “cổ phần hóa” bệnh viện và trường học.
Rõ ràng người dân chúng ta đang đứng trước hai ngả đường khó xử: muốn thấy Nhà nước làm sao đóng đúng vai trò nhà nước thì không được rồi, vì đâu có đủ tiền; muốn cho cổ phần hóa thì lại không biết làm sao giúp dân nghèo, tầng lớp chiếm đại đa số và cũng là những người không đóng bảo hiểm y tế, có điều kiện chữa bệnh.
Về dịch vụ y tế: thực ra ít có nơi nào ở nước ta trị bệnh miễn phí cho dân, ngoại trừ một số ít phòng khám từ thiện. Bệnh nhân vào bệnh viện công phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế nếu không thì phải trả tiền, thậm chí nếu không có tiền đóng trước thì không được điều trị. Do đó tôi đồng ý là nên “giải tư” bệnh viện công để có tiền đầu tư thêm thiết bị hiện đại. “Giải tư” đúng nghĩa là Nhà nước không nên giữ cổ phần làm gì. Nhà nước chọn giữ lại vài bệnh viện công tại thành phố lớn và một bệnh viện công tại các tỉnh, các bệnh viện còn lại thì Nhà nước mạnh dạn bán cho tư nhân để lấy tiền đó đầu tư vào một số bệnh viện công còn lại tại thành phố hoặc tỉnh lỵ để thật sự lo cho dân nghèo.
Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang
Nên công ra công, tư ra tư
Trong nền kinh tế có nhiều thành phần như hiện nay thì xã hội tất yếu bị phân hóa thành nhiều tầng lớp giàu nghèo khác nhau. Các bệnh viện tư nhân sẽ đáp ứng việc chữa bệnh theo yêu cầu của những người có nhiều tiền. Còn đa số người dân còn lại sẽ đến bệnh viện công với các trang thiết bị y tế phù hợp với điều kiện kinh tế của nước nhà, để được chữa trị bởi đội ngũ thầy thuốc có khả năng chuyên môn cao. Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện công lớn và có chính sách hỗ trợ để nâng cao mức sống của đội ngũ y bác sĩ làm việc tại đây.
Từ suy nghĩ ấy, vào năm 1990, thời điểm còn quá ít bệnh viện tư nhân lớn, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã tổ chức thí điểm một phòng điều trị dịch vụ theo yêu cầu của bệnh nhân. Theo tôi thì thời điểm hiện nay dịch vụ này không còn phù hợp nữa.
Nhà nước chủ trương xã hội hóa ngành y tế là rất đúng nhưng nên thực hiện bằng việc khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng các cơ sở y tế. Nhà nước không nên tiến hành xã hội hóa bằng việc cổ phần hóa các bệnh viện công, biến bệnh viện thành một doanh nghiệp của những nhà đầu tư đặt lợi nhuận là mục tiêu hoạt động chính (doanh nghiệp bệnh viện là một tổ chức kinh tế kỹ thuật có tính xã hội khác các doanh nghiệp kinh tế kỹ thuật khác).
Nhất thiết Nhà nước phải làm chủ và kiện toàn các bệnh viện công lập thuộc loại đầu ngành, các bệnh viện lớn ở từng địa phương để phục vụ đại đa số người dân có thu nhập từ trung bình trở xuống. Còn các bệnh viện công loại nhỏ, hoạt động yếu kém thì Nhà nước nên giải thể, tổ chức đấu giá để trở thành bệnh viện tư.
Bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh, nguyên Phó giám đốc
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM